Chiến sự tối 25.4: Bảo tàng Kupiansk trúng tên lửa; Ukraine tấn công vào Kherson

25/04/2023 18:30 GMT+7

Một bảo tàng tại thành phố Kupiansk ở miền đông Ukraine bị tấn công trong ngày 25.4, trong khi lực lượng Kyiv bắt đầu tấn công Kherson thường xuyên hơn giữa tin đồn sắp phản công quy mô lớn.

Trang The Kyiv Independent ngày 25.4 dẫn lời tỉnh trưởng Oleh Syniehubov của tỉnh Kharkiv, vùng đông bắc Ukraine, cho biết Nga đã phóng tên lửa từ hệ thống S-300 vào thành phố Kupiansk vào sáng cùng ngày. Quả tên lửa rơi xuống một bảo tàng lịch sử khiến một người thiệt mạng và ít nhất 10 người khác bị thương. 

Hiện trường vụ tấn công tại Kupiansk ngày 25.4

REUTERS

S-300 là hệ thống tên lửa phòng không của Nga nhưng Ukraine cho rằng đã được sử dụng cho các cuộc tấn công trong thời gian qua.

Ít nhất 2 người khác bị mắc kẹt dưới đống đổ nát và chiến dịch cứu hộ đang diễn ra. Tổng thống Volodymyr Zelensky là người thông báo con số thương vong và lên án cuộc tấn công. 

Tại vùng Donetsk kế bên, các đợt tấn công của Nga trong 24 giờ qua khiến 2 người thiệt mạng và 13 người bị thương, theo thông báo vào sáng 25.4 của tỉnh trưởng Pavlo Kyrylenko.

Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 425 có diễn biến gì nóng?

Phía Nga vẫn chưa bình luận gì về các cáo buộc trên, nhưng trước nay đều phủ nhận việc tấn công nhằm vào dân thường.

Đài RT ngày 25.4 dẫn nguồn tin cho biết giới chức Nga đã tìm thấy 3 máy bay không người lái (UAV) do thám tại vùng Moscow, trong đó có một chiếc bay gần nơi một chiếc UAV cảm tử bị rơi ở huyện Bogorodsky miền đông Moscow ngày 24.4. Chiếc UAV đó là loại máy bay có cánh cố định, mang theo 17 kg chất nổ C4. Trong khi đó, 3 chiếc UAV kia là loại quadcopter (có 4 motor quay) nhỏ, không có dấu hiệu nhận diện và chưa rõ nguồn gốc.

Ukraine tấn công tại Kherson

Phó lãnh đạo chính quyền tỉnh Kherson của Ukraine Yuriy Sobolevskiy ngày 25.4 cho biết lực lượng nước này ở bờ tây (hữu ngạn) sông Dnipro thường xuyên đột kích sang bờ đông để đánh đuổi lực lượng Nga khỏi vị trí.

Nga kiểm soát thành phố Kherson của tỉnh cùng tên vào thời gian đầu chiến sự nhưng rút qua bờ đông từ tháng 11.2022 và thường nã pháo qua thành phố từ đó. Ông Sobolevskiy nói rằng các cuộc đột kích của Ukraine nhằm giảm năng lực chiến đấu của quân Nga và tự tin là sẽ đạt được thành công như cuối năm ngoái.

Ukraine có vũ khí nhưng chưa dùng được?

Ukraine đang chuẩn bị cho đợt phản công lớn với một trong số các mục tiêu là cắt đứt hành lang trên bộ giữa Nga và bán đảo Crimea. Việc giành lại toàn bộ Kherson là một bước quan trọng cho kế hoạch đó.

Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ tuần trước thông báo rằng các blogger quân sự Nga đã đăng tải các đoạn video giúp xác nhận sự hiện diện của lực lượng Ukraine tại bờ đông sông Dnipro. Ông Sobolevskiy không cung cấp thông tin gì thêm và nói rằng chiến dịch quân sự cần được giữ kín thông tin.

Mỹ dự tính khả năng Ukraine phản công không đạt kỳ vọng

Chính quyền Mỹ ngoài mặt vẫn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Ukraine về cả quân sự lẫn kinh tế "chừng nào còn cần thiết". Tuy nhiên bên trong, giới chức Washington lại lo ngại bị công kích từ cả hai phe "diều hâu" và "bồ câu" trong nước nếu cuộc phản công không mang lại kết quả như kỳ vọng, theo tờ Politico ngày 24.4.

Xe tăng Đức Leopard 2 đặt ra thách thức nào cho Ukraine?

