Chiến sự Ukraine chiều 13.5: Ông Zelensky 'sẵn sàng đàm phán' với ông Putin

13/05/2022 20:40 GMT+7

Tổng thống Zelensky đã tái đề nghị tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với người đồng cấp Nga, trong bình luận công khai đầy đủ nhất của nhà lãnh đạo Ukraine về triển vọng hòa đàm vài tuần tới.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 13.5 nói với kênh truyền hình RAI 1 của Ý rằng việc Nga rút quân khỏi Ukraine nên là điểm khởi đầu cho bất kỳ cuộc thảo luận nào giữa hai nhà lãnh đạo.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

reuters

"Với tư cách tổng thống, tôi sẵn sàng nói chuyện với (Tổng thống Nga Vladimir) Putin, nhưng chỉ với ông ấy mà thôi. Không cần bất kỳ trung gian của ông ấy. Và trong khuôn khổ đối thoại, không phải tối hậu thư", ông Zelensky nói.

Ukraine và Nga đã không tổ chức các cuộc hội đàm trực tiếp kể từ ngày 29.3. Hãng thông tấn Interfax dẫn lời trưởng đoàn đàm phán của Moscow, Vladimir Medinsky, cho biết các cuộc đàm phán hòa bình đang được tổ chức từ xa.

Ông Zelensky “sẵn sàng đàm phán” với ông Putin, không nhượng bộ lãnh thổ

Ông Zelensky cũng bác bỏ đề xuất rằng Ukraine nên nhượng bộ để đảm bảo một thỏa thuận hòa bình cho phép ông Putin giữ thể diện, đồng thời nói thêm rằng Ukraine sẽ không nhân nhượng đối với toàn vẹn lãnh thổ của mình.

"Ra khỏi lãnh thổ mà các vị đã chiếm đóng từ ngày 24.2. Đây là bước rõ ràng đầu tiên để nói về bất cứ điều gì", ông nói.

Nga chưa lập tức bình luận về những phát biểu này.

Tranh cãi xung quanh việc Phần Lan, Thụy Điển muốn gia nhập NATO

Sau khi Phần Lan, Thụy Điển thể hiện quyết tâm gia nhập NATO, ý kiến phản đối đã được đưa ra từ chính các thành viên của NATO như Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 13.5 tuyên bố không có khả năng nước này ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, lập luận những quốc gia Bắc Âu này là “nhà của nhiều tổ chức khủng bố”.

“Chúng tôi đang theo dõi các diễn biến liên quan Thụy Điển và Phần Lan, nhưng chúng tôi không có quan điểm tích cực”, Tổng thống Erdogan nói với giới phóng viên tại thành phố Istanbul, theo Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist (trái) và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde trong cuộc họp báo ở Stockholm.

epa

Trong khi đó, quốc hội Thụy Điển cùng ngày công bố đánh giá chính sách an ninh cho rằng việc nước này gia nhập NATO sẽ làm giảm nguy cơ xung đột ở Bắc Âu.

Tại Phần Lan, một ủy ban ứng phó khẩn cấp của chính phủ cho biết nước này đã sẵn sàng để đối phó nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt trong tương lai.

Xem thêm: Tổng thống Erdogan: Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO

Nga đe doạ trả đũa nếu Phần Lan gia nhập NATO

Đức cân nhắc cung cấp hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine

Đức đang xem xét cung cấp hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T SLM cho Ukraine, Reuters dẫn một nguồn tin an ninh cho biết hôm 13.5.

Nhật báo Bild của Đức trước đó đưa tin rằng hội đồng an ninh của nội các Đức đang thảo luận về vấn đề này và các hệ thống IRIS-T SLM, do nhà sản xuất vũ khí tư nhân Diehl Defense của Đức chế tạo, có thể được triển khai ở Ukraine từ tháng 11.

Theo Bild, Ukraine quan tâm đến việc nhận 10 hệ thống IRIS-T SLM, có thể được sản xuất trong vòng 3 đến 4 năm tới. Tờ báo cho biết hệ thống này có thể phóng tên lửa ở khoảng cách 40 km (25 dặm) để hạ máy bay chiến đấu, trực thăng hoặc tên lửa.

Tổng tham mưu trưởng Mỹ nói gì về hiệu quả vũ khí bội siêu thanh của Nga ở Ukraine?

Quá trình huấn luyện cho binh lính Ukraine có thể bắt đầu ngay sau khi chính phủ Đức phê duyệt kế hoạch, theo bản tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.