Những tỉ phú nông dân

15/10/2022 08:10 GMT+7

Nhiều nông hộ hiện có thu nhập tiền tỉ từ chính những cây trồng, vật nuôi quen thuộc.

Không chỉ là đi sau cái cày, nhiều nông dân đã ra thế giới xúc tiến bán hàng; nhiều người tự nghiên cứu công thức để làm ra các sản phẩm có chất lượng cao. Họ chính là đại diện cho nền nông nghiệp tự chủ, hiện đại mà Việt Nam đang hướng đến.

“Ông nông dân” đi xúc tiến thương mại ở trời Âu

Một ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi điện thoại cho ông Lý Minh Hùng - Giám đốc HTX Thanh Bình (xã Thanh Bình, Trảng Bom, Đồng Nai) thì được thông báo, ông đang ở sân bay Tân Sơn Nhất, chuẩn bị bay đi châu Âu theo đoàn xúc tiến thương mại của Bộ Công thương để giới thiệu các sản phẩm của HTX. “Đợt này tôi mang theo các sản phẩm làm từ thân cây chuối. Rất đẹp, nhìn là thích liền. Hy vọng các khách hàng châu Âu sắp gặp cũng sẽ hài lòng”, ông Hùng hào hứng cho biết.

Ông Dư Văn Thái và khu vườn xen canh trên nền đất phèn mặn

Duy Tân

Mang khát vọng làm giàu từ cây chuối, loại cây quen thuộc với người dân Việt Nam nhưng lâu nay, hầu hết các nông hộ đều tận dụng thân chuối để nuôi heo thì ông Hùng lại suy nghĩ, thử nghiệm để biến thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đánh sợi để cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp trong ngành này.

Tương tự, trái chuối ngoài xuất tươi thì ông còn chế biến thành chuối sấy, bột chuối… xuất đi các thị trường Trung Đông, Hàn Quốc, Trung Quốc. Riêng mặt hàng chuối tươi, khi vào mùa mỗi tháng, HTX của ông Hùng xuất khoảng 12 - 15 container. Ông Hùng đang làm việc với các đối tác Nhật Bản để đưa hàng vào thị trường này và “hy vọng sau chuyến đi lần này có thể tìm được khách hàng ở thị trường EU” - ông nói và cho biết, doanh thu của HTX mỗi năm khoảng 30 tỉ đồng. Nếu chuyến đi này thành công có thể HTX của ông Hùng sẽ đầu tư thêm máy móc thiết bị để gia tăng tỷ lệ chế biến.

HTX Thanh Bình có 10 thành viên góp vốn và trên 30 thành viên liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên diện tích hơn 300 ha. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật sản xuất nên năng suất trung bình lên đến 50-60 tấn/ha. Ngoài ra, HTX còn tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 50 lao động thường xuyên với thu nhập từ 9-10 triệu đồng/tháng. Sau nhiều năm gắn bó với nghề, ông Hùng nhận ra rằng tuy chuối tươi bán được sản lượng lớn nhưng gặp khó ở khâu vận chuyển đến tay người tiêu dùng và mang tính mùa vụ cao. Chưa kể 1 kg chuối bán tươi chỉ có giá 10.000 đồng thì sản phẩm chế biến có thể cao hơn 8 lần. Thế nên ông định hướng đi vào chế biến sâu không chỉ với quả chuối mà còn cả với thân cây chuối.

Ông Hùng đang phối hợp với một số đơn vị nghiên cứu để có thể biến sản phẩm sợi từ thân chuối thành sản phẩm vải. Nếu thành công, đây sẽ là sản phẩm thân thiện với môi trường thích hợp với xu hướng tiêu dùng của người dân châu Âu. “Muốn làm giàu, nông dân cần bắt tay nhau. Phải cùng nhau mày mò để làm sao làm ra các sản phẩm ngày càng tốt hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Không có thứ gì đáng bỏ đi, chỉ có những thứ chúng ta chưa biết cách tận dụng nó mà thôi. Vì vậy cần phải liên tục tìm cách biến những thứ ấy thành sản phẩm có giá trị”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Lý Văn Bon và tỉ phú An Joe Lewis

Đình Tuyển

Có nhiều vùng đất nhiễm phèn, mặn, tư duy của nhiều người dân vùng ĐBSCL vẫn là ngăn mặn, trữ ngọt để sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, có rất nhiều nông hộ tận dụng điều kiện tự nhiên để triển khai các mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả cao.