Phe cứng rắn khi đó có thể sẽ nói rằng lẽ ra cuộc phản công của Ukraine đã thành công nếu chính quyền Mỹ chịu cung cấp mọi thứ Kyiv yêu cầu, gồm tên lửa tầm xa, chiến đấu cơ và cả các hệ thống phòng không. Ngược lại, bên "chủ hòa" sẽ cho rằng việc Ukraine chưa hoàn thành mục tiêu cho thấy họ không đủ khả năng đánh bật Nga ra khỏi lãnh thổ hoàn toàn.

Nga lạc quan về quan hệ với Trung Quốc

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 25.4 tuyên bố mối quan hệ giữa nước này và Trung Quốc là đôi bên cùng có lợi và có "tương lai tuyệt vời".

"Chúng ta có mối quan hệ hữu nghị, đặc biệt với Trung Quốc và như họ nói, mối quan hệ đối tác chiến lược. Vậy nên tôi tự tin rằng mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc có tương lai tuyệt vời", hãng TASS dẫn lời vị cựu tổng thống Nga phát biểu tại một sự kiện tại Moscow.

Chiến sự đến tối 25.4: Bảo tàng Kupiansk trúng tên lửa; Ukraine tấn công Kherson - Ảnh 3.

Ông Dmitry Medvedev phát biểu tại Moscow ngày 25.4

REUTERS

Ông Medvedev cũng đồng tình với phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng thế giới đang chứng kiến những thay đổi chưa từng có trong 100 năm qua. Ông Medvedev cũng nhắc lại việc Nga là nơi đầu tiên ông Tập đến thăm sau khi tái đắc cử. "Ông ấy nhất quán thi hành điều đã được đồng ý. Điều này đồng nghĩa rằng mối quan hệ song phương của chúng ta và toàn cầu đang bước sang trang mới", vị quan chức Nga nói.

Ukraine nói hệ thống phòng không Patriot 'tiên tiến nhất' bắt đầu trực chiến đối phó Nga

Mặt khác, ông chỉ trích sự không công bằng của phương Tây đối với Nga và thái độ không sẵn sàng xây dựng mối quan hệ đối tác bình đẳng. "Chúng ta thường yêu cầu các cựu đối tác, những người giờ mà ta thường gọi là đối thủ, nên lắng nghe những lo ngại an ninh của chúng ta, nổi lên từ sau sự sụp đổ của Liên Xô. Họ có nghe không? Không. Họ chỉ chế giễu chúng ta trong nhiều năm và tìm cách làm suy kiệt, bao vây chúng ta bằng các căn cứ quân sự", ông Medvedev nói.

Vị quan chức nhấn mạnh "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine là lời đáp trả đối với việc mở rộng không có điểm dừng của NATO. Ông cho biết ngành công nghiệp quốc phòng Nga vẫn đang đáp ứng đủ nhu cầu vũ khí của quân đội và tuyên bố sẽ hoàn thành mọi mục tiêu tại Ukraine dù nhiệm vụ này "hơi phức tạp" do phải đối đầu với cả NATO tại Ukraine.

Trong một diễn biến khác, quan chức Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Yermakov cho rằng nước này và Mỹ đang trên quỹ đạo đối đầu quân sự trực tiếp, làm gia tăng nguy cơ đối đầu hạt nhân.

Xe tăng T-90 Nga xuất hiện trên đất Mỹ, Lầu Năm Góc nói gì?

Nhà ngoại giao kêu gọi Mỹ cần lập tức có "những bước cụ thể để xuống thang và từ bỏ quỹ đạo thù địch nhằm phá hoại an ninh Nga" và không có cách khác để xoay chuyển xu hướng tiêu cực.

Trước đó, trong cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 24.4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo thế giới đang đối mặt giai đoạn nguy hiểm thậm chí có thể còn cao hơn giai đoạn Chiến tranh Lạnh, theo Reuters.

Đồng minh phản đối đề xuất của Mỹ về cấm xuất khẩu sang Nga

Tờ Financial Times ngày 25.4 trích đăng một số nội dung của bản thảo tuyên bố chung của các lãnh đạo nhóm G7, dự kiến công bố tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm tại Hiroshima (Nhật Bản) vào tháng 5. 

EU, Nhật Bản phản đối G7 cấm toàn bộ xuất khẩu sang Nga

Theo đó, các nhà lãnh đạo cam kết thay thế cơ chế cấm vận Nga theo khu vực hiện tại bằng một lệnh cấm toàn bộ việc xuất khẩu của G7 sang Nga, với chỉ một vài ngoại lệ gồm sản phẩm nông nghiệp, y tế và sản phẩm khác.

Tuy nhiên, đại diện của Nhật Bản và EU tuần trước cho rằng đề xuất của Mỹ là không khả thi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.