Ukraine nêu đề xuất, Nga giảm hoạt động quân sự
Trong cuộc đàm phán tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 29.3, Ukraine đề xuất trở thành nước trung lập, đồng nghĩa không gia nhập liên minh quân sự hoặc cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ. Điều kiện kèm theo là phải có sự đảm bảo an ninh từ các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ... để ngăn ngừa trường hợp bị tấn công.
Phái đoàn Nga và Ukraine đàm phán tại Istanbul ngày 29.3 |
Reuters |
Đề xuất của Ukraine là sẽ không gia nhập NATO nhưng Nga không được phản đối nước này gia nhập EU. Ukraine còn đề xuất tạm thời hoãn bàn về tình trạng của Crimea và vùng Donbass.
Nga thông báo giảm đáng kể hoạt động quân sự quanh Kyiv và Chernihiv sau khi đạt những tiến triển "có ý nghĩa" trong cuộc hòa đàm. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu gọi đây là cuộc đàm phán mang lại tiến triển đáng kể nhất.
Tổng thống Zelensky nói Ukraine "không ngây thơ" sau vòng đàm phán mới |
Ukraine, Anh và Mỹ ngay lập tức thông báo những dấu hiệu về việc Nga giảm oanh tạc quanh Kyiv và một số đơn vị bắt đầu rút đi.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói chưa thấy dấu hiệu nghiêm túc thật sự từ Nga trong việc theo đuổi hòa bình. Ông yêu cầu Nga ngừng bắn, rút lực lượng và tham gia đối thoại.
Quân nhân Ukraine bên cạnh xe quân sự Nga bị phá hủy ở ngoại ô Kyiv |
Reuters |
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nói một thỏa thuận ngừng bắn là chưa đủ để dỡ bỏ cấm vận đối với Nga, theo The Guardian. Ông tỏ ra nghi ngờ khi nhấn mạnh sẽ đánh giá Moscow qua hành động thay vì lời nói. “Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ điều gì ngoại trừ việc rút toàn bộ lực lượng Nga khỏi lãnh thổ Ukraine”, ông Johnson nói.
Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky nói rằng việc giảm hoạt động quân sự quanh Kyiv và Chernihiv không đồng nghĩa với thỏa thuận ngừng bắn mà chỉ là mong muốn nhằm xuống thang dần tại các mặt trận này. Ông medinsky nói còn một chặng đường dài để đạt thỏa thuận với Ukraine.
Những điểm chính trong đàm phán Nga-Ukraine |
Xem thêm: Nga - Ukraine đạt kết quả đàm phán tích cực, Nga rút khỏi Kyiv
Nhiều nước trục xuất nhà ngoại giao Nga
Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra ngày 29.3 thông báo đang trục xuất 17 nhà ngoại giao Nga và đã triệu tập đại sứ Nga để thông báo về quyết định này.
Quyết định được đưa ra sau khi các cơ quan an ninh và tình báo Hà Lan xác nhận các nhà ngoại giao nói trên bí mật hoạt động với vai trò sĩ quan tình báo, đặt ra mối đe dọa an ninh đối với Hà Lan.
Ngay sau đó, Bỉ thông báo trục xuất 21 nhà ngoại giao Nga với lý do tương tự và ra thời hạn cho những người này phải rời đi trong vòng 15 ngày.
Ngoại trưởng Bỉ Sophie Wilmes nói quyết định này không phải là cấm vận mà chỉ liên quan đến an ninh quốc gia. Bà nhấn mạnh kênh ngoại giao với Nga vẫn mở và sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại.
Nga hạn chế thị thực nhập cảnh với các nước "không thân thiện" |
Tiếp theo, Cộng hòa Ireland cũng thông báo trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga trong khi Cộng hòa Czech trục xuất một nhà ngoại giao Nga tại Prague.
Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày tuyên bố sẽ phản ứng những hành động không thân thiện của nhiều nước đối với ngoại giao đoàn của Nga ở nước ngoài. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga triệu tập đại sứ các nước Latvia, Estonia và Lithuania để thông báo việc trục xuất một số nhà ngoại giao của 3 nước này nhằm trả đũa sau khi 3 nước Baltic trục xuất tổng cộng 10 nhà ngoại giao Nga.
Nga tập trung mặt trận Donbass
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 29.3 thông báo nước này đã hoàn thành mục tiêu chính của giai đoạn 1 của chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ông Shoigu nói rằng sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang Ukraine đã bị suy giảm đáng kể và lực lượng Nga giờ có thể tập trung cho mục tiêu chính là Donbass.
Xem nhanh: Chiến sự Nga-Ukraine tiếp tục nóng trong ngày thứ 34 |
Xem thêm: Nga tuyên bố hoàn tất giai đoạn 1 tại Ukraine, giờ tập trung vào Donbass
Dù vậy, chiến sự vẫn diễn ra ở nhiều nơi khác trong ngày 29.3. Đáng chú ý là vụ tòa nhà chính quyền tại Mykolayiv bị tấn công khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và 22 người bị thương, theo truyền thông Ukraine.
Theo thống kê của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, hơn 3,9 triệu người đã rời khỏi Ukraine từ khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu ngày 24.2.
Tòa nhà tại Mykolayiv bị phá hủy ngày 29.3 |
Reuters |
Bình luận (0)