Điểm xung đột: Nga bị chặn ở Kharkiv; Mỹ-Ukraine ký thỏa thuận an ninh lịch sử

Điểm xung đột: Nga bị chặn ở Kharkiv; Mỹ-Ukraine ký thỏa thuận an ninh lịch sử

14/06/2024 21:46 GMT+7

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây phát biểu cho rằng việc Ukraine dùng F-16 do phương Tây viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga sẽ không làm leo thang xung đột.

Phát biểu trước cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO tại Bỉ hôm 12.6, ông Stoltenberg giải thích: "Ukraine có quyền tự vệ và điều này bao gồm cả việc tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp trên lãnh thổ Nga. Tự vệ không phải là leo thang". Nhà lãnh đạo NATO nói các thành viên của liên minh quân sự có quyền giúp đỡ Ukraine nhưng vẫn không phải là bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.

Ông Stoltenberg cho biết "các đồng minh khác nhau có những hạn chế khác nhau trong việc sử dụng vũ khí của họ" và hoan nghênh việc một số quốc gia thành viên gần đây đã nới lỏng các quy tắc này.

Thay đổi quan trọng nhất gần đây là khi Mỹ bật đèn xanh cho Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga sát với vùng Kharkiv. Đến nay thì cả Ukraine và Mỹ đều đã ca ngợi quyết định này đã giúp chặn đà tiến của Nga ở vùng Kharkiv và ổn định tình hình.

Liên minh quân sự NATO sẽ họp thượng đỉnh vào ngày 9-10.7 tại Mỹ. Một trong những chủ đề quan trọng của hội nghị là tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine. Tổng thư ký Jens Stoltenberg nhấn mạnh: "Nếu không hỗ trợ cho Ukraine thì chẳng có gì để thảo luận về tư cách thành viên cho Ukraine. Chúng ta cần đảm bảo rằng Ukraine sẽ thắng, đó là điều kiện tối thiểu để Ukraine trở thành thành viên của liên minh".

Ukraine chính thức xin gia nhập liên minh quân sự NATO dẫn dắt vào tháng 9.2022. Tuy nhiên dù Ukraine kêu gọi đẩy nhanh lộ trình kết nạp, NATO đến nay vẫn từ chối ấn định một thời gian cụ thể hoặc lộ trình gia nhập cho Ukraine. Các thành viên của liên minh do Mỹ dẫn đầu này cũng kiên quyết loại trừ khả năng kết nạp Ukraine khi xung đột với Nga chưa kết thúc.

Tổng thống Joe Biden hiện đang ở Ý để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Theo giới chuyên gia, mục tiêu Tổng thống Biden nhắm đến trong chuyến công du châu Âu lần này là thể hiện mình là một lãnh đạo vững chãi của phương Tây, thu hút các cường quốc thế giới đứng về phía Ukraine và nâng cao hình ảnh toàn cầu trước cuộc bầu cử tháng 11. Và để thể hiện quyết tâm này thì ông đã cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký thỏa thuận an ninh song phương 10 năm.

Thỏa thuận an ninh Mỹ - Ukraine được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ cho Ukraine, nhưng tương lai của thỏa thuận này lại không hoàn toàn chắc chắn, trong bối cảnh ông Donald Trump đang có cơ hội trở lại Nhà Trắng trong kỳ bầu cử sắp tới.

Bởi vì theo các chuyên gia, dù đưa ra những đảm bảo an ninh dài hạn, nhưng đó chỉ là văn bản hành pháp được ký kết giữa chính quyền hiện tại của Mỹ và Ukraine, không được quốc hội Mỹ phê chuẩn. Điều này đồng nghĩa thỏa thuận không có nhiều tính ràng buộc lâu dài. Nếu ông Trump thắng cử và trở lại Nhà Trắng vào tháng 1.2025, ông hoàn toàn có thể hủy thỏa thuận, phá bỏ mọi cam kết của Washington.

