Chiến sự ngày 478: Tổng thống Putin nói Ukraine không có cơ hội thành công

17/06/2023 05:02 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Ukraine đã thiệt hại nặng nề trong cuộc phản công và nếu có nhận thêm chiến đấu cơ F-16 thì cũng sẽ bị bắn cháy.

Tuyên bố được Tổng thống Vladimir Putin đưa ra trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg ngày 16.6. Đài RT dẫn lời ông Putin cho biết Ukraine đã mất hơn 600 xe thiết giáp, gồm 186 xe tăng, trong cuộc phản công. Nhà lãnh đạo nói rằng tỷ lệ thiệt hại của Nga chỉ bằng 1/10 của Ukraine.

Ông cho rằng Ukraine đã phải triển khai lực lượng dự bị chiến lược nhưng không đạt được mục tiêu nào. Việc tổn thất vũ khí nhanh khiến kho vũ khí của Ukraine sẽ sớm cạn kiệt và nước này sẽ phụ thuộc vào nguồn cung của nước ngoài.

Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 477, phản công Ukraine trước thách thức lớn, tướng lĩnh Mỹ nói gì?

"Xe tăng của phương Tây đang bị đốt cháy. Nhiều xe tăng bị phá hủy, gồm Leopard. Các máy bay F-16 cũng sẽ bị cháy, chắc chắn là vậy. Nhưng nếu chúng ở bên ngoài Ukraine và được sử dụng trong xung đột, chúng ta sẽ phải xác định cách thức và vị trí có thể tấn công những vũ khí đó. Có một mối đe dọa nghiêm trọng rằng NATO bị kéo sâu vào cuộc xung đột vũ trang này", ông Putin nói.

Chiến sự ngày 478: Tổng thống Putin nói Ukraine không có cơ hội thành công - Ảnh 1.

Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại St. Petersburg ngày 16.6

AFP

"Tôi nghĩ rằng lực lượng vũ trang Ukraine không có cơ hội nào ở đây (tỉnh Zaporizhzhia) cũng như những hướng khác. Tôi không nghi ngờ về việc đó. Ở một số nơi, các đơn vị của họ đang tiến đến tuyến phòng thủ thứ nhất, nhưng ở những nơi khác, họ đang thất bại", nhà lãnh đạo Nga phát biểu.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga nói đã đẩy lùi 10 cuộc tấn công của Ukraine tại hai khu vực tiền tuyến chỉ trong vòng 24 giờ và phía Kyiv tổn thất 400 binh sĩ.

Chiến sự ngày 478: Tổng thống Putin nói Ukraine không có cơ hội thành công - Ảnh 2.

Các xe tăng và thiết giáp phương Tây bị Nga phá hủy tại Donetsk

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Vũ khí hạt nhân, ngân sách quốc phòng

Trong bài phát biểu ngày 16.6, Tổng thống Putin nói quân đội Nga có thể phá hủy các khu vực trung tâm Kyiv nhưng đã chọn không làm vậy vì nhiều lý do. Ông không nêu cụ thể lý do là gì.

Mặt khác, ông tiết lộ vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga đã được chuyển đến Belarus. "Đây chỉ là phần đầu tiên. Nhưng đến cuối mùa hè, trước cuối năm nay, chúng ta sẽ hoàn tất việc này", ông Putin nói.

Nga điều chỉnh chiến thuật ra sao sau những bài học trong xung đột Ukraine?

Chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng trong trường hợp sự tồn vong của nước Nga bị đe dọa. Đến thời điểm hiện tại, việc sử dụng là chưa cần thiết.

Tổng thống Putin cũng trích dẫn nhiều số liệu và thông báo tình hình kinh tế Nga vẫn ổn định. Ông dự báo GDP của Nga sẽ tăng trưởng từ 1,5 - 2% trong năm nay, với tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục và lạm phát thấp so với năm ngoái.

