Theo Kyiv, Moscow không cung cấp bằng chứng nào chứng minh rằng 65 tù binh Ukraine đã có mặt trên chiếc máy bay vận tải quân sự bị rơi hôm 24.1 gần biên giới 2 nước, Reuters đưa tin.
Khi đó, Nga nói rằng chiếc máy bay đã bị Ukraine bắn rơi trên đường đến điểm trao đổi tù binh. Kyiv không xác nhận cũng không phủ nhận thông tin này.
Ủy ban điều tra Nga (RIC) tuần trước cho biết các bộ phận cơ thể đang được thu thập để xét nghiệm. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng ông không biết các hài cốt có được bàn giao cho Ukraine hay không.
RIC đã công bố đoạn phim được cho là từ hiện trường cho thấy 1 thi thể nằm trên cánh đồng đầy tuyết. Tuy nhiên, thời điểm đoạn video được ghi lại vẫn chưa được xác nhận.
Pháp xác nhận Ukraine đã bắn rơi máy bay chở tù binh
Tình hình chiến sự
Bộ Quốc phòng Nga hôm 30.1 cho biết các hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ 21 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine trên lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố đã giành quyền kiểm soát làng Tabaivka ở tỉnh Kharkiv (Ukraine), nhưng Kyiv đã phủ nhận thông tin này. Ông Volodymyr Fityo, người đứng đầu cơ quan truyền thông của lực lượng mặt đất Ukraine, cho biết: "Điều này không phù hợp với thực tế. Các trận chiến vẫn đang diễn ra gần địa phương này".
Trong khi đó, giới chức Kyiv hôm 30.1 nói rằng các cuộc tấn công xuyên đêm mới nhất của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự và năng lượng ở Ukraine đã khiến 2 người thiệt mạng, trong khi các cuộc pháo kích ở tiền tuyến khiến thêm 1 người chết, AFP đưa tin.
Kyiv cho biết lực lượng Nga đã phóng hai tên lửa và 35 UAV tấn công trên khắp Ukraine và 20 trong số này đã vượt qua các hệ thống phòng không.
Theo Không quân Ukraine, Nga đã điều khiển một số UAV tấn công dọc theo các tiền tuyến, cố gắng oanh tạc các cơ sở hạ tầng nhiên liệu và năng lượng. Ngoài ra, Moscow cũng bị cáo buộc nhắm mục tiêu vào các cơ sở dân sự gần chiến trường và gần biên giới 2 nước.
Trước tình hình trên, các quan chức ở Kyiv đã kêu gọi đồng minh phương Tây tăng cường khả năng phòng không cho Ukraine, và cho biết việc giành quyền kiểm soát không phận của đất nước là ưu tiên hàng đầu trong năm nay.
Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Nga đã bắn khoảng 330 tên lửa vào Ukraine và khoảng 600 máy bay không người lái tấn công chỉ trong tháng 1.
Ông nói: "Chúng ta phải đảm bảo quyền kiểm soát bầu trời của Ukraine, điều này cũng rất quan trọng để đảm bảo an ninh trên mặt đất, từ các vị trí tiền tuyến đến bệnh viện và trường học ở hậu phương".
Phía Nga chưa bình luận về các báo cáo từ Ukraine.
Quân đội Ukraine khi nào lại phản công lớn?
Ông Zelensky không bãi nhiệm Tổng tư lệnh Ukraine
Thông tin trên được ông Sergii Nykyforov, thư ký báo chí của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác nhận với Ukrinform hôm 30.1.
Phát biểu của ông Nykyforov đã đập tan các tin đồn được lan truyền trên ứng dụng nhắn tin Telegram hôm 29.1, với nội dung cho rằng Tổng thống Zelensky đã cách chức Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi.
Trước đó, ông Zaluzhnyi đã nhiều lần bất đồng quan điểm với ông Zelensky về cuộc xung đột Ukraine.
Ngoài ra, cũng có thông tin cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov bị bãi nhiệm. Tuy nhiên, Bộ này cũng lập tức bác bỏ tin đồn trên.
Mỹ lo Ukraine khó lập chiến lược mới vì chia rẽ Tổng thống - Tổng tư lệnh
EU cảnh báo an toàn của châu Âu nếu Nga thắng Ukraine
Ông Josep Borrell, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) hôm 30.1 nói rằng sự an toàn của châu Âu sẽ bị đe dọa nếu Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến ở Ukraine, tờ The Guardian đưa tin.
Trong một bài viết trên tạp chí L'Obs của Pháp, ông Borell nói: "Chúng tôi lại nghe thấy rằng Ukraine không thể giành chiến thắng và sự hỗ trợ của phương Tây sẽ không được duy trì. Và một lần nữa, những cám dỗ hòa giải lại nổi lên. Những ý tưởng này đã sai vào năm 2022 và vẫn sai cho đến ngày nay. Chúng ta không được để họ (Nga) định hình chính sách của mình đối với Ukraine.
"Chiến thắng của Ukraine trước sự chiến dịch quân sự của Nga là sự đảm bảo an ninh tốt nhất cho châu Âu", ông nói thêm.
Nguồn lực dần cạn kiệt cản trở khả năng phòng thủ của Ukraine
EU chưa thể thống nhất viện trợ cho Ukraine
Một quan chức cấp cao giấu tên của EU hôm 30.1 tiết lộ với Reuters rằng các cuộc đàm phán nội bộ về việc thống nhất viện trợ cho Ukraine vẫn còn "khó khăn", mặc dù Hungary đã ra tín hiệu sẵn sàng thỏa hiệp.
Theo kế hoạch, các lãnh đạo EU sẽ họp vào ngày 1.2 trong nỗ lực thống nhất duy trì mức viện trợ 50 tỉ euro (1,325 triệu tỉ đồng) cho Ukraine đến năm 2027, cũng như bổ sung quỹ quân sự để trang bị cho nước này trong cuộc chiến với Nga.
Hungary là 1 trong những quốc gia thân thiện với Nga nhất trong EU. Nước này đã từng chặn gói viện trợ và cũng lên tiếng phản đối việc bổ sung quỹ quân sự cho Ukraine.
Quan chức giấu tên cho biết khi EU gây áp lực buộc Thủ tướng Hungary Viktor Orban phải đồng ý, Budapest đã đặt ra những điều kiện mà không được các nước EU khác chấp nhận.
Bình luận (0)