Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov ngày 27.3 thông báo đã nhận được những chiếc xe tăng Challenger 2 đầu tiên do Anh cung cấp, theo AFP.
"Một năm trước, không ai có thể tưởng tượng rằng các đối tác của chúng tôi lại ủng hộ mạnh mẽ đến vậy", ông Reznikov viết trên Facebook và gọi những xe tăng Challenger 2 là tác phẩm nghệ thuật quân sự.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu chiếc được đưa đến nhưng Anh đã cam kết sẽ gửi 14 chiếc Challenger 2 cho Ukraine. Chính phủ Anh cùng ngày thông báo các binh sĩ Ukraine đã hoàn tất khóa huấn luyện tại Anh để sử dụng xe tăng và sẵn sàng ra tiền tuyến.
Quân đội Ukraine đăng lên Twitter bức ảnh lực lượng này nhận được xe chiến đấu bộ binh Stryker và xe chở quân bọc thép Cougar của Mỹ, xe tăng Challenger của Anh và xe chiến đấu bộ binh Marder của Đức.
Ukraine nhận xe tăng Anh, Đức trước cuộc phản công lớn
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo đã chuyển xe tăng Leopard 2 đến Ukraine. Đức đã cam kết sẽ trao 18 chiếc xe tăng loại này cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết toàn bộ 18 chiếc Leopard 2 đã được đưa đến tay Ukraine. Ngoài ra, Reuters dẫn nguồn tin an ninh tiết lộ Đức cũng gửi 40 xe Marder và 2 phương tiện hỗ trợ thu hồi bọc thép. Ngoài ra, Bồ Đào Nha cũng đã chuyển 3 chiếc xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.
Số vũ khí được chuyển đến giữa lúc Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc phản công quy mô lớn. Trong khi đó, tình hình giao tranh vẫn diễn ra trên nhiều mặt trận, đặc biệt là tại miền đông. Mặt khác, nhà chức trách Ukraine ngày 27.3 thông báo lực lượng phòng không bắn rơi một số máy bay không người lái của Nga tại Kyiv và mảnh vỡ rơi xuống gây cháy một tòa nhà không có người ở, theo Reuters.
Trong một diễn biến khác, đề nghị của Nga kêu gọi điều tra độc lập vụ nổ đường ống khí đốt Nord Stream đã không được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 27.3.
Xem nhanh: Ngày 396 chiến dịch, Ukraine nói Bakhmut "cần thiết về quân sự", Nga xác nhận mất tàu đổ bộ
Reuters đưa tin chỉ có Nga, Trung Quốc và Brazil ủng hộ trong khi 12 thành viên còn lại bỏ phiếu trắng. Nghị quyết chỉ được thông qua nếu nhận được ít nhất 9 phiếu thuận và không có sự phủ quyết nào từ 5 thành viên thường trực là Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc.
Nga tố cáo Mỹ và phương Tây đứng sau vụ nổ nhưng Washington bác bỏ mọi sự liên quan. Mỹ, NATO và các nước tham gia điều tra gồm Đức, Thụy Điển, Đan Mạch cho rằng vụ nổ là hành động phá hoại. Tuy nhiên, hầu hết các nước bỏ phiếu trắng ngày 27.3 giải thích rằng các cuộc điều tra của các nước cần kết thúc trước khi cân nhắc tính cần thiết của bất kỳ hành động nào từ Liên Hiệp Quốc.
Bình luận (0)