Chiến sự ngày 397: Tổng thống Ukraine ra tiền tuyến, quan chức Nga đe dọa Mỹ

28/03/2023 04:45 GMT+7

Tổng thống Zelensky đến tiền tuyến ở miền nam Ukraine sau khi ghé thăm Bakhmut và Kherson tuần trước, giữa lúc giới chức Nga lên tiếng bảo vệ kế hoạch hạt nhân ở Belarus cũng như đe dọa phương Tây.

Tổng thống Zelensky đến tiền tuyến, gặp lãnh đạo IAEA

Suspilne, đài truyền hình nhà nước của Ukraine, đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 27.3 đã đến thăm các địa điểm ở tiền tuyến tại tỉnh Zaporizhzhia thuộc miền nam Ukraine. Dẫn thông tin từ văn phòng tổng thống, Suspilne cho biết ông Zelensky “đã đến thăm các địa điểm tuyến đầu tại Zaporizhzhia, tìm hiểu về tình hình hoạt động và trao phần thưởng cho quân đội”.

Chiến sự ngày 396: Tổng thống Ukraine ra tiền tuyến, quan chức Nga đe dọa Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Zelensky gặp quân nhân Ukraine tại tỉnh Zaporizhzhia ngày 27.3

REUTERS

Zaporizhzhia là một trong 4 tỉnh của Ukraine mà Nga chiếm đóng một phần, cũng như đơn phương tuyên bố sáp nhập vào năm ngoái. Bản thân ông Zelensky đã đăng lên kênh Telegram của mình một đoạn video quay cảnh ông gặp gỡ những người lính ở đây.

Xem nhanh: Ngày 396 chiến dịch, Ukraine nói Bakhmut "cần thiết về quân sự", Nga xác nhận mất tàu đổ bộ

Cũng tại Zaporizhzhia hôm 27.3, ông Zelensky đã gặp người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Rafael Grossi. Zaporizhzhia là nơi có nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, nơi mà lực lượng Nga chiếm đóng gần như ngay từ đầu cuộc chiến.

Hai bên đã có một "cuộc trao đổi sâu sắc" về việc bảo vệ nhà máy và nhân viên ở đây, theo Reuters. Đồng thời, ông Grossi cũng nhắc lại cam kết hỗ trợ đầy đủ của IAEA đối với các cơ sở hạt nhân của Ukraine.

Quan chức Nga đe dọa Mỹ

Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo chính phủ Nga Rossiyskaya Gazeta, được công bố ngày 27.3, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev nói rằng các nước NATO là một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Chiến sự ngày 396: Tổng thống Ukraine ra tiền tuyến, quan chức Nga đe dọa Mỹ - Ảnh 2.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev

REUTERS

"Trên thực tế, các nước NATO là một bên trong cuộc xung đột. Họ biến Ukraine thành một doanh trại quân đội lớn. Họ gửi vũ khí và đạn dược cho quân đội Ukraine, cung cấp thông tin tình báo cho họ", tờ Rossiyskaya Gazeta dẫn lời ông Patrushev. NATO và Ukraine vẫn chưa lên tiếng trước cáo buộc này.

NATO chỉ trích phát ngôn của Tổng thống Putin về triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus

Ông Patrushev, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng cảnh báo rằng Nga có vũ khí để tiêu diệt bất kỳ kẻ thù nào, kể cả Mỹ, nếu sự tồn tại của chính họ bị đe dọa, cáo buộc Washington đánh giá thấp sức mạnh hạt nhân của Moscow.

"Các chính trị gia Mỹ mắc kẹt trong chính tuyên truyền của họ vẫn tự tin rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột trực tiếp với Nga, Mỹ có khả năng tiến hành một cuộc tấn công tên lửa phòng ngừa, sau đó Nga sẽ không còn khả năng đáp trả. Đây là sự thiển cận ngu xuẩn và rất nguy hiểm", ông Patrushev nói với báo Rossiiskaya Gazeta.

Ông nói: "Nga kiên nhẫn và không đe dọa bất kỳ ai bằng lợi thế quân sự của mình. Nhưng Nga có những vũ khí hiện đại độc nhất vô nhị có khả năng tiêu diệt bất kỳ kẻ thù nào, kể cả Mỹ, trong trường hợp có mối đe dọa đối với sự tồn vong của mình".

Những lời lẽ của ông Patrushev, xuất hiện giữa cuộc khẩu chiến về kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus, làm dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc đối đầu hạt nhân giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, viễn cảnh mà Moscow nói họ không muốn xảy ra. Mỹ chưa lập tức bình luận về phát biểu của quan chức Nga.