Ông Dư Văn Thái ngụ xã Bình An (H.Châu Thành, Kiên Giang) đạt thu nhập gần 2 tỉ đồng chỉ với 2 ha đất nhờ trồng cau kết hợp dừa và khóm. Đây là mô hình vừa ít tốn chi phí đầu tư lại nhẹ công chăm sóc và cho hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, thay vì chuyên canh khóm như nhiều người khác, ông cho khóm “trú nắng” dưới tán cau, dừa. Nhờ hạn chế được ánh nắng nên cũng đỡ công tưới nước. Không bị phơi mình dưới nắng suốt cả ngày nên cây và trái kéo dài thời gian sinh trưởng, tích được nhiều chất dinh dưỡng hơn, trái đẹp và ngon hơn. Kết quả giá bán được tốt hơn so với cách trồng thông thường.

Nói thì đơn giản nhưng thực tế, nếu cây không tiếp nhận đủ ánh sáng mặt trời sẽ không thể sinh trưởng và phát triển được. Chính vì vậy, thành công của mô hình này là tìm ra công thức cân bằng ánh sáng cho các loại cây phía dưới. Đó là điều mà ông Thái đã dành nhiều năm nghiên cứu. Cụ thể mỗi công đất ông trồng khoảng 20 cây dừa, cách nhau 10 m. Giữa những cây dừa ông trồng xen cây cau, cách nhau từ 2 - 4 m. Cuối cùng ông trồng cây khóm, cách nhau 0,5 m.

Ông Lý Nguyên Hùng trong chuyến xuất ngoại để tìm thị trường ở châu Âu cùng với Bộ Công thương vào cuối tháng 9

NVCC

Mỗi năm, ông Thái thu hoạch 3 - 4 vụ khóm, sản lượng khoảng 20 tấn/ha, giá bán bình quân 10.000 đồng/trái, doanh thu khoảng 400 triệu đồng/năm. Đối với cây cau, ông thu hoạch gần 100 tấn/năm, giá bán từ 15.000 - 20.000 đồng/kg (tùy thời điểm), doanh thu 1,5 tỉ đồng. Riêng cây dừa thu hoạch khoảng 6.000 trái dừa khô/năm và 4.000 trái dừa dứa tươi/năm, doanh thu gần 30 triệu đồng/năm. Để giảm chi phí sản xuất, ông Thái tận dụng phế phẩm từ cây dừa và cây cau nghiền nát bằng máy rồi trộn với men vi sinh ủ mục sau đó bón lại cho cây. Cách làm này vừa giảm chi phí phân bón vừa giúp cây xanh tốt và kéo dài tuổi thọ.

Tỉ phú Anh “thăm” tỉ phú Việt

Ông Joe Lewis, tỉ phú nước Anh, Chủ tịch câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng giải Ngoại hạng Anh Tottenham trong những lần đến TP.Cần Thơ đã ghé thăm điểm du lịch “không thể bỏ qua” - đó là làng bè nuôi các loại cá được xem là “báu vật Mê Kông”. Làng bè đó là sở hữu của một nông dân chính hiệu. Trên đoạn sông Hậu, ông Bảy Bon (tên đầy đủ là Lý Văn Bon) đã thuần dưỡng và cho sinh sản hàng chục loài cá quý như cá cóc, trà sóc, cá hô (chép Thái), vồ cờ, xác sọc... thậm chí cả cá Koi Nhật Bản.

Ông Bon hiện sở hữu hơn 30 lồng nuôi cá bè ước tính trị giá trên 20 tỉ đồng. Mỗi năm xuất hàng ngàn tấn cá, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 người. Để chủ động đầu ra, ông còn đầu tư cơ sở chế biến cá thành các mặt hàng giá trị gia tăng để cung cấp cho các hệ thống phân phối lớn. Lợi nhuận thu về mỗi năm vài tỉ đồng và từng được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Nhưng điều mà ông Bon tạo ra không phải chỉ là tiền, thứ quan trọng hơn là nuôi sinh sản và thương phẩm được nhiều loại cá quý hiếm được xem là “báu vật” của dòng Mê Kông. Điểm du lịch “làng bè” của ông là nơi để du khách có thể cảm nhận văn hóa sông nước miền Tây, được tận mắt chứng kiến những loài cá quý hiếm của dòng Mê Kông - những thứ mà thường chỉ còn được thấy trên báo chí hoặc truyền hình.

