Chiến sự ngày 575: Nhiệm vụ khó khăn của ông Zelensky ở Mỹ

22/09/2023 06:00 GMT+7

Lần thứ hai nhà lãnh đạo Ukraine đến Mỹ từ khi chiến sự xảy ra, sự ủng hộ của Washington dành cho Kyiv vẫn còn nhưng những hoài nghi cũng tăng lên đáng kể so với chuyến đi cách đây 9 tháng.

Reuters cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp các nhà lập pháp Mỹ tại Điện Capitol ở Washington DC hôm 21.9, trước khi đến Lầu Năm Góc gặp giới lãnh đạo quân sự Mỹ cũng như đến Nhà Trắng hội đàm với Tổng thống Joe Biden.

Trong khi ông Biden và hầu hết các lãnh đạo quốc hội vẫn ủng hộ việc hỗ trợ Ukraine trong chiến sự với Nga và đảng Dân chủ vẫn kiểm soát Thượng viện Mỹ, ông Zelensky phải đối mặt với một đám đông cứng rắn hơn so với khi ông đến Washington DC hồi tháng 12 năm ngoái.

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 574, Ba Lan ngừng chuyển vũ khí; Ukraine đánh nhóm Wagner tận châu Phi?

Giữa lúc chiến dịch phản công của Ukraine tiến triển chậm hơn kỳ vọng, ngày càng có nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đặt câu hỏi về hàng tỉ USD mà Washington đã chi cho Kyiv thông qua các gói viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo, và rằng liệu Mỹ có nên tiếp tục ủng hộ Ukraine như vậy hay không.

Chiến sự ngày 575: Nhiệm vụ khó khăn của ông Zelensky ở Mỹ - Ảnh 1.

Tổng thống Zelensky và các lãnh đạo Thượng viện Mỹ ngày 21.9

REUTERS

"Chúng tôi đã có cuộc đối thoại tuyệt vời", ông Zelensky nói với các phóng viên tại Điện Capitol sau cuộc gặp kín với toàn thể các thượng nghị sĩ Mỹ, theo Reuters. Theo Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer, tổng thống Ukraine đã nói rằng: "Nếu chúng tôi không nhận được viện trợ, chúng tôi sẽ thua trong cuộc chiến".

Các quan chức chính quyền Tổng thống Biden đã gặp giới lập pháp Mỹ vào tối 20.9 để thúc đẩy việc thông qua gói viện trợ mới trị giá 24 tỉ USD cho Ukraine, nói rằng nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin giành quyền kiểm soát Ukraine và kéo quân đến sát biên giới NATO, Mỹ sẽ phải trả giá đắt hơn rất nhiều.

Song một số đảng viên Cộng hòa không bị thuyết phục bởi lập luận đó. Thượng nghị sĩ JD Vance cho rằng Mỹ "đang được yêu cầu tài trợ cho một cuộc xung đột vô thời hạn với nguồn lực không giới hạn". "Đủ là đủ", ông viết trên mạng xã hội X.

Tổng thống Mỹ, Ukraine kêu gọi ủng hộ tại Liên Hiệp Quốc

Hạ tầng điện của Ukraine bị tấn công

Giới chức Ukraine ngày 21.9 cho biết Nga đã thực hiện cuộc tấn công lớn nhất trong nhiều tuần qua nhằm vào Kyiv và các khu vực khác, làm bị thương ít nhất 18 người và gây hư hại cho hạ tầng năng lượng. Theo quân đội Ukraine, Nga đã phóng tổng cộng 43 tên lửa hành trình và lực lượng của Kyiv đã bắn hạ 36 trong số đó, Reuters đưa tin.

Năm tỉnh ở phía tây, trung tâm và phía đông Ukraine đã báo cáo tình trạng mất điện cục bộ, gợi lại ký ức về chiến dịch không kích của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine trong mùa đông năm ngoái. Đây là lần đầu tiên trong 6 tháng lưới điện của Ukraine bị tấn công.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng cuộc tấn công của họ nhằm vào các cơ sở công nghiệp quân sự, các cơ sở tình báo vô tuyến và các trung tâm huấn luyện của các nhóm phá hoại. Theo tuyên bố, Nga đã đánh trúng tất cả các mục tiêu.

Bulgaria phát hiện UAV nghi có liên quan đến xung đột Nga-Ukraine

Ukraine phá căn cứ Nga tại Crimea?

Bộ Quốc phòng Nga ngày 21.9 thông báo các hệ thống phòng không đã ngăn chặn cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine trong đêm. Tại Crimea, Nga bắn hạ 19 chiếc UAV. Ba chiếc UAV khác bị bắn rơi tại 3 tỉnh Kursk, Belgorod và Oryol của Nga, theo Sputnik.

Reuters dẫn một nguồn tin tình báo Ukraine tiết lộ lực lượng an ninh và hải quân nước này đã tấn công căn cứ không quân Saky tại Crimea trong đêm, gây thiệt hại nghiêm trọng. UAV và tên lửa hành trình Neptune được sử dụng trong vụ tấn công này. Quân đội Ukraine sau đó xác nhận đã tấn công căn cứ Saky, theo Reuters.

Song ông Oleg Kryuchkov, cố vấn của ông Sergei Aksyonov, người đứng đầu chính quyền do Nga bổ nhiệm tại Crimea, cùng ngày viết trên Telegram rằng lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ tất cả tên lửa hướng đến căn cứ Saky.

Ba Lan ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine giữa căng thẳng ngũ cốc

Ukraine thúc đẩy giải pháp ngoại giao với Ba Lan, Slovakia về ngũ cốc

Kyiv ngày 21.9 đã đồng ý kiểm soát bằng giấy phép đối với việc xuất khẩu ngũ cốc sang Slovakia và thúc đẩy một thỏa thuận với Ba Lan nhằm chấm dứt lệnh cấm của các nước láng giềng đối với các sản phẩm mà Ukraine buộc phải xuất khẩu bằng đường bộ từ khi chiến sự nổ ra.

The Reuters, Bộ Nông nghiệp Slovakia cho biết họ đã đồng ý với Ukraine về việc thiết lập hệ thống cấp phép mua bán ngũ cốc. Một khi được thiết lập, hệ thống này sẽ cho phép dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu 4 sản phẩm của Ukraine vào Slovakia. Bộ Nông nghiệp Slovakia cũng tiết lộ Ukraine đã đồng ý hủy bỏ khiếu nại ở WTO.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ba Lan, Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine đã đồng ý tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp ngũ cốc vì lợi ích của cả hai nước. Căng thẳng đã dâng cao sau khi Ba Lan (cũng như Slovakia và Hungary) tuần trước quyết định tiếp tục thực thi lệnh cấm mua bán ngũ cốc Ukraine.

Một ngày trước, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố nước này sẽ không tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kyiv nữa để tập trung nâng cấp kho vũ khí của chính mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.