Chiến cuộc bế tắc giữa Nga và Ukraine

15/06/2024 05:55 GMT+7

Chưa có bất cứ tín hiệu hòa bình khả dĩ nào, cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp tục trong trạng thái giằng co đầy bế tắc.

Hôm qua, Reuters dẫn lời phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này sẽ ngừng bắn và tham gia các cuộc đàm phán hòa bình nếu Ukraine từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút lực lượng khỏi 4 khu vực mà Moscow tuyên bố chủ quyền gồm Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia.

ukraine.jpg

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chụp hình cùng các binh sĩ đang được huấn luyện hệ thống phòng không Patriot tại một địa điểm bí mật gần Đức vào ngày 11.6

Reuters

Trong khi đó, Kyiv nhiều lần khẳng định hòa bình chỉ có thể diễn ra khi Nga rút toàn bộ lực lượng và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Sau gần 2 năm rưỡi xung đột, Nga kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine.

Tiến bộ công nghệ đóng vai trò quan trọng

Trả lời Thanh Niên ngày 14.6, một chuyên gia tình báo quốc phòng, là cựu đại tá quân đội Mỹ và từng điều hành một bộ phận tình báo quân sự của NATO ở vùng Balkan, đánh giá: "Cuộc chiến hiện đang rơi vào thế bế tắc không khác gì Thế chiến thứ nhất". Theo ông, công nghệ đã tiến bộ vượt xa những gì quân đội đủ sức tiếp thu. Ví dụ, Ukraine thực sự vẫn chưa thể tích hợp máy bay không người lái (UAV) vào học thuyết và chiến thuật.

"Đây là cuộc xung đột lớn đầu tiên mà chiến tranh điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong hầu như mọi khía cạnh của cuộc chiến và là cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử mà UAV được sử dụng hàng loạt và đóng vai trò chủ chốt trên chiến trường. Không bên nào có thể tiến hành "chiến tranh cơ động"; tức là các hoạt động chiến đấu phá vỡ một lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của đối phương và khai thác lỗ hổng để tiến nhanh. Ngoài ra, các lực lượng không thể cơ động nhanh chóng trên khắp chiến trường mà không bị phát hiện. Kết quả là lực lượng phòng thủ có lợi thế đáng kể", vị chuyên gia nhận định.

Do đó, theo ông, chiến lược của cả hai nước vẫn không thay đổi. Cả hai đều tấn công vào các khu vực hậu phương của nhau. Ukraine đang nhắm mục tiêu vào các trung tâm hậu cần, sân bay và các nhà máy lọc dầu, các cơ sở chế biến năng lượng của phía Nga. Người Nga tiếp tục tấn công vào các tiện ích công cộng của Ukraine, đặc biệt về điện nước, để tìm cách bẻ gãy tinh thần người Ukraine.

Ăn miếng trả miếng

"Về mặt tác chiến, cả hai bên đều đang tiến hành một cuộc chiến tranh tiêu hao sinh lực đối phương. Sau khi rút ra bài học tàn khốc từ cuộc tấn công vào mùa thu năm ngoái, lãnh đạo Ukraine đã chấp nhận thực tế là không thể chiếm lại các khu vực lãnh thổ rộng lớn, nên đang áp dụng chiến lược phòng thủ nhằm giảm thương vong, đồng thời tấn công hậu phương và năng lực tác chiến của Nga", vị chuyên gia trên đánh giá.

Theo ông, ngược lại, Nga đang sử dụng pháo binh tập trung để phá hủy các vị trí phòng thủ của Ukraine. Nga không còn sử dụng xe tăng hoặc bộ binh tấn công quy mô lớn hay trung bình nữa. Ông phân tích thêm: "Người Ukraine đang tiến hành một hình thức phòng thủ linh hoạt lai ghép. Họ đã đào các chiến hào sâu liên kết với nhau nhưng chỉ giữ chúng đủ lâu để xây dựng các vị trí kiên cố. Ukraine đang sử dụng UAV để quấy rối và theo dõi các đơn vị quân đội Nga".

Ông cho rằng: "Các hoạt động của UAV cấu thành một hình thức chiến tranh phi truyền thống, gây rối loạn cho hậu phương của Nga vì binh sĩ luôn lo ngại bị tấn công ở hậu phương dẫn đến xuống tinh thần tác chiến".

Nga đã phòng thủ trước UAV bằng cách gắn thêm các tấm chắn trên cao vào xe tăng và các xe bọc thép để giảm hậu quả do UAV cảm tử gây ra. Kết hợp thêm còn có các đơn vị tác chiến điện tử và gây nhiễu để tìm cách vô hiệu hóa UAV của Ukraine. Đây cũng là cách Ukraine phòng ngừa UAV bên cạnh việc kết hợp gây nhiễu để áp chế điều khiển, kết nối thông tin của pháo binh Nga.

"Cuộc giao tranh sẽ leo thang vào tháng 7 và đạt đỉnh vào khoảng tháng 8 - 9 nhưng không bên nào đạt được tiến triển lớn nào. Tôi không thấy các cuộc đàm phán hòa bình đạt được nhiều thành quả vì cả hai bên vẫn không khoan nhượng", vị chuyên gia dự báo.

Tổng thống Mỹ ký thỏa thuận an ninh mới với Ukraine

Mỹ và Ukraine ký thỏa thuận lịch sử về an ninh

Bên lề hội nghị G7 ở Ý, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa ký kết thỏa thuận an ninh 10 năm giữa 2 nước, được nhà lãnh đạo Ukraine gọi là ngày lịch sử và kỳ vọng đóng vai trò cầu nối để Ukraine giành được tư cách thành viên NATO.

Theo thỏa thuận này, Mỹ cung cấp cho Ukraine một loạt viện trợ và huấn luyện quân sự trong thập niên tới.

Khánh An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.