Ra đời câu lạc bộ nông dân triệu phú, tỉ phú

Nông dân tỉ phú không còn là chuyện hiếm ở VN. Tháng 5.2022, tỉnh Bến Tre đã thành lập hẳn một tổ chức có tên “Câu lạc bộ Nông dân tỉ phú” với 15 thành viên. Điều kiện để trở thành thành viên là phải có thu nhập từ nông nghiệp từ 1 tỉ đồng/năm trở lên. Ở quy mô toàn quốc, danh sách “Nông dân VN xuất sắc” năm 2022 có đến 100 gương mặt thay vì 63 như mọi năm. Theo danh sách này, những nông dân có thu nhập vài trăm triệu là chuyện hiếm vì đa phần đều có thu nhập và lợi nhuận từ vài tỉ đồng đến vài chục tỉ đồng.

Đối với ông Bon, nuôi cá lồng bè và cho sinh sản thành công các loài cá quý hiếm là một cái nghiệp hơn là nghề. Xuất thân là kỹ sư thủy sản nhưng lại làm viên chức ngành hải quan. Cách đây gần 30 năm, ông có dịp gặp TS Phillip Serene, một chuyên gia bảo tồn thủy sản đến từ Pháp. Vị chuyên gia người Pháp đã kéo ông trở lại với cái nghiệp “muốn giàu nuôi cá”. Để trả ơn dòng sông, mỗi năm vào mùa cá sinh sản, ông đều cùng bạn bè thả hàng chục tấn cá giống về tự nhiên.

“Giờ đây, mình không lo thị trường mà chỉ ngại môi trường, lo con nước thay đổi. Mong sao dòng Mê Kông hay ít nhất là dòng sông Tiền, sông Hậu vẫn là môi trường tốt để các loài cá quý hiếm có thể sinh sống và phát triển. Mong sao mỗi mùa nước nổi, cá tôm Mê Kông quy tụ về, sinh sản rồi theo phù sa bơi đi”.

Không chỉ đón khách quý là vị tỉ phú người Anh mà làng bè của ông Bon còn là điểm đến của nhiều nhà khoa học về thủy sản và môi trường trong và ngoài nước. Các đoàn khách quốc tế của lãnh đạo TP. Cần Thơ cũng được đưa đến đây để tham quan nét đặc trưng vùng sông nước.

Ông Lý Minh Hùng (áo sậm màu) trong một lần đi giới thiệu sản phẩm chuối

NVCC

Người phụ nữ nổi tiếng vì... gà

Nếu như ông Bon thành danh với cá thì câu hỏi “thịt gà ngon hay không chính là do chúng ta cho nó ăn cái gì?” lại đưa bà Cao Thị Ten tới nghiệp nuôi gà thảo mộc nổi tiếng. Bà Ten ngụ xã Phú Ngọc (H.Định Quán, Đồng Nai) nhớ lại, hơn 10 năm trước, có doanh nghiệp nhập công thức nuôi gà thảo mộc của Đài Loan về nuôi ở Bình Dương nhưng không thành công. Là người có gần 2 thập niên nuôi gà, họ tìm đến bà nhờ nuôi thử, ai ngờ lại cho kết quả tốt. Thời điểm đó gà thảo mộc gặp nhiều khó khăn nhất là về thị trường vì còn quá mới, giá thành sản xuất lại cao. Cộng thêm một số yếu tố khách quan khác, vậy là doanh nghiệp “dừng cuộc chơi”. “Tiếp tục hướng đi mới hay quay lại con đường cũ?”, là một cuộc đấu tranh tư tưởng dữ dội thường trực trong đầu người phụ nữ nuôi gà thời điểm đó.

