Người mẹ 'thép'

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
10/04/2022 08:00 GMT+7

Với chị Lan, cuộc sống chỉ nghĩ đến trước mắt thôi, cứ sống cho hiện tại và không dám nghĩ đến tuổi già, khi không còn sức để lo cho đứa con tự kỷ.

Chồng mất không lời trối trăng, để lại một đứa con tự kỷ. Cuộc sống tưởng như thật mịt mù với chị, nhưng nghị lực và trái tim thép đã giúp chị vượt lên tất cả, trở thành nữ nhân viên rà phá bom mìn, gia sư, đầu bếp, shipper, bán hàng qua mạng… để lo cho con.

Nước mắt người mẹ “thép” mang ước mơ nghe con gọi hai tiếng “mẹ ơi”

Chị là Hồ Thị Lan (41 tuổi) đang sống cùng cậu con trai Nguyễn Nhật Tiến (14 tuổi) trong một khu trọ ở P.1 (TP.Đông Hà, Quảng Trị).

Chị Lan là một nữ nhân viên rà phá bom mìn

Hạnh phúc ngắn ngủi

Chị Lan từng được nếm trải hạnh phúc, dù ngắn. Ngày đó, chị lấy chồng là anh Nguyễn Văn Thiện, một công an công tác tại Trại giam Bình Điền (Thừa Thiên-Huế). Cháu Tiến là kết tinh cho tình yêu của họ, khi chào đời là đứa trẻ kháu khỉnh.

“Cháu đi gửi nhà trẻ thì bị ngã. Nhưng người trông trẻ giấu, đến tối gia đình mới phát hiện cháu bị gãy tay và phù nề nhiều nơi. Không rõ có phải vì di chứng của cú ngã đó không, mà từ sau đó, cháu bị động kinh, càng ngày càng nặng. Có ngày lên cơn 5 - 6 lần”, chị Lan nhớ lại, ánh mắt đượm buồn.

Thương con, vợ chồng chị đưa Tiến đi khắp nơi thăm khám, thuốc men nhưng bệnh tình không thuyên giảm. “Họ nói não cháu bình thường. Nhưng càng lớn bệnh càng nặng. Cháu bị tự kỷ”, chị Lan nói.

Thời điểm vợ chồng chị chấp nhận sự thật đau đớn rằng đứa con đầu lòng của mình là một đứa trẻ không bình thường để cùng chung lưng đấu cật lo tiếp những tháng ngày sau của con thì anh Thiện qua đời.

“Trước nay anh Thiện rất khỏe mạnh… Đó là một ngày chủ nhật, anh trở về từ Trại giam Bình Điền rồi kêu đau nên đưa đi viện, sáng hôm sau anh mất. Các bác sĩ nói anh bị viêm tụy cấp, còn tôi thì vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra?”, chị Lan đau đớn kể lại.

“Phát rồ” để kiếm tiền nuôi con

Chỉ còn một mình “vật lộn” với đứa con tự kỷ mỗi ngày mỗi lớn, chị Lan bỏ ngang “đời” giáo viên hợp đồng 10 năm chưa vào được biên chế để kiếm công việc khác.

Cơ hội công việc có thu nhập cao hơn đã đến với chị, nhưng song hành với nó là sự nguy hiểm và vất vả khi trở thành một “bóng hồng” trong đội rà phá bom mìn của Tổ chức MAG (một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật liệu chưa nổ cũng như vũ khí hạng nhẹ và nhỏ).

“Làm nhân viên rà phá bom mìn ở vùng đất ô nhiễm bom mìn nhất nước như Quảng Trị là một niềm tự hào, khi được góp phần làm giảm nỗi đau hậu chiến. Nhưng đặc thù công việc buộc tôi phải dậy sớm đi làm, phơi mình ngoài hiện trường cả ngày, giữa giờ chiều mới về… Đối với người mẹ có con tự kỷ như tôi, không có nhiều thời gian để kề cận bên con”, chị Lan phân tích.

Tréo ngoe là dù khi ấy cháu Tiến đã lớn (14 tuổi), nhưng các trường học chuyên biệt từ chối nhận dạy dỗ do em… bất hợp tác. Chị Lan cũng không thể để Tiến ở nhà một mình để đi làm rồi tự vẽ ra trong đầu một núi mối lo về những gì đứa con ngây dại có thể làm, như bỏ nhà đi lung tung, đập phá đồ đạc, nghịch điện… Cực chẳng đã, chị thuê người ở nhà trông con, giá mỗi tháng 4,5 triệu đồng. Cộng với 2,6 triệu đồng tiền phòng trọ và điện nước, xem như đã “ngót” gần hết khoản lương của chị với công việc rà phá bom mìn. Để hai mẹ con có tiền trang trải cuộc sống, chị đã phải đóng rất nhiều vai.

