Gượng dậy để sống: Bà ngoại tuổi xế chiều nuôi cháu sơ sinh mồ côi

Như Lịch
Như Lịch
08/04/2022 06:11 GMT+7

Ở tuổi xế chiều, vợ chồng bà Phạm Thị Ngoan (ngụ 178/3 Lê Văn Quới, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM) vẫn phải vất vả lo mưu sinh và nuôi cháu ngoại sơ sinh mồ côi.

Sự thật xót xa sau câu “mẹ ơi con ổn!”

Đôi mắt thâm quầng mệt mỏi, bà Ngoan vừa cho bé An Nhiên bú bình sữa vừa kể: “Ngày nào cũng vậy, thường tới 2 giờ sáng nó mới chịu ngủ. Mình thức theo nó đuối luôn!”.

Bà Phạm Thị Ngoan (năm nay 60 tuổi) cùng chồng là ông Nguyễn Thế Như (63 tuổi) làm nghề may. Hai ông bà có hai người con, cô lớn năm nay 40 tuổi, cô út tên B. (sinh năm 1985, cô giáo một trường mầm non tại Q.11, TP.HCM) đã mất vì Covid-19 sau khi đẻ mổ bé An Nhiên được 6 ngày.

Theo bà Ngoan, vào tháng 7.2021, chị B. ở nhà bà để dưỡng thai, sau đó xin về bên nhà chồng (Q.Bình Tân, TP.HCM) chơi vài ngày. Trưa 25.7.2021, chị B. gọi điện cho bà Ngoan với giọng hốt hoảng: “Mẹ ơi, sao con bị đau đầu, sốt, ho...”. Bà tức tốc chạy qua nhà thông gia để đưa con đến Bệnh viện Hùng Vương điều trị.

Không dám nhìn di ảnh của con

Theo bà Ngoan, tro cốt chị B. được chồng chị gửi vào nhà thờ. Bà tâm sự: “Suốt nhiều tháng trời tui không dám ra nhà thờ thắp một cây nhang nào cho con, vì không dám nhìn di ảnh con mình. Tui bị bệnh tim nặng lắm, nên lo lỡ mình có mệnh hệ gì thì ai nuôi cháu…”.

Đến chiều 26.2, bà Ngoan lập bàn thờ cho chị B. trong nhà bà. Hôm sau (27.2) là sinh nhật chị B. Bà Ngoan khóc rưng rức: “Ngày này 37 năm trước, mẹ sinh con ra... Ai ngờ bây giờ mẹ lập bàn thờ cho con...”.

“Khi tới bệnh viện, B. đã xỉu trong lòng tui. Người ta hỏi tui có sợ không, vì lúc đó B. bị nhiễm Covid-19 rồi. Tui trả lời: Con em có bị sao thì em cũng ôm nó mà!”, bà Ngoan bật khóc nhớ lại.

Ngày 4.8.2021, chị B. được các bác sĩ mổ bắt con khi thai nhi ở tuần thứ 30. Sinh thiếu tháng, bé An Nhiên chỉ nặng 1,3 kg. Sau 20 ngày được nuôi trong lồng kính (trước và sau khi mẹ mất), bé tăng lên 1,5 kg.

Cho tôi xem những tin nhắn cuối cùng giữa hai mẹ con trên điện thoại di động, bà Ngoan nói rằng suốt mấy tháng liền sau khi chị B. qua đời, bà không dám đọc lại chúng. Tuy vậy, trong tâm thức bà đã thuộc làu đến ám ảnh từng chữ từng câu. Tôi đọc thấy tin nhắn của chị B. gửi cho mẹ lúc 22 giờ 57 ngày 7.8.2021: “Uống và chích bầm cả người. Bây giờ con đang chờ bác sĩ để tập vật lý trị liệu để bỏ ô xy”. Và lúc 0 giờ 36 phút ngày 8.8.2021, bà Ngoan hồi đáp động viên con: “Ừ, ráng lên. Vậy là khỏe rồi. Ráng tập vật lý trị liệu để bỏ ô xy, lại sức là được xuất viện đó con”.

Tin tưởng con mình đang khỏe dần và sẽ sớm về nhà nên bà Ngoan bị sốc khi nghe tin con mình trở bệnh nặng, phải chuyển viện. Khoảng 4 giờ 30 ngày 10.8.2021, chị B. tử vong tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Đến 23 giờ ngày 11.8.2021, bà Ngoan mới biết con mình đã mất!

Ba tháng sau đó, gia đình bà Ngoan nhận lại di vật của chị B. để trong Bệnh viện Hùng Vương. Trớ trêu là gia đình bà Ngoan không ai biết mật khẩu thẻ ATM và điện thoại di động của chị B. Loay hoay một hồi, bà Ngoan khấn: “B. ơi, mẹ nói con nghe nè, xưa giờ mẹ không biết mật khẩu là gì. Con làm sao cho mẹ rút được tiền để mua sữa cho cháu”.

