Chia tay Sài Gòn về quê vì Covid-19: Phép màu cho một gia đình ngay trước giờ 'G'

29/07/2021 15:47 GMT+7

Chồng và 3 con gái đều được xét duyệt về Huế nhưng chị Thái Thị Hường (34 tuổi) lại không có trong danh sách do không kịp đăng ký. Trước giờ lên tàu, chị khăn gói cùng chồng con ra ga Sài Gòn mong chờ một phép màu…

“Suýt nữa thì vợ chồng con cái chia cắt”

Trong dòng người đang chờ được làm thủ tục trước nhà ga có gia đình anh Đặng Quang Cân (35 tuổi). Cả nhà anh trải chiếu ngồi, vợ anh - chị Hường tay không ngừng quạt cho 3 đứa con gái đang nằm ngủ say vì mệt. Tôi hỏi “Sao anh không xếp hàng làm thủ tục như những người khác mà ngồi ở đây?”, anh tâm sự mình và các con đều nằm trong danh sách được xét duyệt về quê đợt này, nhưng vợ anh thì không. Anh đã trình bày với Hội đồng hương Thừa Thiên - Huế tại TP.HCM và đang chờ kết quả xem vợ mình có được về hay không.

Anh Tiến Nguyễn - một tình nguyện viên trong Hội đồng hương chạy lại thông báo rằng mong muốn của gia đình anh Cân đã được duyệt, chị Hường đã có vé tàu để về quê

ẢNH: CAO AN BIÊN

Ngày 29.7, hơn 360 người Thừa Thiên - Huế đang mắc kẹt tại TP.HCM ra ga Sài Gòn (Q.3) để làm thủ tục về lại quê hương

ẢNH: CAO AN BIÊN

“Hôm trước tôi đăng ký cho mình và các con xong thì mới đăng ký cho vợ, nhưng không hiểu sao bấm vào đường link hoài mà không hiện ra mẫu để điền. Hôm sau tôi tiếp tục đăng ký thì nhận được thông báo ngưng nhận hồ sơ”, anh thở dài.
Từ hôm đó, cả gia đình anh mất ăn mất ngủ. Từ lúc nhận được thông báo mình và các con sẽ được về quê, niềm vui của gia đình anh Cân lại không trọn vẹn. Chị Hường tiếp lời: “Thấy chồng con mình được về tôi mừng lắm, nhưng nghĩ đến cảnh mình phải ở lại một mình tôi lại không ngủ được, lo lắng, đêm nào nước mắt cũng chảy. Vậy nên hôm nay mới đánh liều đến đây trình bày với cán bộ xem sao, hai vợ chồng tôi ngồi một ghế cũng được nữa miễn là được ở bên nhau. Lát nữa tàu chạy rồi, nếu mà phải ở lại tôi không biết phải làm sao”.
Vào Sài Gòn lập nghiệp hơn 15 năm trước, chị Hường buôn bán nhỏ, anh Cân làm tự do để kiểm sống. Mảnh đất này đã cho anh chị có một cuộc sống ổn định và 3 đứa con gái kháu khỉnh. Dịch ập tới, anh chị thất nghiệp, không có thu nhập. Số tiền dành dụm được bấy lâu nay cũng đã tiêu hết, kiệt quệ không thể trụ nổi họ mới đăng ký về quê.