Giới quan sát đánh giá kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi ông Trump đã nhiều lần công khai phản đối việc hỗ trợ Ukraine cũng như từ bỏ các thỏa thuận đa phương mà Mỹ đã ký kết. Hiện nay ông Trump chưa nói rõ chính sách của mình về Ukraine nếu ông tái đắc cử. Đây cũng là lý do tạo nên những mối nghi ngờ về các cam kết của Washington đối với Kyiv trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12.6 công bố các lệnh cấm vận nhắm vào hơn 300 cá nhân và tổ chức ở Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Những thực thể này bao gồm cả Sở Giao dịch Moscow, sở giao dịch lớn nhất của Nga, và một số đơn vị trực thuộc. Động thái này có thể làm phức tạp thêm các hoạt động giao dịch trị giá hàng tỷ USD, cũng như các thực thể liên quan một số dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói: "Hành động hôm nay nhắm vào con đường nhận nguyên liệu và thiết bị quốc tế còn lại của Nga, trong đó có nguồn cung cấp quan trọng từ các nước thứ ba".

Bà cho biết loạt lệnh trừng phạt mới nhằm gia tăng rủi ro với các tổ chức tài chính hỗ trợ nền kinh tế Nga và loại bỏ những con đường né tránh lệnh trừng phạt, đồng thời làm giảm khả năng Nga được hưởng lợi từ việc tiếp cận công nghệ, thiết bị, phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của nước ngoài.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ vẫn lo ngại về quy mô và mức độ của hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga. Một quan chức Mỹ gần đây đã cảnh báo về số lượng “cao không thể chấp nhận” các linh kiện để sản xuất vũ khí tiếp tục đến tay Nga bất chấp các lệnh cấm vận.

Tại Trung Đông, nhóm vũ trang Hezbollah từ Li Băng cho biết đã phóng rốc két và máy bay không người lái tự sát vào 9 cơ sở quân sự của Israel trong một cuộc tấn công phối hợp hôm 13.6. Diễn biến này tiếp tục làm gia tăng tình trạng thù địch ở biên giới phía nam Li Băng trong ngày thứ 2 liên tiếp.

Một nguồn tin an ninh nói với Reuters rằng đây là cuộc tấn công lớn nhất do Hezbollah tiến hành kể từ tháng 10.2023, khi nhóm này bắt đầu tấn công ăn miếng trả miếng với Israel. Đài truyền hình Al-Manar của Hezbollah cho biết nhóm đã phóng hơn 100 rốc két cùng lúc vào các mục tiêu ở Israel, bao gồm trụ sở của Bộ chỉ huy phía bắc Israel, một trụ sở tình báo và một doanh trại quân đội. Nguồn tin an ninh cũng cho biết Hezbollah phóng ít nhất 30 máy bay không người lái tấn công cùng một lúc vào Israel. Đây được xem là một trong những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất của nhóm vũ trang Li Băng vào Israel trong 8 tháng qua.

Thật ra thì Hezbollah và Israel đã giao tranh gần như hàng ngày kể từ khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra vào tháng 10.2023, nhưng 2 ngày qua thì xung đột đã gia tăng mạnh mẽ sau khi Israel không kích hạ sát một chỉ huy của Hezbollah. 

Trang tin Axios của Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden được cho là rất lo ngại về một kịch bản trong đó căng thẳng giữa Israel và Hezbollah sẽ leo thang thành một "cuộc chiến tổng lực". Nhà Trắng cũng cảnh báo về khả năng Israel có thể bắt đầu hoặc bị kéo vào một cuộc chiến với Hezbollah "mà không có chiến lược rõ ràng hoặc xem xét đầy đủ các tác động của một cuộc xung đột rộng lớn hơn". Chính quyền của ông Biden đang cố gắng giải quyết cuộc giao tranh giữa Israel và Hezbollah song song với nỗ lực đảm bảo thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza, điều mà Mỹ coi là biện pháp duy nhất để giảm căng thẳng ở biên giới Israel và Li Băng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.