"Hiện nay, tài chính công của chúng ta nói chung là cân bằng, chỉ có một khoản thâm hụt ngân sách liên bang nhỏ. Đương nhiên, cần có thêm tiền để tăng cường quốc phòng và an ninh, để mua vũ khí, chúng ta có nghĩa vụ phải làm điều này để bảo vệ chủ quyền của đất nước", nhà lãnh đạo phát biểu.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói không có dấu hiệu Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân và Washington không thấy lý do để điều chỉnh trạng thái lực lượng hạt nhân.

Kyiv bị tấn công giữa chuyến thăm của phái đoàn châu Phi

Ukraine tố cáo Nga đã thực hiện cuộc không kích lớn trong ngày 16.6 nhắm vào tỉnh Kyiv, khiến ít nhất 6 người bị thương. Một số nhà dân bị phá hủy và khoảng 13 ngôi nhà cần sửa chữa nhiều. Ukraine cho biết đã bắn hạ 12 tên lửa của Nga, gồm 6 tên lửa bội siêu thanh Kinzhal. Nga chưa lập tức bình luận về cáo buộc trên.

Phi công Ukraine có thể sớm bắt đầu huấn luyện với F-16

Cuộc tấn công diễn ra giữa lúc các nhà lãnh đạo châu Phi đến thăm Kyiv nhằm tìm kiếm giải pháp cho xung đột.

Sau cuộc gặp với các lãnh đạo châu Phi, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói việc đối thoại hòa bình với Nga chỉ có thể xảy ra sau khi Moscow rút toàn bộ lực lượng khỏi Ukraine, theo Reuters. Phái đoàn châu Phi sẽ sang St. Petersburg (Nga) để gặp Tổng thống Putin trong ngày 17.6.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky họp báo cùng Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Kyiv. Bên dưới là hình ảnh thiệt hại từ cuộc tấn công ngày 16.6 tại tỉnh Kyiv và các vụ nổ trên bầu trời thủ đô Ukraine

REUTERS

Ukraine gặp kháng cự quyết liệt

Quân đội Ukraine ngày 16.6 cho biết giao tranh ác liệt đang xảy ra tại mặt trận phía nam, với các đơn vị tên lửa và pháo binh Ukraine thực hiện gần 1.500 nhiệm vụ chỉ trong 24 giờ qua, theo CNN.

Tướng Oleksandr Tarnavskyi, một chỉ huy khu vực miền nam của quân đội Ukraine, nói rằng Nga đã chịu tổn thất lớn nhưng vẫn kháng cự mạnh, đôi khi đưa lực lượng dự bị từ tuyến phòng thủ thứ hai lên.

Người phát ngôn quân đội Ukraine Valerii Shershen cho biết các đơn vị Ukraine đang củng cố các bước tiến xung quanh các thành phố như Melitopol, Berdiansk và Mariupol, ba mục tiêu chính của họ trong cuộc tấn công ở phía nam. Tuy nhiên, ông ước tính Ukraine chỉ tiến thêm được chưa đến 1 km.

Nga xem xét dự luật cho phép người bị kết án nhập ngũ để chiến đấu ở Ukraine

Thứ trưởng Quốc phòng Hanna Maliar của Ukraine cũng nói khu vực chiến sự mạnh nhất không còn là Bakhmut nữa mà đã chuyển sang miền nam, đặc biệt là hướng Berdiansk và Mariupol.

"Quân địch đã xây dựng các công sự kỹ thuật, làm phức tạp bước tiến của chúng tôi và mỗi mét đất đều rất khó giành được", ông Shershen nói.

Chiến sự ngày 478: Tổng thống Putin nói Ukraine không có cơ hội thành công - Ảnh 4.

Quân nhân Ukraine sửa chữa xe chiến đấu bộ binh BMP-2 của Nga bị chiếm giữ tại Donetsk

REUTERS

Ở miền đông, ông Shershen cho biết các đơn vị Ukraine đang bảo vệ thị trấn tiền tuyến Avdiivka ở khu vực Donetsk, nơi lực lượng Nga đã cố gắng bao vây trong nhiều tháng.

