Triển lãm lồng đèn Trung thu xưa đang diễn ra từ ngày 24.8 đến 20.9, tại 187 Bạch Đằng, Q.Tân Bình, TP.HCM, được thực hiện bởi Khởi Đăng Tác Khí, một tổ chức chuyên phục dựng các mẫu lồng đèn Trung thu truyền thống. Đây cũng là lần đầu tiên Khởi Đăng Tác Khí kết hợp với Tích Nhật Phiến Đoạn - một trung tâm văn hóa chuyên tạo ra những không gian cổ điển phục vụ cho các sự kiện văn hóa, hội thảo và chụp hình cổ phục.
Nói về lý do thực hiện, chị Nguyễn Hồng Bân, đại diện ban tổ chức chương trình, đồng thời cũng là thợ thủ công tại Khởi Đăng Tác Khí, cho biết triển lãm với mong muốn tạo ra một không gian mang đậm chất hoài niệm, giúp người lớn tuổi tìm lại ký ức xưa cũng như giới thiệu cho thế hệ trẻ biết về Trung thu của những năm tháng trước đây. Từ đó, tạo cơ hội để các bạn có thể hiểu và trân trọng hơn những sản phẩm lồng đèn truyền thống mà các cha ông ta đã tạo ra từ hàng trăm năm trước.
Nguyễn Thị Kim Dung (36 tuổi, sống tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: "Buổi triển lãm mang đến cho mình cảm giác hoài niệm về những ngày còn nhỏ, khi tự tay làm những chiếc lồng đèn ngôi sao dán bằng hồ bột. Với thế hệ 8X như mình, đã rất lâu rồi mới có dịp thấy lại những chiếc lồng đèn làm bằng giấy kiếng và từ cây trúc như thế này".
Tại buổi triển lãm, đa dạng các mẫu đèn lồng được trưng bày bắt mắt với tên gọi: Ánh nguyệt, Tiến sĩ giấy, Cự giải, Bướm hồ điệp, Kéo quân, Cá chép hóa rồng, Đại long... Được biết giá thị trường của mỗi sản phẩm dao động từ 385.000 đồng đến vài triệu đồng. Đặc biệt, hiện tại nơi đây chiếc lồng đèn có giá cao nhất là 40 triệu đồng, với tên Đại long.
"Tùy vào kích cỡ mà thời gian tạo ra sẽ khác nhau, lồng đèn kích thước M (vừa) sẽ tốn khoảng 6 tiếng đồng hồ để tạo khung và 43 giờ đồng hồ để dán giấy kiếng, trang trí. Các sản phẩm cầu kỳ hơn như lồng đèn Đại long sẽ tốn gần 10 ngày để tạo khung và hơn 100 tiếng đồng hồ hoàn thành các khâu còn lại. Hiện tại, các nghệ nhân ở xưởng phải làm việc liên tục từ 7 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau để đảm bảo tiến độ các đơn hàng", chị Hồng Bân cho biết thêm.
Chia sẻ về cảm nhận sau khi tham gia triển lãm, Lee Trần (32 tuổi, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: "Với mình, mỗi chiếc lồng đèn tại triển lãm không chỉ một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là câu chuyện về văn hóa và truyền thống. Trong thời đại công nghệ như ngày nay, mình nghĩ mô hình này nên được nhân rộng để người trẻ có cơ hội được biết và hiểu nhiều hơn về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta".
Bình luận (0)