Chiến sự ngày 271: Nga tự đi tìm công lý cho tù binh bị Ukraine sát hại

22/11/2022 06:20 GMT+7

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 21.11 tuyên bố Nga sẽ tự truy lùng những tay súng Ukraine đã sát hại tù binh Nga, những kẻ thủ ác sẽ bị vạch mặt và trừng trị, trong khi Kyiv bác bỏ chuyện giết tù binh Nga.

Lính thuộc lực lượng LPR canh gác ở Kharkiv

Chụp từ sputnik

Sputnik dẫn lời ông Peskov cho hay Ủy ban Điều tra Nga đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ lính Ukraine hành quyết tù binh Nga. Ủy ban này cũng cho hay sẽ tìm kiếm tung tích những cá nhân đã ghi hình và đăng lên mạng các video clip liên quan đến vụ hành quyết.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 18.11 cáo buộc Kyiv đã hành quyết hơn 10 tù binh nước này, và đây là tội ác chiến tranh mà phương Tây phớt lờ, theo Reuters.

Moscow tuyên bố sẽ tìm ra những người Ukraine đã hành quyết tù binh Nga

Trong bài báo hôm 21.11, tờ The New York Times dựa vào kỹ thuật báo chí điều tra để xác nhận các clip đăng trên mạng xã hội đã được quay tại làng Makeyevka vào thời điểm quân Ukraine vừa giành lại quyền kiểm soát nơi này.

Nguy cơ chực chờ ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đang đối mặt nguy cơ xảy ra sự cố hạt nhân, theo TASS dẫn lời người đứng đầu cơ quan năng lượng hạt nhân Nga là Rosatom.

Ảnh chụp từ vệ tinh quang cảnh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

reuters

“Chúng tôi đang thông báo cho cộng đồng thế giới rằng nhà máy đang đứng trước sự cố hạt nhân, và rõ ràng chính quyền Kyiv cho rằng một sự cố hạt nhân cỡ nhỏ là điều chấp nhận được”, TASS dẫn lời ông Alexey Likhachev, Tổng giám đốc Rosatom.

Ông Likhachev cảnh báo đây sẽ là tiền lệ thay đổi vĩnh viễn lịch sử. Vì thế, cần phải làm mọi điều có thể để ngăn chặn nguy cơ đó xảy ra.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết các đợt pháo kích tiếp tục rót vào khu vực nhà máy và lân cận. Thêm nhiều vụ nổ lớn đã xảy ra cuối tuần qua.

Cảnh báo "đùa với lửa" sau các vụ nổ sát nhà máy điện hạt nhân Ukraine

Hôm 21.11, đội ngũ thanh sát viên của IAEA tiến hành phân tích mức độ thiệt hại và nguy cơ gây ảnh hưởng cho nhà máy điện.

Ba Lan muốn đặt hệ thống Patriot sát biên giới Ukraine

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak xác nhận Đức đề nghị bổ sung hệ thống phòng không Patriot cho Ba Lan, và khẩu đội mới sẽ được đặt sát biên giới với Ukraine.

Hệ thống Patriot

afp

Reuters dẫn lời ông Błaszczak cho biết ông đã đưa ra đề xuất trên với phía Đức trong cuộc điện đàm ngày 21.11.

Sau vụ rơi tên lửa xuống làng Przewodow của Ba Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho hay Berlin sẽ tăng cường hệ thống Patriot cho Ba Lan và giúp đồng minh NATO trong công tác tuần tra lãnh thổ bằng tiêm kích Eurofighter.

Ba Lan sẽ bố trí hệ thống phòng không Patriot của Đức ở biên giới Ukraine

Patriot là hệ thống phòng không tầm trung, cho phép đánh chặn các tên lửa đang lao đến. Quân đội Ba Lan đã sử dụng Patriot từ tháng 10 và sẽ tiếp nhận thêm 2 khẩu đội vào cuối năm 2022.

NATO: Trung Quốc thúc đẩy nỗ lực kiểm soát phương Tây

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 21.11 cảnh báo các nước phương Tây nên cẩn trọng để tránh sa vào tình trạng phụ thuộc Trung Quốc, trong lúc loại bỏ dần nguồn cung cấp từ năng lượng Nga vì chiến sự Ukraine.

“Chúng tôi chứng kiến nỗ lực gia tăng từ phía Trung Quốc trong việc thực thi kiểm soát các cơ sở hạ tầng thiết yếu, chuỗi cung ứng và các lĩnh vực công nghệ then chốt của phương Tây”, ông phát biểu trong chuyến thăm Tây Ban Nha.

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 270, Nga tăng pháo kích miền đông Ukraine, nhà máy điện hạt nhân lại bị đe dọa


“Các nguyên tố đất hiếm của Trung Quốc hiện diện khắp nơi, bao gồm bên trong điện thoại của chúng ta, cũng như ô tô, thiết bị quân sự”, tổng thư ký NATO nhắc nhở. Và ông thúc giục các đồng minh tăng cường năng lực bền bỉ cho xã hội và cơ sở hạ tầng của những nước này để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Xem thêm tình hình chiến sự:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.