Tiến rất thích hôn mẹ, có thể hôn cả trăm lần mỗi ngày

Công việc chính rà phá bom mìn chiếm thời gian từ 6 - 14 giờ mỗi ngày của chị Lan, còn sau đó, khi trở về nhà, chị tranh thủ làm gia sư dạy viết chữ đẹp, bán hàng online, làm đồ ăn bán trên mạng và thậm chí là shipper. Chị lao đầu vào làm việc và tưởng như không có thời gian nghỉ. Chuyện cuối tuần giải trí đối với chị là khái niệm xa xỉ. Ngày đi làm, chiều về dạy, tối làm hàng rồi đi ship.

“Dù không ai dạy dỗ nhưng tôi viết chữ đẹp, có thể viết cả thư pháp. Tôi cũng có thể làm rất ngon mấy món ăn vặt như kim chi, sắn hấp cốt dừa, chè bưởi… Tôi dùng những “tài lẻ” đó để kiếm tiền. Ai đặt gì tôi làm nấy. Tôi đi làm thấy mớ cá tươi thì sẽ nghĩ đến việc mua lại rồi mang lên thành phố bán; thấy rổ trái cây ngon cũng tạt vào tìm cơ hội kiếm tiền… Nhiều khi tôi nghĩ mình phát rồ vì tiền, miễn không phạm pháp. Nhưng phải vậy, mới đắp bên này bù bên kia”, chị Lan cười nhợt nhạt nói.

Ban đêm, khi đi ship hàng, chị thường chở Tiến theo vì không thể để con ở nhà một mình. Đây là khoảng thời gian mà chị có thể dành cho con, để con được hít thở khí trời khi cả ngày nhốt mình trong nhà trọ. Nhưng Tiến đâu phải như những đứa trẻ khác. Chỉ cần xe dừng lại, cậu liền nhảy xuống, bước thẳng đến bất kỳ tiệm tạp hóa nào đó lấy đồ ăn, phá phách. Chị Lan chỉ biết chạy theo xin lỗi chủ quán và vội vã trả tiền. Lời lãi của những ngày nấu nướng, ship hàng của chị Lan cũng chỉ đủ cho chỗ đó…

Chị Lan nhẫn nại lo từng ly từng tí cho đứa con không bình thường

NGUYỄN PHÚC

Thèm một lần nghe gọi “mẹ ơi!”

Tiến bây giờ đã 55 kg, nặng hơn mẹ. Khi trở chứng, một cái đẩy tay của Tiến cũng đủ làm cho chị Lan ngã sóng soài. Cậu là một thiếu niên to lớn, nhưng có trí tuệ của đứa trẻ lên 2. Tiến ngồi giữa căn gác trọ, khi thì nhìn vào khoảng không thinh lặng, khi thì nở nụ cười vô hồn, khi thì dùng 2 tay vỗ vào nhau bôm bốp rồi hú hét những từ ngữ như của một thế giới khác. Mọi sự ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh cá nhân… đều cần phải có sự tương trợ của người khác.

“Tôi nói với cháu thì cháu vẫn hiểu, nhưng đó chỉ là lúc bình thường. Khi trong người khó ở, trong nhà có đồ đạc gì là ném hết, rồi đập tay đập chân nhìn sợ lắm”, chị Lan nói.

Sinh con ra, ai cũng muốn con khỏe mạnh. Nhưng số phận đẩy đưa phải chấp nhận dù chính bản thân chị nhiều lúc cũng không hiểu vì sao mình lại tồn tại qua ngần ấy thời gian, nhất là từ khi ba của Tiến đột ngột mất. Có lúc gần khụy ngã, chị lại nhìn con, sợ không ai lo cho con, lại lấy nghị lực để đứng dậy, bước tiếp. Có người “xúi” đi thêm bước nữa tìm hạnh phúc, cho có người đỡ đần, chị lắc đầu: “Con mình chỉ có mình hiểu và thương được, chừ tìm người khác mà con mình như rứa, biết họ có hiểu và thương cho không?”, nỗi giằng xé ấy cứ níu chị lại.

Với chị Lan, cuộc sống chỉ nghĩ đến trước mắt thôi, cứ sống cho hiện tại và không dám nghĩ đến tuổi già, khi không còn sức để lo cho đứa con tự kỷ. Giấc mơ kiếm được trường tốt cho con đi học, về một ngôi nhà để hai mẹ con không còn ở trọ quá vời xa…

Tiến rất thích hôn mẹ. Hôn lên má và lên trán. Chị Lan bảo mỗi ngày Tiến hôn chị cả trăm lần. Nhưng chị Lan “tham lam” hơn, chị ước một lần được nghe Tiến gọi “Mẹ ơi!” tròn chữ. Vậy là cũng đủ mãn nguyện với chị, một người mẹ “thép”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.