Không quân Ukraine hôm nay 13.7 tuyên bố đã bắn hạ tất cả 20 máy bay không người lái (UAV) Shahed-136/131 do lực lượng Nga phóng trong những giờ đầu cùng ngày, theo trang The Kyiv Independent.
Cũng theo Không quân Ukraine, Không quân Nga còn sử dụng hai tên lửa hành trình Kalibr và một tên lửa đạn đạo Iskander-M để tấn công Ukraine. Quân đội Ukraine đã phá hủy tên lửa Kalibr trong khi hậu quả từ vụ phóng Iskander-M đang được làm rõ.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 504 có diễn biến gì nóng?
Quân đội Nga đã tiến hành các cuộc không kích mới từ thành phố Kursk và Primorsko-Akhtarsk của Nga cũng như bán đảo Crimea, theo Không quân Ukraine.
Trong số UAV nói trên có 12 chiếc được phóng nhắm vào thủ đô Kyiv, nhưng tất cả đã bị phá hủy. Tuy nhiên, các mảnh vỡ từ UAV bị bắn rơi đã gây ra hỏa hoạn ở Kyiv và một thi thể đã được tìm thấy, theo Reuters dẫn lời Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga.
Xem thêm: Mỹ có phản ứng mới về vụ UAV tấn công Moscow, gửi thêm vũ khí cho Ukraine
Nga tuyên bố đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của Ukraine
Trong khi đó, phát ngôn viên Vadim Astafyev của Nhóm Tác chiến miền nam thuộc Nga hôm nay 13.7 nói rằng các đơn vị của nhóm này đã đẩy lùi 8 cuộc tấn công từ các đội tấn công của Ukraine ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), thuộc miền đông Ukraine, theo Hãng tin TASS.
Trận phản công thảm họa khiến Ukraine tổn thất nặng xe tăng, xe bọc thép do phương Tây viện trợ
Cùng ngày, quyền Tỉnh trưởng Yevgeny Balitsky của tỉnh Zaporizhzhia thuộc miền nam Ukraine nói rằng các lực lượng Nga đã đẩy lùi nỗ lực của Ukraine nhằm phá vỡ các tuyến phòng thủ trong tỉnh.
Ngoài ra, các lực lượng Nga đã ngăn chặn hai nỗ lực vượt sông Dnepr của lực lượng Ukraine ở tỉnh Kherson, cũng thuộc miền nam Ukraine, tiêu diệt 3 tàu Ukraine và hơn 60 chiến binh cùng hai khẩu pháo M777, theo TASS hôm nay dẫn lời một phát ngôn viên của cơ quan khẩn cấp khu vực.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Kyiv đối với tuyên bố trên của phía Nga, trong bối cảnh quân đội Ukraine đang tiến hành cuộc phản công được cho là chủ yếu tập trung ở miền đông và nam.
Xem thêm: Ukraine đẩy lùi cuộc tấn công mới của Nga, NATO ra cam kết mới
Nga xem F-16 được gửi cho Ukraine là mối đe dọa "hạt nhân"
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm nay 13.7 tuyên bố Nga sẽ coi các máy bay chiến đấu F-16 mà phương Tây sẽ gửi tới Ukraine là mối đe dọa "hạt nhân" vì chúng có khả năng mang vũ khí nguyên tử, theo Hãng tin TASS.
"Nga không thể bỏ qua khả năng mang vũ khí hạt nhân của những chiếc máy bay này… Chúng tôi sẽ coi thực tế rằng lực lượng vũ trang Ukraine có những hệ thống như thế là mối đe dọa từ phương Tây trong lĩnh vực hạt nhân", ông Lavrov nói.
Nhà Trắng nói Ukraine sẽ nhận được chiến đấu cơ F-16 từ đồng minh châu Âu
Những máy bay chiến đấu hiện đại F-16 là một trong các yêu cầu của Kyiv về viện trợ quân sự từ các đồng minh phương Tây để đối phó Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania ngày 12.7, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho hay "sẽ có việc chuyển giao F-16 [cho Ukraine], có thể là từ các nước châu Âu có nguồn cung F-16 dư thừa", theo Đài RT.
