Chiếc xe chở tình thương của giáo xứ Lâm Xuyên

Khánh Hoan
Khánh Hoan
12/04/2022 09:09 GMT+7

Bất kể giờ giấc, hễ có người gọi nhờ giúp, chiếc xe cứu thương miễn phí của giáo xứ Lâm Xuyên (xã Nam Thành, H.Yên Thành, Nghệ An) lập tức lên đường.

Ai cần thì giúp

“Trước khi anh đến, nếu có người gọi xe thì anh thông cảm nhé, tôi phải đi”, anh Nguyễn Đình Quảng, tài xế tình nguyện lái chiếc xe cứu thương của giáo xứ Lâm Xuyên dặn khi tôi hẹn gặp. May là hôm ấy, không ai gọi xe. Anh Quảng cho biết lâu rồi, chiếc xe mới được nghỉ ngơi trọn vẹn vài ngày vì không ai gọi.

Linh mục Giuse Nguyễn Xuân Phương, quản lý giáo xứ Lâm Xuyên, lái chiếc xe ra chỗ trống, mở khoang phía sau cho tôi xem, rồi bảo xe hơi cũ nhưng còn chạy tốt, được trang bị máy thở và các thiết bị sơ, cấp cứu cho bệnh nhân. Ông nói các dụng cụ này được một nhóm bà con theo đạo Phật ở Úc hỗ trợ. Những người lái xe tình nguyện cũng đã được tập huấn kỹ năng sơ cứu người và sử dụng các dụng cụ y tế này. Mới hơn 2 năm, chiếc xe đã vượt hơn 250.000 km vận chuyển cứu người với số chuyến không thể nhớ hết vì chẳng ai thống kê, ghi chép.

Linh mục Nguyễn Xuân Phương (trái) và anh Nguyễn Đình Quảng bên chiếc xe cứu thương miễn phí

K.Hoan

Chiếc xe và đội tình nguyện cứu thương của giáo xứ Lâm Xuyên được hình thành từ ý tưởng của linh mục Nguyễn Xuân Phương. Ông kể: “Người nghèo bình thường đã khổ, bị bệnh tật, tai nạn thì họ càng khổ hơn, rất khó khăn để thuê xe cứu thương vì tốn kém. Vì thế, từ lâu tôi đã có ý định sắm một chiếc xe cứu thương để chở miễn phí những người nghèo. Mua xe không quá khó, nhưng để có người đồng hành với nó lâu dài thì thực sự không dễ”. Rồi ông gặp và “tỉ tê” trò chuyện với một số người trong giáo xứ về ý tưởng này. Rất may, những người được ông trò chuyện đều hưởng ứng, sẵn sàng góp tiền và có 11 người đăng ký tình nguyện tham gia vào đội quân cứu thương.

Năm 2019, chiếc xe cứu thương được mua về. Số điện thoại cứu thương được gắn hai bên xe, do anh Nguyễn Đình Quảng, một tài xế tình nguyện nắm giữ, để ai cần thì gọi. “Ai gọi, chiếc xe này đều có mặt, không kể lương hay giáo, xa hay gần, giàu hay nghèo. Chúng tôi phục vụ miễn phí, vô điều kiện”, linh mục Nguyễn Xuân Phương nói.

Để có kinh phí cho xe hoạt động, linh mục Nguyễn Xuân Phương đã lập quỹ cứu thương, kêu gọi ai có lòng cứ tùy sức góp vào. Thế nhưng, do xe chạy liên tục nên quỹ cũng thường xuyên bị vỡ và cha xứ Phương lại phải móc hầu bao để chi. Linh mục Phương kể cách đây ít tháng, nhà xe Ba Lý ở H.Đô Lương (Nghệ An) tình nguyện đài thọ tiền dầu cho xe hoạt động lâu dài, nhưng ông không dám nhận hết. Ông nói, “xe chạy quá nhiều, rất tốn kém cho họ, nên tôi bảo anh em lái xe chỉ nhận một phần thôi, còn lại để tôi tính”.

Ra Bắc vào Nam hỗ trợ chống dịch

Không chỉ trong vùng, người dân ở các huyện khác cũng biết và gọi điện đến. Ngoài anh Nguyễn Đình Quảng là “đầu tàu”, anh Nguyễn Hoàng Hà (46 tuổi, một người lương dân ở xã Trung Thành, H.Yên Thành) cũng tình nguyện gia nhập đội tài xế và anh Hà, anh Quảng trở thành những thành viên tích cực nhất. “Có người gọi đến nhờ là chúng tôi đi, bất kể ngày đêm, xa hay gần. Nếu đi ngoại tỉnh thì chúng tôi báo cáo với cha xứ, còn nội tỉnh thì anh em cứ tự đánh xe mà đi”, anh Quảng nói.

Có những ngày, anh Quảng và anh Hà thực hiện 3 - 4 chuyến vận chuyển người bệnh, chạy xe từ mờ sáng đến khuya mới về nghỉ. Có hôm không kịp về nhà, có người tiếp tục nhờ nên các anh phải qua đêm ở nhà nghỉ để sáng sớm mai chạy tiếp cho tiện đường.

