Tờ The Guardian ngày 15.12 dẫn lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho hay Liên minh châu Âu (EU) chưa đạt đồng thuận về kế hoạch ngân sách, do Thủ tướng Hungary Viktor Orban phủ quyết khoản hỗ trợ 50 tỉ euro (gần 55 tỉ USD) cho Ukraine.
Sau phiên họp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU, ông Michel cho biết các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận lại về vấn đề này tại một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào đầu năm tới.
"Tôi cực kỳ tự tin và lạc quan rằng chúng tôi có thể thực hiện được lời hứa hỗ trợ Ukraine bằng các phương tiện tài chính", ông phát biểu và cho biết 26 trong số 27 nước thành viên đã đồng ý về kế hoạch ngân sách.
Điểm xung đột: Bom "ngu" Israel gây thương vong cao ở Gaza; EU có quyết định lịch sử vì Ukraine
Sau thông tin trên, Bộ Ngoại giao Ukraine ra thông cáo bày tỏ hy vọng rằng mọi quy trình pháp lý cần thiết sẽ hoàn tất trong tháng 1.2024 để nước này có thể sớm nhận viện trợ.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh nhà nước Hungary, Thủ tướng Orban liên hệ khoản viện trợ dự kiến cho Ukraine với hàng chục tỉ euro mà EU đã đóng băng đối với Hungary vì lo ngại về nguy cơ thụt lùi dân chủ và tham nhũng.
"Đây là cơ hội tuyệt vời để Hungary thể hiện rõ rằng nước này sẽ nhận được những gì mình xứng đáng. Chúng tôi muốn được đối xử công bằng và bây giờ có cơ hội tốt để chúng tôi có thể khẳng định điều này", Reuters dẫn lời ông phát biểu.
Về phía Nga, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hoan nghênh động thái của Hungary. "Hungary, trái với nhiều nước châu Âu, kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình, điều khiến chúng tôi ấn tượng", ông phát biểu.
Tuy nhiên, trước đó lãnh đạo các nước EU đã thảo luận việc để Ukraine và Moldova gia nhập. Ông Orban đồng ý rời phòng để các đại biểu khác có thể thông qua kế hoạch mà không vấp phải sự phủ quyết của Hungary.
EU đồng ý bắt đầu đàm phán tư cách thành viên với Ukraine
Ông Peskov chỉ trích động thái trên của EU và gọi đó "tuyệt đối là quyết định bị chính trị hóa", đồng thời nói rằng những thành viên mới như thế sẽ gây bất ổn cho EU.
Ukraine nhận thêm viện trợ
Trong một diễn biến khác, EU sẽ giải ngân thêm 1,5 tỉ euro cho Ukraine trong vài ngày tới theo các thỏa thuận đã đạt được trước đây, theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.
Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (World Bank) sẽ hỗ trợ tài chính thêm 1,34 tỉ USD cho Ukraine thông qua các khoản viện trợ và cho vay.
Khoản tài trợ này là một phần của Chương trình Chi tiêu công cho Năng lực hành chính (PEACE) ở Ukraine, nhằm mục đích hỗ trợ các khoản chi tiêu xã hội và nhân đạo của nước này.
Thành lập vào tháng 6.2022, quỹ PEACE được dùng để cung cấp hỗ trợ thanh toán lương hưu cho người già, trợ cấp cho những người phải di dời trong nước, tiền lương cho giáo viên và nhân viên dịch vụ khẩn cấp.
Những điểm nhấn trong cuộc ‘họp báo marathon’ của ông Putin
Tính đến ngày 14.12, Ngân hàng Thế giới đã tạo điều kiện tài trợ hơn 39 tỉ USD cho Ukraine, cùng với sự hỗ trợ từ các quốc gia khác.
Nga sẵn sàng đối thoại
Hãng TASS ngày 15.12 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay lãnh đạo nhiều nước phương Tây đã liên hệ về việc tổ chức các cuộc gặp với lãnh đạo Nga để thảo luận vấn đề Ukraine và an ninh châu Âu.
Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Belarus Sergei Aleinik, ông Lavrov nói rằng mình không muốn và cũng không có quyền nêu tên, nhưng nhiều nước đã vài lần liên lạc qua các kênh khác nhau, gửi tín hiệu về việc muốn đối thoại.
"Chúng tôi luôn sẵn sàng thảo luận các vấn đề này một cách nghiêm túc", theo Ngoại trưởng Lavrov.
Hãng RIA ngày 15.12 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Nga sẵn sàng đối thoại với Mỹ, nhưng với điều kiện chỉ tuân theo các điều khoản của Nga.
Ukraine đổ lỗi ‘kỳ vọng phi thực tế’ của Mỹ khiến phản công thất bại
Ông Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng làm việc với "bất kỳ ai nhận thấy cần phải tính đến những lo ngại của Nga".
Nga tuyên bố về hạt nhân
Hãng Reuters ngày 15.12 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố rằng nước này sẽ đáp trả tương xứng nếu Mỹ khôi phục các vụ thử hạt nhân.
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao nói rằng Nga không tìm cách gây ảnh hưởng cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Mỹ, đồng thời ít hy vọng về sự tan băng trong quan hệ song phương ngay cả trong trường hợp cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng.
Trước đó, hôm 2.11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành một luật vô hiệu hóa việc Nga phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện.
Mỹ đã ký hiệp ước cấm thử hạt nhân vào năm 1996, nhưng chưa phê chuẩn, trong khi Nga đã ký và phê chuẩn hiệp ước này. Tổng thống Putin từng nói rằng ông muốn Nga có cùng cấp độ về hiệp ước cấm thử hạt nhân như Mỹ.
Bình luận (0)