Trước đó một ngày, Đan Mạch thông báo rằng một "liên minh", bao gồm Hà Lan, Bỉ, Canada, Luxembourg, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Anh và Thụy Điển, sẽ bắt đầu huấn luyện phi công Ukraine lái F-16 vào tháng 8.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba hồi đầu tuần này đã gợi ý rằng những chiếc F-16 đầu tiên do người Ukraine lái có thể bay trên bầu trời "vào cuối quý đầu tiên của năm tới".
Xem thêm: Bộ trưởng Không quân Mỹ đánh giá tác động của F-16 trong xung đột Nga-Ukraine
Tổng thống Biden: NATO sẽ không dao động trong cam kết với Ukraine
Tổng thống Biden nhắn gửi Tổng thống Putin?
AFP hôm nay đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã sử dụng một bài phát biểu trước đám đông ở thủ đô Vilnius của Lithuania ngày 12.7 để cam kết rằng phương Tây sẽ không bỏ rơi Ukraine trong cuộc chiến chống lại chiến dịch quân sự của Nga.
"Chúng tôi sẽ không dao động", Tổng thống Biden phát biểu trong sân của Đại học Vilnius, nói rằng Tổng thống Vladimir Putin đã mong đợi NATO "tan vỡ", nhưng "ông ấy đã nghĩ sai".
Ngoài ra, Nhà Trắng cho hay trong cuộc gặp ngày 12.7 ở Vilnius, Tổng thống Biden và Tổng thống Zelensky đã thảo luận "việc Mỹ sẵn sàng bắt đầu đàm phán với Ukraine về các cam kết an ninh song phương", theo Reuters.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ "cuộc phản công đang diễn ra" của Ukraine chống lại lực lượng Nga. Cuộc thảo luận của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ukraine diễn ra khi NATO kết thúc hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, diễn ra từ ngày 11-12.7.
Ukraine là chủ đề chính của điện đàm bí mật giữa lãnh đạo tình báo Nga và giám đốc CIA
Xem thêm: Tổng thống Mỹ, Ukraine hội đàm, Nga ra tuyên bố rắn
Lãnh đạo tình báo Nga nói về cuộc điện đàm với giám đốc CIA
Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga Sergei Naryshkin ngày 12.7 cho hay ông và Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns đã thảo luận về "những việc cần làm với Ukraine" trong một cuộc điện đàm vào cuối tháng trước, theo Hãng tin TASS.
Trước đó, tờ The New York Times và báo The Wall Street Journal ngày 30.6 đưa tin ông Burns đã gọi điện cho ông Naryshkin để đảm bảo với Điện Kremlin rằng Mỹ không có vai trò gì trong cuộc nổi loạn ngắn của ông Yevgeny Prigozhin, trùm lực lượng quân sự tư nhân Wagner của Nga.
Ông Naryshkin cho hay ông Burns đã nêu ra "sự kiện ngày 24.6", khi lực lượng lính đánh thuê Wagner kiểm soát một thành phố miền nam nước Nga và tiến về Moscow trước khi đạt được thỏa thuận với Điện Kremlin để chấm dứt cuộc nổi loạn đó.
Tuy nhiên, ông Naryshkin nói rằng trong phần lớn thời gian của cuộc điện đàm, kéo dài khoảng một giờ, "chúng tôi đã cân nhắc và thảo luận về những việc cần làm với Ukraine".
Ukraine đạt được những gì từ hội nghị thượng đỉnh NATO?
CIA từ chối bình luận về phát ngôn như trên của ông Naryshkin.
Xem thêm: Giám đốc CIA bí mật đến Ukraine bàn kế hoạch kết thúc chiến sự
Bình luận (0)