Chiến lược xoay chiều của VPBank trong đại dịch

19/11/2020 17:16 GMT+7

Đầu năm, lãnh đạo VPBank cho biết mục tiêu năm nay hướng tới sự thận trọng, hơn là tăng trưởng.

Nhưng kết quả 9 tháng các mảng kinh doanh của nhà băng này đều tăng hai con số so với cùng kỳ năm trước, một phần kết quả từ chiến lược "xoay chiều" trong giai đoạn khó khăn.
Covid-19 kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến GDP Việt Nam tăng thấp nhất thập kỷ. Ngân hàng, lĩnh vực được ví như "mạch máu của nền kinh tế", không tránh khỏi tác động. Bởi thế mà kế hoạch kinh doanh của nhiều nhà băng từ đầu năm đã đặt "đại dịch" là một trong những biến số có mức ảnh hưởng cao nhất.
Nằm trong top 5 ngân hàng lãi cao nhất hệ thống, VPBank cũng hướng tới sự thận trọng, hơn là ưu tiên tăng trưởng. "Nếu dịch bệnh không có diễn biến đặc biệt, lợi nhuận ngân hàng cả năm có thể tăng 10-15%", ông Nguyễn Đức Vinh, CEO VPBank cho biết tại phiên họp thường niên năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận mà ngân hàng này đưa ra là giảm 1%, còn khoảng 10.200 tỉ đồng. Lãnh đạo VPBank cũng cho biết đã xây dựng các kịch bản khác nhau nhưng luôn ưu tiên đảm bảo an toàn vốn, tài sản và ổn định nguồn thu cùng với việc triệt để tiết kiệm chi phí giúp ngân hàng có đủ thanh khoản và sẵn sàng ứng phó với các rủi ro phát sinh từ dịch bệnh.
Dù vậy, kết quả toàn ngành sau 9 tháng lại cho mấy một bức tranh khác. Dù gam màu sáng không còn là hiện trạng chung, nhưng con số lợi nhuận hàng nghìn, chục nghìn tỉ đồng tiếp tục chứng minh ngân hàng là một trong những ngành có kết quả tích cực nhất. Và đặc biệt, mỗi ngân hàng lại có một "câu chuyện riêng" trong đại dịch.
Với VPBank, lợi nhuận trước thuế 9 tháng tăng 30% cùng kỳ và đạt 92% kế hoạch năm. Kết quả là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, nhưng một phần đóng góp là khả năng thích ứng nhanh khi bối cảnh chung thay đổi.
Giai đoạn trước, tăng trưởng cao của ngân hàng này thường song hành với đà tăng từ doanh thu, đến từ những phân khúc như tín dụng tiêu dùng (FE Credit), nhóm khách hàng cá nhân, SME và tiểu thương. Tuy nhiên, khi đại dịch diễn biến phức tạp, những phân khúc này trở thành "nạn nhân" được dự báo chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bởi vậy, VPBank đã "đổi trục" sang các phân khúc ít rủi ro hơn, như nhóm khách hàng doanh nghiệp thuộc những ngành ít chịu ảnh hưởng, hay nhóm khách hàng cá nhân vay mua nhà. Ngoài ra, ngân hàng cũng tập trung vào thu nhập ngoài lãi, đẩy nhanh quá trình số hóa, từ đó, tạo bước nhảy vọt cho ngân hàng mẹ để bù đắp sự chững lại của FE Credit.
Trong gần 9.400 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế 9 tháng, ngân hàng mẹ đóng góp hơn 6.200 tỉ đồng, tương đương 66% kết quả hợp nhất, tỷ trọng tăng đáng kể so với những năm gần đây.
Xét về doanh thu, ngân hàng hợp nhất đạt 28.300 tỉ đồng trong 9 tháng, tăng 7,6%, trong đó riêng ngân hàng mẹ tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập từ phí (NFI) của ngân hàng mẹ cũng tăng hơn 36%, tương đương hơn 2.200 tỉ đồng.
Đến cuối quý 3, tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt 16,5%, trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt 19,34%. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất duy trì dưới 3%, với tỷ lệ này tại ngân hàng riêng lẻ giảm từ mức 2,18% cuối 2019 xuống còn 2,01% cuối quý 3, cho thấy nỗ lực kiểm soát chất lượng tài sản của ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh.
Một thay đổi khác trong bối cảnh đại dịch là việc tăng kiểm soát chi phí và xây dựng "đệm dự phòng". OPEX ngân hàng hợp nhất, theo đó, đã giảm 5,7%, so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) ở ngân hàng hợp nhất giảm từ 34,7% tại 30/9/2019 xuống còn 30,4% cuối quý 3 năm 2020, trong đó ngân hàng mẹ được ghi nhận còn 32,3%.
Nỗ lực kiểm soát chi phí hoạt động (OPEX) được thể hiện trong việc số hóa tối đa khâu vận hành, từ việc ứng dụng dữ liệu lớn (big data) trong phê duyệt tín dụng, đến đánh giá mức độ rủi ro và chăm sóc khách hàng trên nền tảng số. Chiến lược số hóa của VPBank là nhất quán và được đầu tư phát triển đồng bộ nhằm tạo ra các giá trị gia tăng ngày càng lớn cho khách hàng, đồng thời góp phần đem lại hiệu quả cao cho ngân hàng và cho cổ đông. VPBank có cam kết rõ ràng và cụ thể trong việc triển khai chiến lược số hóa một cách đồng bộ, đa dạng, linh hoạt và hiệu quả.
Tháng 7, VPBank trở thành một trong những nhà băng đầu tiên tuân thủ mọi quy định về eKYC, cho phép khách hàng sở hữu tài khoản thanh toán và thực hiện được ngay các giao dịch trong vòng vài phút. Số lượng khách hàng số (digital user) tại ngân hàng mẹ đã đạt hơn 1,3 triệu vào cuối quý 3, tăng 18,4% so với cùng kỳ. 97% số lượng các giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua kênh ngân hàng số, ngân hàng tự động với khối lượng giao dịch tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài tăng trưởng, ngân hàng cũng tập trung gia tăng dự phòng rủi ro. Chi phí dự phòng hợp nhất tăng thêm 14,4% so với cùng kỳ (sau khi đã loại trừ khoản chi phí dự phòng cho trái phiếu VAMC trong năm 2019), tỷ lệ này ở ngân hàng riêng lẻ đạt gần 30%.
Thành quả từ nỗ lực tăng trưởng cho tới cân bằng rủi ro hoạt động cũng là lý do tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s ra thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của VPBank ở mức B1. Quyết định này được đưa ra sau gần 4 tháng kể từ ngày Moody’s thông báo về việc rà soát, đánh giá rủi ro, sức mạnh tài chính và triển vọng phát triển của ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hầu hết tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.