Chiến công thầm lặng của y tế dự phòng

Duy Tính
Duy Tính
29/02/2020 07:27 GMT+7

Mỗi ca bệnh điều trị thành công, mấy ai nghĩ đến công lao y bác sĩ làm y tế dự phòng .

Nói điều đó không phải để so bì giữa dự phòng và điều trị, mà để chia sẻ những vất vả, nguy hiểm của người làm công tác dự phòng, đặc biệt là trong những đợt dịch bệnh...
Vào những ngày giáp Tết Canh Tý 2020, khi các thông tin từ Trung Quốc về dịch bệnh Covid-19 chưa có gì nghiêm trọng nhưng ngành y tế Việt Nam, trong đó y tế dự phòng (YTDP) đã có “linh cảm” sẽ đón một cái tết không yên ả. Và thực tế đã diễn ra như vậy, thậm chí các bác sĩ (BS) ngành YTDP đã làm hết sức mình xuyên tết cho đến tận bây giờ.

Như kịch bản dự phòng

Mùng 5 tết (tức ngày 29.1.2020), tại Viện Pasteur TP.HCM, nơi có Văn phòng Đáp ứng tình trạng khẩn cấp khu vực phía nam (EOC), vẫn đang miệt mài họp triển khai công tác phòng chống dịch. Các chuyên gia cho biết từ trước tết đến giờ, ngày nào mỗi buổi sáng cũng họp để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cho các tỉnh phía nam.
BS Lương Chấn Quang, Phó trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Viện Pasteur TP.HCM), nhớ lại cả 3 ngày trước tết, khoa kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh phối hợp sát với khoa vi sinh miễn dịch của Viện, tập trung rà soát xây dựng kịch bản chuẩn bị cho việc đáp ứng khi có ca nghi ngờ dịch bệnh Covid-19 xảy ra.

Những nỗi niềm

Theo BS Lương Chấn Quang, thông tin về ca nghi ngờ nhiễmCovid-19 đầu tiên không được tiết lộ cho người khác, kể cả... vợ. Lúc đầu, ông chỉ bảo với vợ con là đi họp gấp. Gia đình cũng đã quen với việc đi họp, công tác đột xuất của ông. Còn BS Lê Hồng Nga chia sẻ, chồng chị đã quen với công việc của vợ.
Khi 3 ca bệnh Covid-19 trên địa bàn TP được chữa trị khỏi và xuất viện; các ca tiếp xúc hết thời gian cách ly và không bị nhiễm bệnh thì mọi “chiến công” của YTDP chưa được đề cập, hầu như mọi người ít ai nhớ đến YTDP.
BS Lê Hồng Nga tâm sự: “Trong xã hội, mỗi người có những đóng góp khác nhau. YTDP thực hiện một sứ mệnh cao cả là “phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng. Bớt một BN vào BV, để BV bớt áp lực, dành nhiều thời gian cứu chữa những ca bệnh hiểm nghèo”.
BS Lương Chấn Quang chia sẻ thêm: “Dự phòng cho dân là trách nhiệm của mình, làm sao để người dân không phải lo lắng, hoang mang về dịch bệnh. Đó là phần thưởng lớn nhất, quý giá nhất cho những người làm YTDP”.
Chiều 22.1.2020 (27 tết), khoa kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh họp trực tuyến với trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) của các tỉnh cùng các bệnh viện (BV) khu vực phía nam để thống nhất phương án “hành động”. Cuối buổi họp, mọi người còn chúc nhau có một cái tết “êm đềm”. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn luôn trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu”.
“Đúng đêm 22.1, khoảng 21 giờ, khi tôi đang lau chùi nhà cửa chuẩn bị đón tết thì điện thoại reo. Nhìn tên người gọi là linh tính ngay... có chuyện rồi. BS chuyên trách về bệnh lây qua đường hô hấp của khoa thông báo BV Chợ Rẫy đang tiếp nhận 2 cha con về từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc) bị sốt và khó thở. Các biểu hiện đúng tiêu chuẩn trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19”, BS Quang kể lại.

