Chiếc võng 'kỳ công nhất thế giới'

Mạnh Cường
Mạnh Cường
19/10/2022 10:24 GMT+7

Phải đan trong vòng 2 - 3 tháng chưa kể thời gian chuẩn bị nguyên liệu, chiếc thế giới ">võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm (Hội An) được xem là sản phẩm thủ công độc đáo và kỳ công “nhất thế giới”...

“Di sản sống” trên đảo

Hằng năm, khi mùa ngô đồng ở đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An, Quảng Nam) nở rộ ven các triền núi, người dân cũng đi chọn vỏ cây làm nguyên liệu đan võng. Đấy phải là những nhánh thẳng, chỉ to vừa cổ tay thì vỏ cây mới có thể cho ra sợi mềm, dai... Chọn được cây, đập tước phần vỏ, ngâm và chần đá cẩn thận ở các khe nước. Chừng hơn 1 tháng sau, vỏ cây được vớt mang về, tách chọn lớp vỏ bên trong có màu trắng đục (manh đồng), tước thành từng sợi nhỏ, phơi khô…

Ngô đồng vào mùa trổ hoa

MẠNH CƯỜNG

Không ai nhớ rõ nghề se sợi từ cây ngô đồng và đan võng ở đảo Cù Lao Chàm bắt đầu từ khi nào. Có người cho nghề đan võng này chí ít cũng hơn 300 năm. Võng ngô đồng có tác dụng trị phong, trị đổ mồ hôi trộm, nằm võng ngô đồng thấy rất khỏe, ngon giấc. Mỗi chiếc võng có sức bền trên 20 năm… Riêng gia đình cụ Lê Thị Kề (82 tuổi, ở thôn Bãi Làng, xã đảo Tân Hiệp) đã trải qua 3 đời đan võng. Hiện giờ, quanh xã đảo cũng chỉ còn chừng 4-5 cụ có thể đan võng ngô đồng trắng ngà và họ được xem là những “di sản sống”, miệt mài ngồi năm này qua tháng nọ để tỉ mẩn đan từng những chiếc võng.

Võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm được ví von là “chiếc võng kỳ công”, là sản phẩm thủ công thuộc hàng độc lạ nhất thế giới. Phải mất ít nhất 2 tháng để đan được một chiếc võng, chưa kể thời gian chuẩn bị nguyên liệu. “Người làm ra nó phải thật sự phải yêu nghề. Ngoài đòi hỏi kỹ thuật cao thì cần sự chậm rãi, tỉ mỉ, cần mẫn mà người đan đặt cả vào từng sợi manh đồng, múi đan, đường se ”, cụ Kề nói.

Hầu như chiếc võng ngô đồng nào làm ra là có ngay người mua, thậm chí đặt cọc trước. Thế nhưng, nghề đan võng ngô đồng truyền thống đang dần mai một, thất truyền vì người trẻ không đủ tỉ mỉ, kiên nhẫn, mặn mà để học nghề, nhất là nguyên nhân… tốn quá nhiều thời gian để đan xong một chiếc võng.

Cụ bà Lê Thị Kề cần mẫn đang võng

Mai sau, còn ai theo nghề?

Khách lên đảo, hỏi thăm võng ngô đồng, sẽ được người dân kể vanh vách những điểm độc đáo riêng của sản phẩm do từng người làm ra. Đơn giản vì số người đan theo nghề quá ít. Võng ngô đồng Cù Lao Chàm hiện có loại võng 4 sợi và võng 6 sợi (khoảng cách giữa 2 múi là 4-6 dây). Mỗi chiếc võng ngô đồng được bán với giá rẻ nhất 2 triệu đồng, cao nhất khoảng 10 triệu đồng. Người đan nhanh, đan giỏi cũng chỉ làm được chừng 5-6 chiếc võng mỗi năm.

Còn rất ít người theo nghề ở Cù lao Chàm

M.C

Bà Nguyễn Thị Quỳ (75 tuổi, ở thôn Bãi Làng) học nghề đan võng từ mẹ chồng, cách đây vừa chẵn 50 năm. Nhưng học đến gần 5 năm sau, bà mới có thể đan thành thạo. Theo bà Quỳ, trong các công đoạn, có lẽ đầu võng là khó đan nhất. Bởi phải thắt được một múi từ sợi dây ngô đồng, đan tầm hơn mười múi lẻ để có cái tì dư ra cột… Xong được công đoạn đan hai đầu cột võng rồi mới tiếp tục đan múi, đan bìa, rồi học cách se dây sao cho đều… “Một chiếc võng đẹp là chiếc võng có sợi đều, chắc, chặt. Người đan phải vừa se, vừa miết để những sợi manh đồng thắt chặt vào nhau nhịp nhàng, không cộm, không mối nối gồ ghề. Lại vừa phải nhẩm tính, canh khoảng cách để nan võng đều đặn để võng không bị chùng và mềm mại”, bà Quỳ chia sẻ.

Đề nghị công nhận di sản quốc gia

Bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp, nhìn nhận số người theo nghề đan võng ngô đồng trên địa bàn rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tốn thời gian để làm ra một sản phẩm nhưng giá trị kinh tế không cao lắm, nên nhiều người không mặn mà. Để góp phần bảo tồn và giúp nghề không bị mai một, sắp tới chính quyền xã sẽ mở lớp đào tạo, nhờ các cụ truyền nghề. Địa phương sẽ “gõ cửa từng nhà”, vận động người trẻ ra lớp. “Đây cũng là sản phẩm du lịch mang nét rất riêng của Cù Lao Chàm, hiện TP.Hội An đang lập hồ sơ đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề đan võng hàng trăm năm tuổi này”, bà Hương nói.

Theo bà Quỳ, xưa kia Cù Lao Chàm chưa có điện, ngồi đan võng dưới ánh đèn dầu tù mù, vừa đan vừa trò chuyện nhưng vẫn không lệch, không sai một sợi nào. Thợ lành nghề nhắm mắt lại vẫn có thể đan, se nối vỏ chi li. “Nghề đan võng ngô đồng chỉ dành cho những người rỗi rãi, nhiều thời gian thôi. Những người già như chúng tôi thì may ra mới đủ kiên nhẫn, cần mẫn se bện, tết từng sợi manh đồng. Không biết liệu sau này còn ai theo nghề và còn nhớ võng ngô đồng nữa…”, bà Quỳ trải lòng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.