Bên trong chiếc xe cứu thương

Hôm nào các lái xe tình nguyện bị kẹt việc, không thể đi được, linh mục Nguyễn Xuân Phương là người cầm lái. Có chuyến, ông chạy gần 500 km cả đi lẫn về để chở người bệnh nghèo từ bệnh viện ở TP.Vinh về nhà ở huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An). Nhưng linh mục Nguyễn Xuân Phương không muốn nói về mình, ông bảo điều ông phục nhất là vợ của anh Quảng và anh Hà. “Tinh thần hy sinh, phục vụ của 2 anh quá tốt, nhưng 2 bà vợ của hai anh ấy cũng rất đáng nể vì sẵn sàng để chồng quanh năm suốt tháng đi làm việc không công. Tôi tính sẽ trả lương cho 2 anh, nhưng 2 anh từ chối không nhận”, linh mục Nguyễn Xuân Phương kể.

Nhà của vợ chồng anh Quảng nằm ngay trước cổng nhà thờ giáo xứ Lâm Xuyên. Gia đình anh mở quán tạp hóa và xay xát gạo, nhưng chủ yếu do vợ anh, chị Nguyễn Thị Điệp quán xuyến. Tôi ghé vào nhà. Chị Điệp đang hí hoáy bên cái máy xay xát gạo. “Anh ấy đi làm việc thiện nên em cũng rất vui, em bảo anh cứ đi. Mình có khó khăn tí cũng không quan trọng”, chị Điệp cười.

Cuối tháng 5.2021, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Bắc Giang khiến địa phương này phải cầu cứu chi viện nhân lực, phương tiện từ nơi khác. Sau khi chở một bệnh nhân từ H.Yên Thành vào TP.Vinh, trên đường về, anh Quảng gọi điện cho linh mục Nguyễn Xuân Phương đề đạt nguyện vọng muốn ra Bắc Giang và ông đồng ý. Chiếc xe lập tức vượt hơn 400 cây số ra Bắc Giang để gia nhập đội tình nguyện. “Chúng tôi không dám gọi cho vợ vì lúc đó dịch đang căng, sợ vợ lo bị lây nhiễm nên anh em bảo nhau cứ đi rồi thông báo sau”, anh Quảng kể.

Chuyến đi ấy kéo dài gần 1 tháng. Anh Quảng và anh Hà được Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang phân công vận chuyển nhân viên y tế đi lấy mẫu và chở mẫu đến nơi xét nghiệm. Xe hoạt động gần như cả ngày lẫn đêm, các anh thay nhau lái và nghỉ. Hết Bắc Giang, chiếc xe này lại về Nghệ An, vào TP.HCM để hỗ trợ chống dịch và cứu trợ cho người dân bị phong tỏa.

Họ tốt quá !

Bà Đào Thị Loan (62 tuổi, ngụ xã Thịnh Thành, H.Yên Thành, Nghệ An) cứ tấm tắc mãi với tôi khi kể về chuyến xe miễn phí chở 2 mẹ con bà từ tỉnh Khánh Hòa về quê Nghệ An do anh Hà và anh Quảng thực hiện. Bà Loan bị tai nạn giao thông hơn 10 năm trước, bị liệt đôi chân. Tai họa ập xuống với người con trai duy nhất của bà cũng do tai nạn giao thông, phải nằm liệt giường khi đang làm thuê ở Khánh Hòa. Không thể lo nổi hơn 20 triệu đồng để thuê xe cứu thương về quê, người thân của bà gọi nhờ xe cứu thương của giáo xứ Lâm Xuyên. Chuyến xe miễn phí này đã chở mẹ con bà về quê.

Thấy hoàn cảnh nghèo khó của bà Loan, những người trong nhóm thiện nguyện của giáo xứ Lâm Xuyên sau đó còn kêu gọi được nhiều người ủng hộ, hỗ trợ mẹ con bà. “Họ tốt quá! Nếu không có họ, mẹ con tui không thể về quê được vì nhà không còn đồng nào”, bà Loan nói.

Hơn 2 năm qua, anh Quảng và những người tình nguyện trong nhóm đã lái chiếc xe này đi khắp nơi, không chỉ trong tỉnh mà còn vào tận TP.HCM, Bình Phước, Lâm Đồng... để chở người bệnh nghèo về quê Nghệ An khi họ nhờ giúp. Trong số hàng trăm bệnh nhân đã được giúp, có rất nhiều người bệnh là người dân tộc thiểu số. “Trên đường đi, tôi và anh Hà đã chứng kiến 3 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 2 vụ xảy ra vào đêm khuya. Chúng tôi đều dừng xe, kiểm tra thấy nạn nhân còn sống nên đưa lên xe, chở đến bệnh viện. Có vụ, người nhà còn nghi ngờ chúng tôi là người gây tai nạn nữa”, anh Quảng kể.

Có lần các anh chuyển bệnh nhân từ Nghệ An vượt 300 km ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị. Tại đây, biết một bệnh nhân người Mông quê ở Lào Cai có hoàn cảnh khó khăn, không thể thuê xe cứu thương để về, 2 anh liền bảo người đó lên xe, chở đến Lào Cai rồi quay về Nghệ An. “Chúng tôi chở người bệnh và không mong họ đền đáp, chỉ mong cho họ sớm hồi phục sau tai nạn, bệnh tật”, anh Quảng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.