Chiến lược gia nhận định Việt Nam tìm được cách thu hút nhà đầu tư ngoại

Thu Thảo
Thu Thảo
18/05/2018 11:04 GMT+7

Theo ông Andy Ho, giám đốc đầu tư tại Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity, thị trường cận biên Việt Nam đang có chiến lược đúng để trở thành điểm nóng đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cụ thể ông Ho nói trên chương trình “Squawk Box Europe” của kênh CNBC hôm 17.5 rằng chính phủ Việt Nam đã nhận ra rằng “bất ổn sẽ không thu hút được các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài”. Ông nói thêm: “Trong vòng 5-10 năm qua, họ tạo ra một nền tảng ổn định, nơi ngoại hối, cơ sở hạ tầng pháp lý, lạm phát, lãi suất, tất cả đều ổn định”.
Việt Nam là một trong các thị trường chứng khoán thể hiện tốt nhất châu Á dù có biến động mạnh. Trong tháng 4 vừa qua, chứng khoán Việt Nam vừa lên cao kỷ lục, vừa xuống thấp kỷ lục. Tháng 4 là tháng chứng khoán Việt Nam thể hiện tệ nhất trong hai năm qua. Dù vậy, chỉ số Vietnam Index tại TP.HCM vẫn tăng 42% trong 12 tháng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tăng trưởng ở Việt Nam sẽ vào khoảng 6,6% trong năm 2018, cao hơn mức trung bình của thị trường mới nổi là 4,9%. Hiện các thị trường mới nổi đang đứng trước nguy cơ bị giới đầu tư rút vốn ra khi lãi suất ở Mỹ tăng cao.
Ông Ho nhấn mạnh sự hiện diện của nhiều hãng công nghệ cao ở Việt Nam như Intel và Samsung là ví dụ cho thấy chính phủ đang nhận ra rằng đầu tư nước ngoài giúp đất nước giàu hơn.
Việc tạo thêm công ăn việc làm rất quan trọng đối với đất nước có dân số trẻ. Tăng tưởng ở các khu đô thị thì tạo cơ hội đầu tư. Ông Ho cho hay các khu đô thị chính là nơi mà quỹ của ông đầu tư vào vì nhu cầu dịch vụ, hàng hóa ở đây cao. Chuyên gia này cũng nói thêm cơ hội nằm trong các lĩnh vực như ngân hàng, giáo dục và dược phẩm.
Maarten-Jan Bakkum, chiến lược gia cao cấp về các thị trường mới nổi tại hãng NN Investment, cho hay dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, trong đó đầu tư trực tiếp đạt gần 20 tỉ USD hằng năm, giúp ổn định nội tệ, giúp quản lý lạm phát và lãi suất. Ông Ho cho biết: “Bùng nổ tiêu thụ xuất phát từ yếu tố này hiện là một trong các đợt bùng nổ mạnh mẽ nhất thế giới các nền kinh tế phát triển”.
“Trong 20 năm qua, xuất khẩu Việt Nam tăng nhanh hơn gấp năm lần so với mức tăng xuất khẩu trung bình của các nền kinh tế mới nổi, và gấp đôi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở Trung Quốc, đất nước nổi tiếng là nhà vô địch xuất khẩu”, ông Bakkum nói. Ông Ho thì cho rằng tiềm năng xuất khẩu đầy hứa hẹn của Việt Nam được thúc đẩy bởi vùng bờ biển dài, giúp hình thành nhiều cảng kết nối với các thị trường, trong đó có miền nam Trung Quốc.
Hẳn nhiên kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với một số trở ngại. Dù chi phí lao động hiện nay ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc, mối lo ngại lớn nhất trong 5-10 năm tới là lạm phát lương bổng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.