Phát triển kinh tế hộ để làm giàu đất nước

Một nước có thu nhập cao khi đạt số lượng 24 doanh nghiệp trên 1.000 dân; con số này của Trung Quốc là 25 còn Mỹ đến 83. Trong khi VN năm 2000 mới là 1,3/1.000 dân, năm 2005 là 3,9 còn 2008 là 6,4 và năm 2021 là 8,7. Con số này cho thấy sự tăng trưởng rất chậm và còn khá xa mới đạt tới con số 25 để trở thành nước có thu nhập cao. Chính vì vậy, Nhà nước phải làm sao tạo điều kiện cho các mô hình kinh tế hộ ở cả nông thôn và thành thị lớn lên thành các doanh nghiệp. Chúng ta đang có 5 triệu hộ kinh doanh cá thể ở khu vực thành thị và 5 triệu hộ nông dân sản xuất nông nghiệp ở khu vực nông thôn; giúp khu vực kinh tế này lớn lên nhanh chừng nào thì đất nước thoát nghèo nhanh chừng đó. Đất nước muốn phát triển phải dựa vào các doanh nghiệp dân tộc. Phải xây dựng cho được nhóm doanh nghiệp này thật vững mạnh.

TS Lê Đăng Doanh

“Đã quá chán với chăn nuôi công nghiệp bằng các sản phẩm tăng trọng và kháng sinh. Mình phải bán cho người ta ăn cái mà chính bản thân gia đình mình ăn hằng ngày. Những thứ thật sự chất lượng và tốt cho sức khỏe”, bà Ten suy nghĩ và quyết tâm đi con đường mới. Dành hẳn mấy năm trời tự đi “làm thị trường”, điều mà các doanh nghiệp cần có một đội ngũ chuyên gia và nhân viên, bà Ten nhận được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, đặc biệt là mở cho bà hướng đi mới.

Thay vì nhập thảo mộc từ Đài Loan với giá tăng liên tục, bà tìm hiểu các thành phần dưỡng chất trong đó và nghiên cứu ra công thức phối trộn từ những loại thảo dược của VN. “10 loại thảo mộc khác nhau có thể tìm và trồng được ở VN, chỉ có 2 loại cần phải nhập khẩu. Công thức thảo mộc mới có ưu điểm là giúp cho con gà phòng bệnh hô hấp, tăng khả năng tiêu hóa, bảo vệ đường ruột, giải độc... và đặc biệt là không cần phải sử dụng thuốc kháng sinh. Khi làm gà, thịt có màu vàng mơ rất đẹp và đặc trưng người trong nghề rất dễ nhận biết”, bà Ten tự hào.

Cả thịt gà và trứng của bà Ten đều tiêu thị rất tốt ở hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op. Lúc cao điểm riêng Co.op Cống Quỳnh (Q.1) hay Lý Thường Kiệt (Q.10) bán cả trăm con mỗi ngày, chưa kể nhiều siêu thị, cửa hàng khác. Tổng đàn gà có lúc lên tới 30.000 con, bà Ten còn tổ chức liên kết với những hội xung quanh thành HTX Nông nghiệp Phú Ngọc để làm ăn lớn. Đang chạy thì dịch Covid-19 ập tới, bà Ten phải chủ động xin dừng cung cấp mặt hàng thịt gà chỉ duy trì sản phẩm trứng. Mỗi tuần sản lượng trứng cung cấp cho hệ thống siêu thị khoảng 7.000 quả và các đối tác bên ngoài từ 3.000 - 4.000 quả.

“Năm 2015 tôi đã đầu tư 4 - 5 tỉ bạc theo con gà thảo mộc này. Khi mới gượng dậy thì gặp dịch Covid-19 quét sạch vốn. Đáng nói hơn dù Covid-19 thì đã qua mà sức mua vẫn chưa trở lại”, bà Ten phân trần nhưng kiên quyết: Mình đã đi đến đây rồi, phải tiếp tục tiến bước. Nhiều người tiêu dùng cũng muốn tiếp tục được sử dụng sản phẩm “Gà thảo mộc Cao Ten” nên mình vẫn cầm cự chờ qua giai đoạn kinh tế khó khăn này, thị trường sẽ phục hồi.

Bà Cao Thị Ten nuôi gà thảo mộc

NVCC

Mỗi người một ý tưởng, một sáng kiến, một đam mê... họ - những người làm giàu từ chăn nuôi - trồng trọt đang tiếp thêm sức cho hàng triệu nông dân có thêm hy vọng về việc làm giàu từ nông nghiệp - lĩnh vực truyền thống của đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.