Chiến sự ngày 398: Thông tin mâu thuẫn về tình hình ở Bakhmut

Khánh An
Khánh An
29/03/2023 05:40 GMT+7

Nga cho biết đang tiến quân ở Bakhmut, trong khi phía Ukraine nêu mục tiêu là khiến đối phương mệt mỏi và tổn thất nặng nề tại thành phố này.

Chiến sự ngày 397: Nga tiến lên ở Bakhmut, Anh nói Nga tổn thất nhiều xe tăng - Ảnh 1.

Bakhmut bị tàn phá nặng nề giữa giao tranh khốc liệt ở miền đông Ukraine

REUTERS

Hãng Reuters ngày 28.3 dẫn lời ông Denis Pushilin, lãnh đạo lực lượng thân Nga tại Donetsk, nói rằng phía Nga đang tiến lên tại Bakhmut, bất chấp sự kháng cự của Ukraine.

Theo đó, phần lớn lực lượng Ukraine đã buộc phải rút khỏi nhà máy kim loại AZOM ở bờ tây của sông Bakhmutka, trong khi lính đánh thuê Wagner đang dẫn đầu lực lượng tấn công tại thành phố này.

Xem nhanh: Ngày 397 chiến dịch, xe tăng, thiết giáp Đức, Anh đến Ukraine; Nga sẽ kiệt sức ở Bakhmut?

Tuyên bố của ông Pushilin trái ngược với phía Ukraine và phương Tây. Tổng tư lệnh Ukraine Valery Zaluzhniy cuối tuần qua nói rằng tình hình tại Bakhmut đang ổn định dần, trong khi Bộ Quốc phòng Anh đánh giá cuộc tấn công của Nga đã chững lại do tổn thất lớn.

Chỉ huy các lực lượng trên bộ Ukraine Oleksandr Syrskyi ngày 28.3 tuyên bố mục tiêu chính của Ukraine tại thành phố miền đông Bakhmut là gây thiệt hại lớn nhất cho lực lượng Nga.

Trong đoạn video quay cảnh phát biểu trước các binh sĩ, ông Syrskyi cho biết Nga vẫn tiếp tục tập trung vào Bakhmut sau nhiều tháng giao tranh. Tuy nhiên, ông nói rằng việc gây tổn thất cho Nga sẽ tạo điều kiện cần thiết để giành lại các vùng lãnh thổ.

Hôm 27.3, ông Syrskyi cũng nói việc phòng thủ Bakhmut là điều cần thiết về mặt quân sự. Theo Reuters, tuyên bố của vị tư lệnh nhấn mạnh ý định quyết bảo vệ Bakhmut của Ukraine thay vì rút lui để hạn chế thương vong.

Nhóm Wagner nói hơn 5.000 tù nhân được Nga ân xá sau khi chiến đấu ở Ukraine

Nga tổn thất nhiều thiết giáp?

Trong báo cáo tình báo ngày 28.3, Bộ Quốc phòng Anh cho rằng lực lượng Nga chỉ "tiến triển rìa" trong nỗ lực bao vây Avdiivka ở Donetsk trong vài ngày qua, nhưng tổn thất nhiều xe tăng và xe bọc thép.

Trung đoàn xe tăng số 10 của Nga tham gia chiến dịch tại Avdiivka đã gặp nhiều vấn đề về tính kỷ luật và tinh thần, và "dường như tổn thất tỷ lệ lớn các xe tăng", theo Reuters dẫn báo cáo.

Trong một dấu hiệu khác về áp lực mà Moscow đang đối diện, Nga cho biết lần đầu tiên bắn rơi bom dẫn đường thông minh GLSDB của Ukraine do Mỹ cung cấp.

Ngoài ra, lực lương Ukraine cho biết đã đẩy lùi 62 đợt tấn công của Nga dọc tiền tuyến phía đông. Nga chưa bình luận về những thông tin trên.

Ukraine đặt mục tiêu khiến quân đội Nga cạn kiệt ở Bakhmut

Tổng thống Ukraine đến Sumy

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 28.3 đến thăm 2 thành phố phía bắc và các chiến hào gần tiền tuyến.

Hình ảnh từ văn phòng của ông đưa ra cho thấy nhà lãnh đạo đến Sumy, tỉnh thứ 6 ông đến trong tuần qua, giữa dự báo về đợt phản công lớn của Ukraine.

Chiến sự ngày 397: Nga tiến lên ở Bakhmut, Anh nói Nga tổn thất nhiều xe tăng - Ảnh 3.

Tổng thống Zelensky thăm 1 cứ điểm của lực lượng biên phòng tại tỉnh Sumy hôm 28.3

REUTERS

Tổng thống Zelensky đã đi bộ với những tư lệnh biên phòng ở một chiến hào sâu tại địa điểm chưa được tiết lộ, được các binh sĩ sẵn sàng chiến đấu cảnh giới sát sao.

Ông cũng đến các thị trấn Okhtyrka và Trostianets, nơi đã đẩy lùi lực lượng Nga khoảng 1 tháng sau khi Moscow tiến hành chiến dịch vào tháng 2.2022.

Bộ trưởng Nga nêu mối đe dọa chính

Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov ngày 28.3 cho rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng chủ chốt của Nga là mối đe dọa nghiêm trọng, theo Reuters.

