Hai bên công bố thiệt hại mới
Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine ngày 18.3 cho hay lực lượng nước này đã đẩy lùi 100 đợt tấn công của Nga trong vòng 24 giờ, theo trang The Kyiv Independent. Ukraine cũng tuyên bố đã bắn hạ 11 trong số 16 máy bay không người lái (UAV) Shahed do Iran sản xuất được Nga triển khai vào cuối ngày 17.3. Ngoài ra, an ninh Ukraine tuyên bố phá hủy 10 xe tăng và xe bọc thép chở quân của Nga tại Donetsk trong đêm 17.3.
Về phía Nga, TASS dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Igor Konashenkov ngày 18.3 cho biết lực lượng phòng không đã ngăn chặn 15 quả rốc két, bắn rơi 9 UAV của Ukraine trong 24 giờ. Ông nói Nga đã tấn công 89 đơn vị pháo binh của Ukraine tại nhiều khu vực, tiêu diệt 120 binh sĩ đối phương tại Donetsk, 60 người khác tại Kupiansk (tỉnh Kharkiv), 50 binh sĩ tại phía nam Donetsk và Zaporizhzhia.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 387 có diễn biến gì nóng?
Ukraine và Nga không bình luận về thiệt hại mà bên kia tuyên bố.
Nga tăng hình phạt với hành vi phỉ báng binh sĩ
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18.3 thông qua việc sửa đổi luật cấm phỉ báng binh sĩ tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine, theo đài RT. Luật được các nghị sĩ thông qua trong tháng này đưa ra hình phạt đối với người phỉ báng, tuyên truyền thông tin sai lệch về thành viên các lực lượng vũ trang Nga. Tuy nhiên, sửa đổi mới sẽ mở rộng phạm vi với cả lực lượng tình nguyện hỗ trợ quân đội Nga.
Người có hành vi phỉ báng có thể bị phạt từ 100.000 rúp đến 1,5 triệu rúp (30 triệu - 459 triệu đồng), hoặc phạt tù lên đến 7 năm (tăng thêm 2 năm so với mức cũ) và cấm tranh cử các chức vụ trong chính quyền. Người lan truyền thông tin giả mạo về lực lượng tình nguyện tham gia chiến dịch đặc biệt có thể bị phạt 15 năm tù, theo TASS.
Nga nói lệnh bắt Tổng thống Putin của tòa quốc tế vô nghĩa về pháp lý
Công ty quân sự tư nhân Wagner là một trong những lực lượng tình nguyện của Nga tham gia chiến dịch tại Ukraine. Lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin đã vận động bảo vệ các tay súng của ông trước hành vi mà ông gọi là tuyên truyền thông tin sai lệch. Tuy nhiên, ông cho rằng luật này không nên được sử dụng để bảo vệ các chỉ huy quân sự cấp cao, nhằm không ngăn cản những chỉ trích mang tính xây dựng giúp họ "làm việc có trách nhiệm" hơn.
Trong ngày 18.3, ông Prigozhin thông báo kế hoạch tuyển thêm 30.000 thành viên tính đến giữa tháng 5. CNN dẫn lời vị này cho biết Wagner đang tuyển 500 - 800 người mỗi ngày, có khi lên đến 1.200 người mỗi ngày.
Ông Putin bất ngờ đến Crimea
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Crimea trong ngày 18.3, đúng dịp 9 năm Nga sáp nhập bán đảo này.
Theo đài RT, nhà lãnh đạo tham quan trường học của trẻ em và khảo sát công trình xây dựng công viên lịch sử và khảo cổ Chersonesos.
Ông Mikhail Razvozhayev, tỉnh trưởng Sevastopol, cho biết chính quyền thành phố sự kiến khánh thành trường nghệ thuật cho trẻ em trong ngày 18.3 và đã chuẩn bị mọi thứ cho cuộc gọi video với tổng thống nhưng ông Putin bất ngờ xuất hiện. "Cuối cùng, tổng thống đích thân đến nơi bằng xe hơi. Ông ấy là người cầm lái", ông Razvozhayev nói.
Lần gần nhất Tổng thống Putin đến Crimea là vào tháng 7.2020. Khi đó, ông dự lễ đặt ky của nhiều tàu chiến tại xưởng đóng tàu Zaliv tại thành phố Kerch. Hồi tháng 12 năm ngoái, nhà lãnh đạo đến cầu Crimea nối miền nam Nga với bán đảo Crimea, trong lúc cây cầu được sửa chữa sau vụ nổ vào tháng 10 cùng năm.