Nhiều người tranh thủ làm các thủ tục để kịp 15 giờ 20 phút tàu bắt đầu lăn bánh

ẢNH: CAO AN BIÊN

Gia đình chị Lê Thị Huê (31 tuổi) nói nếu dịch còn kéo dài, chắc mình sẽ không quay lại Sài Gòn

ẢNH: CAO AN BIÊN

Chị Hường chưa kịp kể hết câu chuyện của mình, anh Tiến Nguyễn - một tình nguyện viên trong Hội đồng hương chạy lại thông báo rằng mong muốn của gia đình anh Cân đã được duyệt, chị Hường đã có vé tàu để về quê. Hai vợ chồng mừng không nói nên lời, dắt nhau đi làm các thủ tục để lên tàu.
Với chị Hường, thông báo của anh Tiến giống như một “phép màu không thể tin được, là niềm vui lớn nhất của gia đình sau bao ngày không ăn ngủ gì được. Suýt nữa thì vợ chồng con cái ly biệt”.
Nhìn vợ chồng vui mừng, ánh mắt anh Tiến cũng không giấu được hạnh phúc. Anh nói biết được câu chuyện của anh chị, bản thân cảm thấy rất xúc động và quyết định “phải làm gì đó” để họ có thể cùng về với nhau. “Hội đồng hương đã linh động giải quyết theo cái tình, cố gắng để chị có được một vé về với gia đình. Mong mọi người đều có thể an toàn về được quê”, anh bày tỏ.

“Sài Gòn là quê hương thứ hai...”

Trong khi đó, gia đình chị Lê Thị Huê (31 tuổi) lại ngồi một góc trước nhà ga đăm chiêu. Lần về quê cùng chồng và 3 đứa con nhỏ này, chị nói có thể đó là lần về “giã biệt” Sài Gòn, không lên lại nữa.

Chị rơi nước mắt khi sắp phải xa nơi đã gắn bó suốt 10 năm qua

ẢNH: CAO AN BIÊN

Nhiều gia đình được xét duyệt về lại Huế trong đợt 2 này

ẢNH: CAO AN BIÊN

Mới ngày nào vợ chồng chị từ H.Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) “chân ướt chân ướt chân ráo” vào Sài Gòn lập nghiệp, thấm thoát nay đã 10 năm trôi qua. Nơi này cho anh chị một cuộc sống ổn định với thu nhập từ việc làm công nhân cho một khu chế xuất, cho chị 3 đứa con “nếp tẻ đều có đủ”. Thế nhưng dịch Covid-19 đã cuốn phăng hết số tiền tích cóp được những năm qua, anh chị trắng tay.
“Lần này mà dịch kéo dài, vợ chồng tôi ở quê làm ruộng vậy, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Tôi coi Sài Gòn như quê hương thứ hai của mình, nơi đã cưu mang và cho chúng tôi nhiều thứ. Để nghĩ tới nước này, tôi cũng đã trăn trở nhiều đêm”, chị nói mà nước mắt chảy dài.
Chỉ vào đống hành lý lỉnh kỉnh kế bên, chị nói mình đã dọn nhiều đồ mang về nhưng vẫn chừa lại một ít, cũng chưa thông báo trả trọ. Chị nói mình vẫn còn thấy tiếc, vẫn đang đắn đo về quyết định của mình.

Bà Lê Thị Hồng (75 tuổi) vào TP.HCM thăm cháu ngoại là Đinh Văn Ty (19 tuổi, là sinh viên) rồi bị kẹt lại vì dịch. Hai bà cháu hạnh phúc vì được xét duyệt về quê lần này

ẢNH: CAO AN BIÊN

Sẽ còn nhiều đợt đón công dân

Trao đổi vớiThanh Niên, ông Trần Thuận Hóa - Đại diện Hội đồng hương Thừa Thiên - Huế tại TP.HCM cho biết trong đợt 2 này, tỉnh đón 360 người về quê bằng tàu hỏa. Về những trường hợp không nằm trong danh sách nhưng vẫn được xét duyệt để lên tàu, ông Hóa thông tin: “Chúng tôi đã xem xét rất kỹ và nhận thấy mình không thể cứng nhắc, có những cái mình phải giải quyết cho hợp tình. Một số người cả gia đình đều được về nhưng mình họ bị kẹt lại thì cũng nên giải quyết cho họ được về. Chúng tôi cố gắng hết sức để không ai bị bỏ lại phía sau”.            
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.