Thông tin trái chiều từ Nga, Ukraine
Theo RT, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Andrei Kartapolov khẳng định tình báo quân sự Ukraine đã được Nga thông báo 15 phút trước khi một máy bay vận tải quân sự đưa tù binh Ukraine đến nơi trao đổi trên biên giới hai nước.
Moscow cáo buộc Kyiv dùng 2 tên lửa bắn hạ chiếc Ilyushin Il-76 ở không phận Belgorod, giết chết toàn bộ 74 người trên máy bay, trong đó có 65 tù binh Ukraine chuẩn bị trao đổi với tù binh Nga.
Nga đã cảnh báo Ukraine trước khi máy bay chở tù binh bị bắn rơi
"Phía Ukraine chính thức nhận được cảnh báo, 15 phút trước khi máy bay tiến vào khu vực, và Tổng cục Tình báo quân đội Ukraine xác nhận đã nhận được thông tin", ông Kartapolov nói với các nghị sĩ Hạ viện Nga.
Tuy nhiên, phía Tổng cục Tình báo quân đội Ukraine bác bỏ thông tin trên từ Nga, và cáo buộc Moscow không cung cấp tin tức về chuyến bay.
Cụ thể, người phát ngôn Andriy Yusov của Tổng cục Tình báo quân đội Ukraine lặp lại với Đài phát thanh Radio Svoboda rằng Kyiv chưa hề nhận được yêu cầu bằng văn bản hoặc thông báo bằng miệng từ Nga, với nội dung không tổ chức cuộc tấn công vào không phận nơi máy bay rơi.
Ông Yusov bổ sung 2 máy bay vận tải quân sự khác của Nga là An-26 và An-72 cũng xuất hiện ở không phận Belgorod vào thời điểm đó.
Phiên họp ở HĐBA Liên Hiệp Quốc
Vào 5 giờ rạng sáng 26.1 (giờ Việt Nam), HĐBA Liên Hiệp Quốc theo yêu cầu của Nga tổ chức phiên họp về vụ máy bay rơi.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích Pháp đã bác yêu cầu của Moscow họp khẩn về vụ việc vào 1 giờ hôm 25.1 (giờ Việt Nam). Nhà ngoại giao cho rằng Pháp trên cương vị Chủ tịch luân phiên HĐBA đã tìm cách kéo dài thời gian để Ukraine kịp xoay xở và đưa ra phương án ứng phó, theo TASS.
Trạm khí đốt Nga bùng cháy, nghi bị UAV Ukraine tấn công
Đến chiều 25.1, Nga thông báo đã thu hồi 2 hộp đen trên chiếc máy bay xấu số và bắt đầu phân tích.
Cùng ngày, Ukraine cho hay sẽ yêu cầu Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế đến hiện trường máy bay rơi để điều tra.
Còn dư luận Ukraine cũng tỏ vẻ hoài nghi về khả năng máy bay chở theo tù binh Ukraine khi bị rơi.
Đức, Anh thảo luận phương án đổi tên lửa cho Ukraine?
Truyền thông Đức đưa tin Berlin đang thảo luận với London về khả năng đổi tên lửa hành trình cho Ukraine.
Ý tưởng trên xuất phát từ Anh, mà theo báo Handelsblatt được đề xuất cách đây vài tuần với nội dung London sẽ gửi tên lửa Storm Shadow cho Ukraine nếu Đức cung cấp cho Anh tên lửa Taurus.
Chính phủ Đức từ chối bình luận thông tin trên.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói rằng không biết về kế hoạch trên, nhưng lưu ý bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải xác định liệu nó có khả thi hay không.
Nguồn lực dần cạn kiệt cản trở khả năng phòng thủ của Ukraine
Đức là nhà viện trợ vũ khí lớn thứ hai cho Ukraine, nhưng đến nay vẫn từ chối chuyển giao tên lửa hành trình Taurus cho Kyiv vì lo ngại Ukraine có thể sử dụng dòng vũ khí này tấn công lãnh thổ Nga.
Với tầm bắn hơn 500 km, tên lửa Taurus vượt qua quãng đường xa hơn gần gấp đôi so với Storm Shadow là trên 250 km.
Anh đã viện trợ Storm Shadow cho Ukraine. Pháp cũng chuyển SCALP, phiên bản Storm Shadow của nước này, cho Kyiv.
Bình luận (0)