Tổng thống Erdogan Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn hồ sơ xin gia nhập NATO của Phần Lan
Nga lên án "lệnh bắt Tổng thống Putin"
Điện Kremlin ngày 18.3 tuyên bố Moscow không công nhận thẩm quyền của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) và cho rằng lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin mà tòa này mới ban hành là vô hiệu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói các quyết định của ICC "hoàn toàn không có ý nghĩa" đối với Nga. Trong khi đó, Chủ tịch Duma Quốc gia (hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin nói động thái này là bằng chứng về "sự cuồng loạn" của phương Tây.
Trong lệnh bắt giữ được công bố hôm 17.3, ICC cáo buộc ông Putin phạm tội ác chiến tranh vì trục xuất bất hợp pháp hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine. Động thái của ICC sẽ buộc 123 quốc gia thành viên của tòa phải bắt giữ ông Putin nếu ông đặt chân lên lãnh thổ của họ, và chuyển nhà lãnh đạo tới The Hague (Hà Lan) để xét xử.
Nga nói Ba Lan, Slovakia chuyển MiG-29 cho Ukraine để thải vũ khí cũ
Nga nói "sẵn sàng giải quyết vấn đề Ukraine"
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 18.3 nói Moscow sẵn sàng lắng nghe những đề xuất nghiêm túc nhằm giải quyết khủng hoảng Ukraine nhưng sẽ không chấp nhận những tối hậu thư, theo TASS.
Bà Zakharova cho rằng "công thức hòa bình" của Ukraine, trong đó yêu cầu Nga rút khỏi các vùng Donetsk, Luhansk, Kherson, Zaporizhzhia, Crimea, bồi thường chiến sự, nhận tội tại tòa quốc tế là "xa rời thực tế". "Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sẵn sàng lắng nghe những đề xuất thật sự nghiêm túc từ phương Tây và Ukraine về việc tìm giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, nhưng chúng tôi sẽ không chấp nhận những tối hậu thư", bà Zakharova nói.
Người phát ngôn lặp lại quan điểm của Nga để đạt hòa bình là các bên ngừng cung cấp vũ khí, lính đánh thuê cho Ukraine, ngừng hoạt động quân sự, Ukraine khôi phục vị thế trung lập, chấp nhận tình hình mới trên thực địa, phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, tôn trọng quyền của người nói tiếng Nga và cộng đồng thiểu số tại Ukraine.
Phản công lớn, Ukraine có thể chịu tổn thất lớn quá mức chịu đựng
Phía Ukraine chưa lập tức bình luận về những tuyên bố mới của bà Zakharova.
Thỏa thuận ngũ cốc được gia hạn
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 18.3 thông báo thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc đã được gia hạn. "Sau cuộc đàm phán với cả hai bên (Nga và Ukraine), chúng tôi đã đảm bảo việc gia hạn thỏa thuận, vốn dự kiến hết hiệu lực vào ngày 19.3", hãng thông tấn Anadolu dẫn lời Tổng thống Erdogan nói tại buổi lễ ở tỉnh Canakkale. Nhà lãnh đạo không nói rõ thỏa thuận được gia hạn bao lâu. Liên Hiệp Quốc cũng đưa ra thông báo tương tự và không nêu rõ thời gian được gia hạn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov thông báo trên Twitter rằng thỏa thuận "được gia hạn thêm 120 ngày". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cùng ngày nhấn mạnh rằng Nga chỉ đồng ý gia hạn thêm 60 ngày, theo TASS.
Trước đó, phía Ukraine không đồng ý và nói điều khoản ban đầu quy định thời hạn gia hạn tối thiểu là 120 ngày.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen được gia hạn
Thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc làm trung gian, được ký kết vào tháng 7.2022 với thời hạn 120 ngày và đã được gia hạn một lần (120 ngày) vào tháng 11.2022. Theo thỏa thuận, các bên đảm bảo Ukraine được xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng Odessa, Chornomorsk và Yuzhne của Ukraine ở biển Đen. Một trung tâm điều phối hỗn hợp được thiết lập ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để kiểm tra các tàu nhằm ngăn vận chuyển vũ khí. Phía Nga cho biết nước này và Liên Hiệp Quốc cũng ký biên bản ghi nhớ ràng buộc các tổ chức quốc tế dỡ bỏ giới hạn trong việc xuất khẩu phân bón và nông sản của Nga. Moscow cho rằng nội dung này đã không được thực hiện trong khi phương Tây nhấn mạnh không cấm Nga xuất khẩu phân bón và nông sản.
Ukraine là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới và thỏa thuận đã giúp giảm nhẹ cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới sau khi xung đột bùng phát. Theo Tổng thống Erdogan, nhờ thỏa thuận, 25 triệu tấn lương thực của Ukraine đã được phân phối ra thị trường thế giới.
'Bệnh viện xe buýt' nỗ lực cứu thương binh Ukraine
Bình luận (0)