Chiến lược 'chập chờn' của ông Trump với Trung Quốc có thể phản tác dụng

31/05/2018 13:54 GMT+7

Nhà Trắng mới đây lại bất ngờ thay đổi giọng điệu thương mại với Trung Quốc.

Chỉ 10 ngày trước, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cho biết họ đã đồng ý không áp đặt thuế quan mới lên hàng hóa của nhau, và Trung Quốc sẽ tăng cường mua hàng hóa, dịch vụ của Mỹ để giảm bớt tình trạng mất cân bằng thương mại.
Tuy nhiên, Nhà Trắng hôm 29.5 đột ngột thay đổi giọng điệu, tuyên bố sẽ đánh thuế hàng loạt hàng hóa của Trung Quốc với giá trị 50 tỉ USD, đồng thời hạn chế đầu tư vào các công nghệ quan trọng. Bắc Kinh cho rằng thông báo này “rõ ràng vi phạm sự đồng thuận mà hai bên đã đạt được trong cuộc đàm phán mới đây ở Washington”.
Một trong những chiến thuật chính của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong đàm phán chính là tính cách không thế đoán trước. Ông Trump cũng có thói quen đe dọa hành động đơn phương để cố gắng tận dụng đòn bẩy trong các tranh chấp thương mại. Nhưng chiến lược của ông Trump đối với Trung Quốc đang làm các chuyên gia thương mại bối rối, thất vọng. Họ nghĩ rằng cách thay đổi thái độ đột ngột cuối cùng sẽ cản trở khả năng Washington có được điều mình muốn từ Bắc Kinh.
“Nếu chúng ta đang cố gắng thay đổi hành vi thương mại của Trung Quốc, thì những tín hiệu ồn ào này sẽ không giúp ích được gì”, Phil Levy, thành viên cao cấp về kinh tế toàn cầu tại Chicago Council on Global Affairs, đồng thời là cựu chuyên gia kinh tế của chính quyền Tổng thống George W.Bush, nói.
Sự thiếu nhất quán trong các quyết định của Mỹ đối với Trung Quốc vốn bắt nguồn từ nội bộ chính quyền ông Trump, với những khác biệt quan điểm phức tạp ngay từ đầu. Khi ông Trump chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đe dọa đánh thuế 50 tỉ USD giá trị hàng xuất khẩu của Trung Quốc hồi tháng 3.2018, sau cuộc điều tra kéo dài hàng tháng về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, những người ủng hộ thắt chặt thương mại trong chính quyền ông Trump coi đó chiến thắng. Tuy nhiên, trong những tuần tiếp theo, đàm phán giữa Mỹ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tập trung vào các mối quan tâm hẹp hơn, chẳng hạn như thâm hụt thương mại song phương.
Đầu tháng này, cả hai bên đều cho biết họ đã đạt được thỏa thuận ban đầu và Trung Quốc sẽ “tăng đáng kể” việc mua hàng hóa của Mỹ. Song, sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo điều này, gần như ngay lập tức ông Lighthizer đã đưa ra tuyên bố cảnh báo rằng vấn đề lớn giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết, thuế quan, hạn chế đầu tư và quy định xuất khẩu đang được xem xét.
“Trung Quốc không có lý do gì để giải quyết các vấn đề mà Mỹ đưa ra nếu các ưu tiên của chính phủ không nhất quán. Khi chương trình nghị sự thương mại vẫn còn đang dao động giữa Mnuchin và Lighthizer, thì Mỹ sẽ không thúc đẩy được bất cứ ai, đặc biệt là Trung Quốc, bắt đầu thực hiện những nhượng bộ lớn”, Eric Albach, phó chủ tịch cấp cao của Albright Stonebridge Group, nguyên phó trợ lý đại diện thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nói.
Theo ông Levy, các thông điệp lộn xộn cũng làm suy yếu vị trí của Mỹ bằng cách giảm cơ hội hợp tác. Nếu cuộc chiến thực sự là về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, Mỹ có thể kêu gọi thêm một số đồng minh để giúp gia tăng áp lực. Nhưng có khả năng họ sẽ không tham gia nếu Mỹ vẫn tiếp tục đột ngột thay đổi thái độ và chỉ tập trung vào giảm thâm hụt thương mại.
Có một vài lý do chiến thuật khiến chính quyền ông Trump quyết định đi trước với tuyên bố áp đặt thuế quan và hạn chế đầu tư của Trung Quốc. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dự kiến sẽ đến Trung Quốc vào cuối tuần này để thảo luận thêm. Và đây có thể là nỗ lực của Washington nhằm đạt được ảnh hưởng trước cuộc đàm phán này, theo nhận định của ông William Reinsch, cố vấn cấp cao tại Center for Strategic and International Studies, đồng thời cũng là người từng phục vụ trong chính quyền Tổng thống Bill Clinton. Ngoài ra, ông Trump cũng đang phải đối mặt với áp lực chính trị đáng kể từ Quốc hội trong những ngày gần đây vì đã giải cứu hãng viễn thông Trung Quốc ZTE.
“Thông điệp đằng sau tuyên bố thuế quan hôm 29.5 có thể hướng đến các đối tượng chính trị trong nước cũng nhiều như nó hướng đến chính phủ Trung Quốc. Nhưng dù bằng cách nào đi nữa, thay đổi lặp đi lặp lại trong chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc chỉ khiến các cuộc đàm phán sắp tới khó thành công”, ông Reinsch nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.