Sáng 25.4 tại TP.HCM, nhân kỷ niệm 48 năm Ngày thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2023) và 137 năm ngày Quốc tế Lao động 1.5, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM tổ chức trưng bày chuyên đề Sắc mộc – Nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn, giới thiệu đến công chúng 150 hiện vật là những tác phẩm mỹ thuật ứng dụng trên chất liệu gỗ - thể hiện nét tài hoa và tư duy thẩm mỹ tinh tế của nghệ nhân Việt Nam dưới thời Nguyễn. Triển lãm diễn ra đến ngày 30.6.
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM nhấn mạnh: "Từ xa xưa, gỗ đã là một vật liệu quan trọng gắn liền với cuộc sống con người. Từ mũi tên, ngọn lao để săn bắt trong thời kỳ nguyên thủy, thuyền bè để lưu thông trên sông rạch cho đến vật dụng để chứa, đựng... và quan trọng nhất là ngôi nhà, nơi trú chân sinh sống lâu đời của cư dân Việt sau khi thoát ra khỏi tình trạng mông muội của thời kỳ đồ đá. Do đó, nghề mộc có truyền thống lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Việt Nam mà những dấu tích còn lại của nó là những di sản văn hóa vật chất, tinh thần còn mãi theo thời gian. Điêu khắc gỗ - là tinh hoa của nghề mộc và nâng tầm vị thế nghề mộc trở thành một ngành mỹ thuật ứng dụng".
Vừa có tính nghiêm cẩn nhưng lại gần gũi với đời sống dân gian
Các hiện vật chạm khắc gỗ thời Nguyễn được sắp xếp thành những câu chuyện gắn với chủ đề: Nghệ thuật điêu khắc tượng thờ trong ngôi chùa cổ Nam bộ với các pho tượng Thích Ca sơ sinh, Giám Trai, Già Lam, Tiêu Diện Đại Sĩ… có tạo hình mang đậm chất dân gian miền Nam.
Không gian thờ cúng trong ngôi nhà cổ dân gian truyền thống với các hiện vật: bàn thờ, các bộ bao lam được chạm trổ những đề tài phản ánh cảnh sắc trong tự nhiên (sóc giác, hoa điểu…) cùng hệ thống hoành phi, liễn đối chữ Hán có nội dung khuyên răn con cháu ghi nhớ công lao tổ tiên.
Không gian tiếp khách trong ngôi nhà cổ dân gian truyền thống với điểm nhấn là chiếc trấn phong cùng bộ bàn ghế bành tượng, được khảm xà cừ ngũ sắc và cẩn đá màu tạo thành nét đẹp rất đặc trưng.
Các hiện vật gắn với triết lý, châm ngôn về giáo dục, bồi dưỡng người hiền được thể hiện qua đề tài trang trí trên các hiện vật như trường kỷ, hoành phi, liễn đối, tranh thư pháp, án thư… trong không gian thư phòng hay phòng khách với mục đích cổ vũ tinh thần khuyến học cho con cháu.
Chuyên đề còn có các nhóm hiện vật gỗ đặc sắc như: mộc bản; hiện vật dùng trong thờ cúng (khám thờ, đài thờ, hộp đựng sắc phong, chân chò); hiện vật dùng trong trang trí (bức gỗ chạm bài thơ, tượng linh vật, phù điêu); đồ dùng trong sinh hoạt (giỏ, gối, bình điếu, thước Lỗ Ban) và các loại khay, hộp thể hiện kỹ thuật chế tác đa dạng, tạo nên nét riêng cho nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn.
Cũng theo TS Hoàng Anh Tuấn: "Trên nền chủ đạo là vật liệu gỗ mộc, nghệ thuật chạm khắc gỗ kết hợp nhiều kỹ thuật chất liệu và màu sắc đa dạng nhưng rất chọn lọc như: cẩn xương, cẩn ngà, khảm xà cừ, sơn son, thếp vàng... với mật độ rất hợp lý, tinh tế đã tạo nên một hòa sắc lung linh, trầm mặc vừa có tính nghiêm cẩn nhưng lại gần gũi với đời sống dân gian".
Tại không gian trưng bày này, bảo tàng tái hiện lại thư phòng của một gia đình trí thức Nam bộ xưa với trung tâm là chiếc trường kỷ tam sơn có chạm nổi cặp liễn đối được lấy ý từ sách Ấu học ngũ ngôn thi: "Thi tửu cầm kỳ kiếm, phong hoa tuyết nguyệt thiên".
Trên trường kỷ đặt chiếc án thư – là dụng cụ phục vụ cho việc học tập của sĩ tử ngày xưa. Phần vách phía sau là những bức thư pháp và liễn đối có cùng ý nghĩa của tư tưởng Nho giáo: "Đại học, Trung dung, bình trị thiên hạ" hay "Lộ hành chánh, trạch an cư, sinh bình thư thái/Kê thánh kinh, cứu hiền truyện, sự nghiệp cao minh".
Nét chữ thể hiện trên các tác phẩm này đều là của những bậc danh Nho đương thời, kết hợp cùng bàn tay khéo léo của nghệ nhân đã chuyển tải vẹn nguyên giá trị thông điệp giáo dục đến người xem. Đây thực sự là những tác phẩm vừa có giá trị nghệ thuật vừa có giá trị thư pháp.
Phần "nội tự" là nơi thờ cúng tổ tiên và đây cũng là không gian quan trọng nhất trong ngôi nhà cổ. Không gian này được bài trí rất trang nghiêm như hậu cảnh đang thể hiện ngôi nhà cổ tại huyện Nhà Bè: tại mỗi gian thờ có bức tranh thờ bằng gỗ cẩn ốc hoặc tranh kiếng được treo sát ở vách lụa, phía trước có bàn thờ đặt bài vị hoặc di ảnh của ông bà tổ tiên, ngoài cùng là tủ thờ được bài trí bộ tam sự, lư hương, bình hòa, chò quả tử theo nguyên tắc Đông bình, Tây quả.
Góp phần tăng thêm sự trang trọng cho không gian trưng bày các hiện vật thời Nguyễn còn giới thiệu các bộ bao lam được chạm trổ nhiều đề tài phong phú, như chiếc bao lam đang trưng bày được chạm lộng đề tài phụng hoàng – mẫu đơn với ý nghĩa Phụng được mệnh danh là Vạn điểu chi vương (vua của các loài chim), trong khi đó Mẫu đơn lại được mệnh danh là Vạn hoa chi vương (vua của các loài hoa). Xung quanh còn có hệ thống hoành phi, liễn đối chữ Hán có nội dung khuyên răn con cháu ghi nhớ công lao tổ tiên, noi bề lễ nghĩa để làm rạng danh cho gia tộc.
Bình luận (0)