>> Máy bay trực thăng rơi xuống biển
>> Vụ rơi máy bay quân sự: Hộp đen cũng có trục trặc
>> Vụ rơi máy bay quân sự: 3 chiến sĩ bị thương vẫn trong tình trạng nguy kịch
>> Vụ rơi máy bay quân sự: Tặng và truy tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho 17 chiến sĩ
>> Vụ rơi máy bay quân sự: Tổ chức lễ tang cho 18 chiến sĩ hy sinh với nghi thức trang trọng nhất
>> Vụ rơi máy bay quân sự: Thêm 1 chiến sĩ hy sinh
Tiến sĩ Nguyễn Hải An, Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu Viện bỏng quốc gia cho biết, bệnh nhân Dương vào viện đã hơn 4 tháng với gần 100 ngày hôn mê. Trải qua 17 lần phẫu thuật, phải cắt bỏ hai chân và toàn bộ ngón tay.
Suốt quá trình điều trị, không ít lần bệnh nhân Dương tưởng như không qua khỏi do bị bỏng nặng, lại bị đa chấn thương nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. “Có thời điểm, các bác sĩ đã bó tay nhưng bệnh nhân lại tự lực vượt qua được. Bệnh nhân Dương có sức sống quá mãnh liệt, nghị lực phi thường mới vượt qua được. Dương phục hồi được là điều rất kỳ diệu”, tiến sĩ An nói.
Cũng theo tiến sĩ An, nhiều giai đoạn bệnh nhân bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn rất đáng lo. Có những lúc suy 4 - 5 bộ phận nội tạng như suy phổi, suy hô hấp, suy thận, không có nước tiểu, huyết áp giảm, rối loạn chức năng đông máu… tưởng chừng như đã hết hy vọng. Suốt quá trình điều trị, Ban giám đốc bệnh viện cùng nhiều bác sĩ, chuyên gia đầu ngành ở các bệnh viện lớn đã được mời đến tham gia hội chẩn điều trị.
Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu cũng cho biết, sau 4 tháng phải thở máy, phải sử dụng lượng thuốc an thần lớn để giảm đau, đến nay, bệnh nhân Dương đã tự thở được.
“Hy vọng của chúng tôi tăng dần theo ngày tháng khi vết thương bệnh nhân bắt đầu liền, phổi hồi phục dần dần, bệnh nhân tự thở được, ít lệ thuộc vào máy móc. Vui nhất là khi bệnh nhân nói chuyện được, tự ăn bằng chính miệng, cảm nhận thức ăn ngon, không phải qua ống xông. Tinh thần của bệnh nhân Dương cũng rất lạc quan, đặc biệt là sau khi nhận được tin con trai ra đời. Trí nhớ của bệnh nhân cũng phục hồi rất tốt, gần như hoàn toàn. Có thể nói, bệnh nhân Dương đang dần hồi phục từng bước, khỏe mạnh trở lại, dần dần tái hòa nhập cộng đồng sau 4 tháng nguy kịch”, tiến sĩ An nói.
Ông cũng chia sẻ, cứu sống được bệnh nhân Dương cũng đem lại nhiều bài học, kinh nghiệm quý cho các y bác sĩ. Đây là trường hợp phải huy động rất nhiều nhân lực, vật lực vào cuộc để hội chẩn, thực hiện nhiều lần phẫu thuật phức tạp, cấy ghép da trên diện tích rộng.
Bác sĩ Phan Trường Tuệ, Trưởng điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu cho rằng, bệnh nhân Dương hồi phục được là điều kỳ tích, thế giới có rất ít trường hợp bị nổ máy bay từ trên cao rơi xuống bị bỏng, đa chấn thương, suy đa tạng mà vượt qua được.
|
Theo bác sĩ Tuệ, chăm sóc bệnh nhân bỏng đòi hỏi rất cao, nhân lực gấp 4-5 lần bình thường do yêu cầu môi trường phải vô trùng, các dụng cụ, đồ tiếp xúc với bệnh nhân cũng phải vệ sinh tiệt trùng. Bên cạnh đó, phải duy trì lúc nào nhiệt độ cũng ở 30 độ C. Ngoài ra, bệnh bỏng cũng cần lượng calo nhiều hơn bình thường, do vậy cũng phải cho ăn nhiều lần/ngày bằng nhiều đường khác nhau. Kết hợp cùng với vận động để tránh teo cơ, viêm khớp…
Theo các bác sĩ, bệnh nhân chưa thể xuất viện ngay được vì còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên vẫn phải nằm điều trị ở phòng vô trùng.
Chị Đinh Thị Hiền, chị gái ruột của thượng úy Dương không giấu được xúc động khi chứng kiến em trai phục hồi từng ngày. Chị Hiền kể, hai chị em đã nói chuyện được với nhau khá nhiều. Khi biết Dương hồi phục, tinh thần phấn chấn, gia đình rất vui mừng. Chị gái của thượng úy Dương không quên gửi lời cảm ơn đến các tập thể y bác sĩ đã hết lòng cứu chữa cho em trai.
|
Đan Hạ
Bình luận (0)