Ngoại trưởng Mỹ: Ukraine có thể tính đến giải pháp ngoại giao để kết thúc xung đột

Thủ tướng Nga ca ngợi quan hệ với Belarus

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 27.3 cho biết Nga và Belarus sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và có khả năng xử lý những thách thức nghiêm trọng nhất, theo hãng tin TASS. Phát biểu được đưa ra sau khi Tổng thống Putin cho biết Nga sắp hoàn thành việc xây dựng cơ sở chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

Chiến sự ngày 396: Tổng thống Ukraine ra tiền tuyến, quan chức Nga đe dọa Mỹ - Ảnh 3.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin

TASS

"Cùng nhau, chúng ta mạnh mẽ hơn và có khả năng xử lý những thách thức khó khăn nhất và đạt được các mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra trong nhiều lĩnh vực, từ đảm bảo an ninh đến cải thiện phúc lợi của người dân. Và tất nhiên, cả việc chống lại áp lực từ bên ngoài", ông Mishustin phát biểu trong một hội nghị ở Moscow.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định phản ứng của phương Tây sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus. "Đương nhiên là những phản ứng kiểu như vậy không thể làm lung lay kế hoạch của Nga. Tổng thống [Putin] đã giải thích mọi thứ trong phát biểu của mình… và không có gì để nói thêm", hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Peskov nói với các phóng viên.

Tướng Ukraine: Giữ Bakhmut là ‘cần thiết về mặt quân sự’

Các nước phương Tây tiếp tục đưa ra phản ứng về kế hoạch hạt nhân của Nga ở Belarus. Trong khi khẳng định đây là yếu tố dẫn đến leo thang xuất phát từ Nga, Ba Lan nói phương Tây cần bình tĩnh nhưng kiên quyết, không để bị Nga đe dọa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho rằng tuyên bố của ông Putin là "vô trách nhiệm" và là hành động "leo thang".

Ukraine tính toán chiến lược ở miền đông

Theo Reuters, Tư lệnh Lục quân Ukraine Oleksandr Syrsky ngày 27.3 cho biết quân đội nước này đang tiếp tục đẩy lùi các cuộc tấn công dữ dội của Nga tại Bakhmut thuộc vùng Donetsk và việc bảo vệ thành phố này là "chuyện cần thiết" đối với quân đội Ukraine.

Quân đội Ukraine cho ông Syrsky đã thăm tiền tuyến phía đông đất nước để giải quyết "các vấn đề khó khăn ngăn cản việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chiến đấu" và đưa ra "các quyết định hành quân nhằm tăng cường khả năng của chúng tôi trong việc ngăn chặn và gây thiệt hại cho đối phương".

Tổng tư lệnh Ukraine công bố video bắn tên lửa đánh chìm tàu đổ bộ Nga

"Giai đoạn khốc liệt nhất của trận chiến giành quyền kiểm soát Bakhmut vẫn tiếp tục. Tình hình liên tục khó khăn. Đối phương chịu tổn thất đáng kể về nhân lực, vũ khí và trang thiết bị quân sự nhưng vẫn tiếp tục tiến hành các hành động tấn công", ông Syrsky nói.

Cùng lúc, Ukraine đã ban hành lệnh cấm đi vào thành phố Avdiivka đối với lực lượng phi quân sự, mô tả nơi này là vùng đất hoang tàn "hậu tận thế". Ông Syrsky cho biết Kyiv đang lên kế hoạch cho bước đi tiếp theo sau khi Moscow dường như chuyển trọng tâm từ Bakhmut, nơi Nga đã không chiếm được sau nửa năm giao tranh đẫm máu, sang Avdiivka.

Ngoài ra, ít nhất hai người đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào thành phố Sloviansk ở miền đông Ukraine hôm 27.3. Ông Pavlo Kyrylenko, thống đốc khu vực, cho biết vụ tấn công khiến 29 người khác bị thương, trong khi một số tòa nhà cao tầng và văn phòng cũng bị hư hại hoặc phá hủy. Moscow vốn phủ nhận việc tấn công các mục tiêu dân sự.

Hungary phê chuẩn Phần Lan gia nhập NATO

Quốc hội Hungary ngày 27.3 đã thông qua dự luật cho phép Phần Lan gia nhập NATO, đưa quốc gia Bắc Âu này tiến một bước gần hơn để trở thành thành viên đầy đủ của liên minh quân sự phương Tây, theo The Guardian.

Các nhà lập pháp Hungary đã thông qua dự luật với 182 thuận và chỉ 6 phiếu chống mà không có phiếu trắng nào, kết thúc nhiều tháng đảng Fidesz trì hoãn vấn đề này.

Hết lệnh cấm doping, vận động viên Nga vẫn không được thi đấu vì xung đột Ukraine

Với sự chấp thuận của Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nước duy nhất trong số 30 thành viên của NATO chưa phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan.

Dự luật về việc gia nhập NATO của Thụy Điển vẫn đang mắc kẹt tại quốc hội ở cả Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.