Như sực tỉnh, người con gái còn lại của bà Ngoan (chị ruột chị B.) nhận định: “B. thương mẹ lắm. Chắc nó lấy mật khẩu là ngày sinh của mẹ!”. Đúng như phán đoán này, sau khi nhập ngày sinh và năm sinh của bà Ngoan, gia đình bà Ngoan sử dụng được thẻ ATM, từ đó rút được 2 tháng lương của chị B. và tiền nhà trường phúng điếu.

Từ chuyện mật khẩu, bà Ngoan biết được sự thật xót xa qua tiết lộ của người con gái lớn: “Lúc B. bệnh nặng, nó dặn con là đừng báo cho mẹ, mẹ chịu không nổi đâu!”. Bà nghẹn ngào: “Vậy là những lúc con tui đau đớn trong bệnh viện, tui nào có hay. Nó cứ nói:

Mẹ ơi con ổn! Mẹ giữ sức khỏe nha! Mẹ hứa với con mẹ ngủ sớm nha...”.

Bà Phạm Thị Ngoan chăm sóc cháu ngoại mồ côi mẹ

Như Lịch

May quai dép kiếm sống

Đầu tháng tư này, bé An Nhiên được 8 tháng tuổi, cân nặng gần 7 kg. Đây là cả kỳ công chăm sóc, bởi lúc xuất viện bé chỉ được 1,5 kg. “Tui còn nhớ ngày 23.8.2021 đón cháu về sau 20 ngày bé được nuôi trong lồng kính. Tui lo không biết nuôi có được không, cứ cầu xin mẹ nó phù hộ cho mình chăm cháu”, bà Ngoan kể.

Khi xuất viện, bé An Nhiên uống sữa nhưng không đi cầu được, bụng to dần. Mấy người trong xóm bảo bà Ngoan: “Bà mua sữa đắt tiền tí, chứ bà tiết kiệm không được đâu”. Thế là bà Ngoan mua loại sữa 250.000 đồng/hộp. Lúc đầu, bé uống 1 tuần/ hộp, về sau 3 ngày/hộp... Ngoài ra, từ khi bé được 2 tháng tuổi đến nay, chị Hà (ngụ cùng hẻm với bà Ngoan, có con trạc tuổi An Nhiên) vắt sữa của mình san sẻ cho cô bé mồ côi.

Bà Ngoan cho hay vợ chồng bà suốt ngày xoay vòng vòng với bao việc không tên bên bé An Nhiên. Ba của bé là công nhân, những hôm nghỉ làm chạy qua nhà cha mẹ vợ phụ chăm con. Trong khi đó, bé Khôi (anh trai An Nhiên, đang học lớp chồi) “di trú” qua lại giữa hai nhà nội, ngoại. Bà nội hai bé Khôi - Nhiên bị cao huyết áp, sức khỏe không tốt nên việc đỡ đần cho các cháu cũng hạn chế.

Những tin nhắn cuối cùng của hai mẹ con bà Ngoan

Ở tuổi xế chiều, bất đắc dĩ phải thay con gái nuôi cháu ngoại sơ sinh, bà Ngoan thừa nhận gia đình bà gặp nhiều khó khăn cả về tinh thần lẫn vật chất. Bà tâm sự: “Nói thiệt lòng, nếu không có nhà hảo tâm thỉnh thoảng đến cho ít tiền, chắc nhà tui khó bề xoay xở nổi!”. Bà cho biết các cô giáo ở trường mầm non nơi con gái dạy học trước đây rất quan tâm hai bé Khôi - Nhiên: “Công nhận ông trời cũng thương, An Nhiên vừa hết tã là mấy cô trên trường lại xuống cho mấy bịch. Các cô còn động viên tui ráng nuôi An Nhiên đến 18 tháng rồi gửi bé vô trường này”.

Suốt 40 năm, vợ chồng bà Ngoan ông Như làm nghề may. Thời gian đầu, bà ráp đồ bộ, còn ông may quần tây và áo sơ mi. Về sau, hai vợ chồng chuyển qua may gia công quai dép. Trước khi dịch bệnh xảy ra, ông bà từng nghĩ mình sẽ được an hưởng tuổi già vì đã dành dụm được một khoản tiền, đặc biệt là con cái có cuộc sống hạnh phúc và ổn định, vậy mà…

Mấy tháng qua, vợ chồng bà Ngoan suốt ngày lo chăm cháu không làm gì được, số tiền tích góp qua bao năm lao động đã dần cạn kiệt. Vì vậy, từ đầu tháng ba, vợ chồng bà Ngoan đã nhờ người bà con ở tỉnh Tây Ninh xuống trông dùm bé An Nhiên, để ông bà tiếp tục may quai dép nuôi bản thân và nuôi cháu ngoại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.