Trong phát biểu của mình, ông Shulginov không nhắc trực tiếp đến Ukraine nhưng Nga đã nhiều lần tuyên bố ngăn chặn nhiều cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine trong những tháng gần đây tại những vùng cách xa biên giới hai nước.

Ukraine nói máy bay mới của Nga mang lại ưu thế trên không

Ukraine không công khai thừa nhận thực hiện các cuộc tấn công bằng UAV trong lãnh thổ Nga, nhưng các quan chức cấp cao của Kyiv từng tỏ ra hoan nghênh sau các cuộc tấn công như thế.

"Mối đe dọa chính hiện tại là hành động can thiệp trái phép bằng cách sử dụng UAV", ông Shulginov nói về an ninh của các cơ sở năng lượng Nga tại một hội nghị bàn tròn. Ông cho biết đang phối hợp với Bộ Quốc phòng và Cơ quan An ninh liên bang (FSB) về vấn đề này.

Hôm 26.3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã ngăn chặn một cuộc tấn công bằng UAV tại thị trấn Kireyevsk, cách Moscow 220 km về phía nam. Nga cũng cáo buộc Ukraine tấn công các căn cứ quân sự sâu trong lãnh thổ Nga vào tháng 12.2022, gồm căn cứ có máy bay ném bom chiến lược gần thành phố Saratov ở miền nam.

Trong khi đó, Nga cũng đã thực hiện nhiều đợt tấn công bằng tên lửa và UAV nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine từ tháng 10 năm ngoái.

Belarus lên tiếng về vũ khí hạt nhân Nga

Bộ Ngoại giao Belarus ngày 28.3 nói rằng Belarus không còn cách nào khác ngoài việc tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Nga do áp lực "chưa từng có" của phương Tây. Cơ quan này khẳng định việc triển khai loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này không vi phạm các thỏa thuận quốc tế, theo AFP.

"Belarus buộc phải thực hiện các hành động đáp trả để tăng cường khả năng an ninh và quốc phòng của chính mình", Bộ Ngoại giao Belarus tuyên bố.

Bộ Ngoại giao Belarus còn cho rằng Minsk đã phải chịu áp lực kinh tế và chính trị "chưa từng có" từ Mỹ và đồng minh của Mỹ.

Mỹ 'ăn miếng trả miếng' với Nga về dữ liệu hạt nhân

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya hôm 27.3 tuyên bố sẵn sàng cho cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus. Trước đó, đại diện của Mỹ về các vấn đề chính trị đặc biệt tại Liên Hiệp Quốc Robert Wood cho biết Hội đồng Bảo an sẽ họp về động thái của Nga.

Trong khi đó, đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 27.3 chỉ trích Washington "đạo đức giả" khi chỉ trích Moscow trong khi vẫn đang triển khai vũ khí hạt nhân tại các nước khác, theo đài RT.

"Chúng tôi đã nhiều lần chứng minh với thế giới rằng những tiêu chuẩn kép trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính quyền chỉ xin chuyển một thông điệp đến mọi người: Mỹ được phép làm mọi thứ trong khi phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Nga, không được làm gì cả", ông Antonov nói.

HĐBA bác đề nghị điều tra vụ Nord Stream

Đề nghị của Nga kêu gọi điều tra độc lập vụ nổ đường ống khí đốt Nord Stream đã không được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 27.3.

Reuters đưa tin chỉ có Nga, Trung Quốc và Brazil ủng hộ trong khi 12 thành viên còn lại bỏ phiếu trắng. Nghị quyết chỉ được thông qua nếu nhận được ít nhất 9 phiếu thuận và không có sự phủ quyết nào từ 5 thành viên thường trực là Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc.

Trung Quốc được lợi ra sao khi phương Tây cấm vận Nga?

Nga tố cáo Mỹ và phương Tây có liên quan vụ nổ nhưng Washington bác bỏ mọi sự liên quan. Mỹ, NATO và các nước tham gia điều tra gồm Đức, Thụy Điển, Đan Mạch cho rằng vụ nổ là hành động phá hoại. Tuy nhiên, hầu hết các nước bỏ phiếu trắng ngày 27.3 giải thích rằng các cuộc điều tra của các nước cần kết thúc trước khi cân nhắc tính cần thiết của bất kỳ hành động nào từ Liên Hiệp Quốc.

Phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin ngày 28.3 nói Nga sẽ tiếp tục kêu gọi một cuộc điều tra công bằng của quốc tế nhằm tìm ra thủ phạm. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nỗ lực của Nga là lựa chọn ý nghĩa để tìm ra sự thật.

Ukraine nhận xe tăng hạng nặng

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov ngày 27.3 cảm ơn Anh sau khi Kyiv nhận được xe tăng Challenger 2 của London. Hiện chưa rõ Ukraine đã nhận được bao nhiêu chiếc nhưng Anh cam kết sẽ cung cấp 14 chiếc.

Xe tăng M1 Abrams 'đời đầu' của Mỹ có đủ sức đương đầu xe tăng Nga?

Bộ Quốc phòng Đức thông báo cũng đã chuyển 18 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine cùng 40 xe chiến đấu bộ binh Marder. 

Trong ngày 28.3, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu thông báo Paris sẽ tăng gấp đôi số lượng đạn pháo 155 mm cho Ukraine từ tháng này lên 2.000 quả mỗi tháng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.