Chiến sự Ukraine ngày 609: Moscow nói ‘trị’ được tên lửa ATACMS; G7 sẽ cấm kim cương Nga

26/10/2023 04:38 GMT+7

TASS dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga thông báo lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ 2 tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất và viện trợ cho Ukraine.

Chiến sự Ukraine ngày 609: Moscow đã ‘trị được’ ATACMS, EU sẽ cấm kim cương Nga - Ảnh 1.

Nga nói đã đánh chặn được tên lửa chiến thuật tầm xa của Mỹ

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Nga đánh chặn ATACMS?

"Trong vòng 24 giờ qua, năng lực phòng không của Nga đã đánh chặn 2 tên lửa ATACMS (viết tắt từ Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân), một tên lửa đất đối không cải tiến để tấn công các mục tiêu trên bộ, 2 tên lửa chống bức xạ HARM và 2 tên lửa khai hỏa từ hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS)", theo Bộ Quốc phòng Nga hôm 25.10.

Thông tin trên đánh dấu lần đầu tiên phía Nga công bố bắn hạ tên lửa ATACMS kể từ khi Mỹ chuyển giao cho Ukraine.

Ukraine lo cạn tên lửa trước không quân Nga, Mỹ sẽ ‘độ chế’ tên lửa hỗ trợ

Lực lượng Nga cũng thông báo đẩy lùi các đợt tấn công của phía Ukraine ở Kupyansk, Krasny Liman, Zaporizhzhia, Kherson và gây tổn thất cho lực lượng Ukraine ở Donetsk.

Ukraine chưa bình luận về những thông tin trên. Tuy nhiên, Hãng tin AP cho biết Nga đã phóng gần 12 máy bay không người lái (UAV) Shahed về phía các mục tiêu Ukraine ở tỉnh Khmelnytskyi.

Trong quá trình Ukraine đánh chặn, những mảnh vỡ UAV rơi xuống làm hỏng đường dây điện gần nhà máy điện hạt nhân ở miền tây, khiến hàng trăm hộ gia đình mất điện. Nhà máy điện hạt nhân này nằm cách biên giới với Ba Lan khoảng 200 km về hướng đông.

Giới chức địa phương cũng cho hay, trong ngày thứ tư liên tiếp, lực lượng Nga đã dội bom vào vùng Khmelnytskyi, khiến 16 người bị thương.

Chiến sự Ukraine ngày 609: Moscow đã ‘trị được’ ATACMS, EU sẽ cấm kim cương Nga - Ảnh 2.

Lực lượng cứu hỏa dập lửa tại một trạm biến thế ở Kyiv trúng đòn tấn công của Nga tháng 10.2022

REUTERS

Tổng thống Ukraine đe dọa tấn công trả đũa Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 25.10 dọa sẽ giáng đòn trả đũa nếu Nga mở lại chiến dịch dội bom mùa đông từng phá hủy lưới điện quốc gia của Ukraine vào năm ngoái.

Mùa đông năm 2022, hàng triệu người dân Ukraine trải qua tình trạng mất điện vì cơ sở hạ tầng các công ty điện lực bị trúng các đợt tấn công của Nga.

"Năm nay, chúng tôi sẽ không chỉ phòng thủ, mà chúng tôi sẽ đáp trả", ông Zelensky viết trên tài khoản Telegram. Theo nhà lãnh đạo, phía Nga biết được điều đó và đã bắt đầu di chuyển lực lượng hải quân khỏi Crimea.

Đặc nhiệm Ukraine 3 lần thất bại khi tấn công thành phố có nhà máy hạt nhân

Nga chưa bình luận về thông tin trên, cũng như việc ông Zelensky nói rằng Hải quân Nga đang rút khỏi Crimea.

Cùng ngày, Bộ trưởng Các ngành công nghiệp chiến lược Oleksandr Kamyshin của Ukraine cho biết tính đến cuối năm nay, chính quyền Kyiv đặt mục tiêu sản xuất hàng chục ngàn UAV/tháng.

UAV hiện được cho đóng vai trò trung tâm trong cuộc xung đột kéo dài 20 tháng qua giữa Nga và Ukraine. Kyiv đang tập trung gia tăng sản lượng UAV nội địa, dù hiện vẫn phụ thuộc nặng nề vào các động cơ UAV được sản xuất ở nước ngoài.

Chiến sự Ukraine ngày 609: Moscow đã ‘trị được’ ATACMS, EU sẽ cấm kim cương Nga - Ảnh 3.

Tên lửa hạt nhân Nga trong cuộc duyệt binh ở Quảng trường Đỏ năm 2020

AFP/GETTY

Quốc hội Nga phê chuẩn rút khỏi hiệp ước cấm thử hạt nhân

Cũng trong ngày 25.10, lưỡng viện Quốc hội Nga đã thông qua dự luật rút nước này khỏi hiệp ước cấm thử hạt nhân. Tổng thống Nga Vladimir Putin ký phê chuẩn thành luật.

Trước đó, vào đầu tháng 10, phái bộ Nga tại Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBTO) ở Vienna (Áo) thông báo chính quyền Moscow rút lại việc phê chuẩn thỏa thuận sau khi Tổng thống Vladimir Putin không loại trừ khả năng thử vũ khí có liên quan vụ nổ hạt nhân đầu tiên trong hơn 3 thập niên.

Cụ thể, đại diện thường trực của Nga Mikhail Ulyanov tại các Tổ chức Quốc tế ở Vienna thông báo trên X (tên cũ Twitter) về quyết định trên của Moscow. "Mục đích của hành động này là nhằm đạt được vị thế cân bằng với Mỹ, nước đã ký vào hiệp ước nhưng đến nay vẫn chưa phê chuẩn", theo nhà ngoại giao Nga.

Nga thử tên lửa sau khi hủy bỏ phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân

Moscow đã phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBT) vào năm 2000. Tuy nhiên, đến nay hiệp ước vẫn chưa được thi hành cho đến khi được 8 nước cụ thể ký kết và phê chuẩn. Trung Quốc, Ai Cập, Iran và Mỹ đã ký nhưng chưa phê chuẩn. CHDCND Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan thậm chí chưa ký.

Bên cạnh đó, Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao tiết lộ nhóm G7 đã thông qua việc cấm vận kim cương Nga và dự kiến quyết định chính thức sẽ được công bố vào cuối tháng.

Việc cấm nhập khẩu kim cương Nga được đưa ra trong lúc Liên minh châu Âu đề xuất gói cấm vận thứ 12 nhằm vào chính quyền Moscow vì cuộc xung đột ở Ukraine.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.