Quân đội Ukraine cho biết các lực lượng của Kyiv đã đạt được một số thành công hạn chế ở những nơi khác trong khu vực Donetsk và không để mất vị trí nào. Các quan chức Ukraine cũng nói quân đội đã đạt được một số tiến bộ xung quanh thị trấn Vuhledar và thành phố Bakhmut.

Cùng ngày, tướng Oleksandr Syrskyi, chỉ huy Lực lượng trên bộ của Ukraine, tỏ ra lạc quan về bước tiến của Ukraine ở xung quanh Bakhmut. Ông cho biết các lực lượng chính quy của Nga, hiện đã thay thế nhóm quân sự tư nhân Wagner trong thành phố, đã không tạo được mức độ chiến đấu tương tự. Tuy nhiên, ông thừa nhận tình hình miền đông đang căng thẳng và Nga đang đưa những sư đoàn tốt nhất đến Bakhmut, với sự yểm trợ của pháo binh và máy bay.

Ukraine sẽ nhận thêm 14 xe tăng Leopard 2?

Đức gửi tên lửa cho Ukraine, Canada điều xe tăng đến sát Nga

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 16.6 thông báo nước này sẽ gửi ngay cho Ukraine 64 tên lửa đất đối không dùng cho hệ thống phòng không Patriot, theo CNN. Ông Pistorius nói đây là quyết định rất quan trọng nhằm hỗ trợ Ukraine đảm bảo an toàn không phận, nhất là trong giai đoạn đặc biệt này của xung đột.

Cũng trong ngày 16.6, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand thông báo sẽ củng cố lực lượng NATO tại Latvia bằng cách triển khai 15 xe tăng Leopard 2A4M. Lực lượng này sẽ được triển khai trước mùa thu. Hiện có 800 binh sĩ Canada tại Latvia, quốc gia NATO giáp với Nga.

Mặt khác, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 16.6 công bố khoản viện trợ nhân đạo 205 triệu USD cho Ukraine nhằm giải quyết tình trạng thiếu lương thực, nước uống và các nhu cầu khác. Theo AFP, số viện trợ sẽ được phân phối thông qua các tổ chức phi chính phủ tại khu vực.

Thử thách then chốt cho cuộc phản công của Ukraine

NATO không thông qua kế hoạch phòng thủ chung

Trong cuộc họp ngày 16.6, các bộ trưởng quốc phòng NATO đã không đạt được thỏa thuận về các kế hoạch mới liên quan cách liên minh sẽ phản ứng trước một cuộc tấn công của Nga.

Đây là lần đầu tiên kế hoạch này được xem xét từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao tiết lộ Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn việc thông qua kế hoạch vì từ ngữ của các vị trí địa lý, bao gồm Đảo Síp. Nhà ngoại giao nói thêm rằng các bên vẫn còn cơ hội để tìm giải pháp trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào giữa tháng 7 tại Vilnius (Lithuania). 

Phái đoàn ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại NATO cho biết sẽ là sai lầm nếu bình luận về một tài liệu bí mật của NATO, đồng thời nói thêm rằng "quá trình tham vấn và đánh giá thông thường giữa các đồng minh vẫn đang tiếp tục".

Việc NATO soạn thảo kế hoạch đáp trả phản ánh một sự thay đổi nền tảng trong NATO. Trong nhiều thập niên qua, NATO cho rằng không cần thiết phải có các kế hoạch phòng thủ quy mô lớn khi liên minh này chỉ tham gia các cuộc xung đột nhỏ hơn tại Afghanistan và Iraq, đồng thời cảm thấy nước Nga thời hậu Liên Xô không còn là mối đe dọa hiện hữu.

Anh công bố máy bay không người lái mới cho Ukraine

Tuy nhiên, với cuộc xung đột bùng nổ tại Ukraine, NATO giờ cảnh báo rằng phải có kế hoạch sẵn sàng để đề phòng một cuộc xung đột với đối thủ ngang hàng như Nga.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.