BS Lê Hồng Nga (thứ 2, từ trái qua) trong một lần đi chống dịch bệnh ở Q.12

Dựng dậy giữa đêm

Ngay sau khi nhận thông tin, BS Quang lên đường đến BV Chợ Rẫy. Lúc này, tại Viện Pasteur TP, nhân viên trực của phòng xét nghiệm được “dựng dậy”, chuẩn bị nhận mẫu giữa đêm khuya để xử lý, xét nghiệm.
Trong khi BV Chợ Rẫy cách ly bệnh nhân (BN), các mẫu xét nghiệm đang chạy thì nhiệm vụ khác của Viện Pasteur TP.HCM là điều tra quá trình đi lại và người tiếp xúc với 2 cha con BN trên.
“Việc khai thác thông tin này khó khăn hơn. Tại thời điểm được báo có ca bệnh, chúng tôi không có thông tin gì, kể cả địa chỉ của BN. Đó là vì bất đồng ngôn ngữ và vì điện thoại của BN hết pin trong khi tất cả dữ liệu đi lại của BN đều nằm trong đó. Chúng tôi nhanh chóng qua BV Chợ Rẫy, không quên xách theo bộ dây sạc điện thoại và pin dự phòng cho BN. Lúc này, BN đã được sắp xếp trong phòng cách ly, có điện thoại nối ra bên ngoài. Nhờ bộ dây sạc điện thoại đúng, tất cả đã sẵn sàng cho cuộc điều tra!”, BS Quang kể lại và nói rằng: “Đến giờ tôi vẫn không quên giọng nói mừng rỡ của BN khi được tôi trao đổi với họ bằng tiếng Trung”.
Và thế là từng chuyện từng chuyện một về chuyến đi của hai cha con BN được bóc tách dần. Từng chặng bay, chặng đường, số chuyến bay, số xe, chỗ ngồi, nơi lưu trú từng nơi đều được thông tin chi tiết. Ngay khi có thông tin, các đơn vị liên quan đã xuất phát ngay trong đêm và chiều hôm sau để xác minh địa điểm, người tiếp xúc và khoanh vùng những nơi hai BN đã đi qua.

Mùng 5 Tết 2020, BS Lương Chấn Quang (ngoài cùng, bên phải) vẫn họp để triển khai phòng chống dịch Covid-19

Lần ra các mối nguy

Khi Viện Pasteur TP.HCM đã hoàn thành nhiệm vụ của tuyến trên thì nhiệm vụ tiếp theo thuộc về ngành y tế TP.HCM.
BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, kể thêm về cái tết đáng nhớ của mình: “Sáng 23.1, là ngày nghỉ đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tôi tranh thủ nấu vài món truyền thống để cúng ông bà, cho con trẻ biết hương vị tết cổ truyền của dân tộc, vì cả tuần trước đó lu bu chuẩn bị “đón Cô Vy” nên chưa kịp lo gì cho tổ ấm nhỏ của mình. Khoảng hơn 15 giờ chiều cùng ngày, tôi nhận thông tin về 2 ca bệnh nghi ngờ nhiễm Covid-19 từ Văn phòng EOC. Thế là tôi lên đường điều tra dịch tễ ca bệnh”.
BS Nga tâm sự: “Lúc đó tôi nhủ thầm: “Việc đã đến”. Trong hơn 20 năm làm việc của mình, tôi đã được rèn luyện sự bình tĩnh để đánh giá và xử lý sự việc. Tôi vừa tranh thủ hoàn tất mấy món ăn đang nấu dở dang vừa đọc email thông tin từ EOC. Thường thì BN nghi ngờ nằm tại các BV T.Ư như BV Chợ Rẫy, sẽ do Viện Pasteur điều tra dịch tễ, còn BN nằm tại các BV của thành phố sẽ do CDC TP điều tra. Các đồng nghiệp ở Viện Pasteur TP đã vào BV Chợ Rẫy gặp BN để tìm hiểu về quá trình bệnh và cả lộ trình đi lại của 2 BN người Trung Quốc. Còn bây giờ là nhiệm vụ của chúng tôi, lần theo lộ trình ấy để thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn; để tìm kiếm những người đã từng tiếp xúc với 2 BN này và hướng dẫn cho họ tự theo dõi sức khỏe của mình, phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ngờ bệnh từ đó kịp thời xử lý, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Tất cả gói gọn trong cụm từ “điều tra người tiếp xúc”.
Từ thông tin điều tra ban đầu được cung cấp, lực lượng YTDP TP.HCM xác định các địa điểm cần điều tra người tiếp xúc tại TP gồm: BV Bình Chánh nơi BN này khám bệnh lần đầu trước khi đến BV Chợ Rẫy; khách sạn nơi gia đình họ lưu trú khi đặt chân đến TP.HCM và khách sạn nơi người vợ đang ở sau khi 2 BN nhập viện.
Mỗi địa điểm có những đặc thù riêng, trong bối cảnh đây là ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại TP.HCM được phát hiện, việc tiếp cận điều tra nếu không tổ chức cẩn trọng không những không đạt được mục đích mà còn có thể làm xáo trộn cả cộng đồng. Vì vậy, việc điều tra dịch tễ ở mỗi địa điểm phải được tiến hành theo những kịch bản khác nhau và phải có sự tham gia của nhiều người từ nhân viên của CDC TP, đến y tế quận huyện...
“Với sự chuẩn bị nhanh chóng và kỹ lưỡng, danh sách những người tiếp xúc với 2 BN Trung Quốc này được lập trong khi chưa có kết quả xét nghiệm. Với BN Việt kiều Mỹ cũng vậy”, BS Nga chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.