Chiến sự Ukraine ngày 786: Kyiv bắn hạ oanh tạc cơ Nga bằng tên lửa S-200?

20/04/2024 04:24 GMT+7

Nga và Ukraine tuyên bố trái ngược về vụ một máy bay ném bom tầm xa chiến lược Tu-22M3 rơi trên lãnh thổ Nga, giữa lúc phương Tây đưa ra những cam kết mới trong việc hỗ trợ Kyiv.

Ukraine lần đầu bắn hạ Tu-22M3?

Nga cho biết một máy bay ném bom tầm xa chiến lược Tu-22M3 của nước này đã gặp sự cố và rơi sau một nhiệm vụ chiến đấu, nhưng Ukraine tuyên bố đã bắn hạ máy bay này.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 19.4 thông báo máy bay Tu-22M3 đã rơi xuống vùng Stavropol ở miền nam Nga trong lúc quay về căn cứ sau một nhiệm vụ chiến đấu. Theo thông báo, máy bay bị rơi do "trục trặc kỹ thuật".

Lãnh đạo EU phản pháo ông Trump về viện trợ cho Ukraine

Bốn thành viên phi hành đoàn thuộc lực lượng không quân Nga đã nhảy dù ra khỏi máy bay. Thống đốc Stavropol cho biết hai người đã được cứu, một người thiệt mạng và người thứ tư đang được tìm kiếm, theo Reuters.

Trong khi đó, trên trang mạng xã hội chính thức, quân đội Ukraine thông báo lực lượng không quân đã bắn rơi chiếc Tu-22M3 được Nga sử dụng để tấn công các thành phố của Ukraine. Đây là lần đầu tiên Kyiv tuyên bố bắn hạ loại máy bay này từ khi chiến sự nổ ra cách đây hơn 2 năm.

Máy bay ném bom tầm xa chiến lược Tu-22M3

Máy bay ném bom tầm xa chiến lược Tu-22M3

CHỤP MÀN HÌNH KYIV POST

Lực lượng không quân và cơ quan tình báo quân sự của Kyiv cho biết chiếc máy bay bị bắn hạ khi đang bay trong không phận Nga, cách biên giới Ukraine 300 km.

Một nguồn tin tình báo tiết lộ với Reuters rằng Kyiv đã sử dụng tên lửa phòng không S-200 đã được cải tiến để tấn công nhưng không cho biết tên lửa này được bắn từ đâu. S-200 là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa do Liên Xô chế tạo.

Đoạn video chưa được xác nhận trên mạng xã hội cho thấy một chiếc máy bay với phần đuôi bốc cháy lao xuống mặt đất.

Kyiv cho biết chiếc máy bay nói trên đã tham gia vào vụ tấn công làm thiệt mạng ít nhất 8 người ở tỉnh Dnipropetrovsk, miền trung Ukraine, vào đầu ngày 19.4. Nga chưa có phản ứng về cáo buộc này.

Những cam kết mới từ phương Tây

Ngày 19.4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các nước thành viên đã đồng ý cung cấp thêm hệ thống phòng không cho Ukraine sau những lời kêu gọi liên tục từ Kyiv.

"NATO đã vạch ra các khả năng hiện có trong liên minh và có những hệ thống có thể được cung cấp cho Ukraine. Vì vậy, tôi mong đợi những thông báo mới về năng lực phòng không cho Ukraine sẽ sớm được đưa ra", ông Stoltenberg nói sau cuộc hội đàm trực tuyến giữa các bộ trưởng quốc phòng NATO và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, theo AFP.

Hạ viện Mỹ đưa gói 95 tỉ USD ra bỏ phiếu để nối lại viện trợ cho Ukraine, Israel

Cùng ngày, các ngoại trưởng trong nhóm G7 cũng đưa ra cam kết "tăng cường khả năng phòng không của Ukraine" sau hội nghị trên đảo Capri của Ý.

Trong tuyên bố cuối cùng, các ngoại trưởng nói họ đang xem xét "tất cả các con đường có thể và các phương án khả thi" để sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để giúp đỡ Kyiv, trước hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G7 vào tháng 6.

Ông Zelensky thăm sở chỉ huy bảo vệ Chasiv Yar

Tổng thống Zelensky hôm 19.4 cho biết ông đã đến thăm một sở chỉ huy quân sự được quân đội Ukraine sử dụng để điều phối nỗ lực bảo vệ thành phố Chasiv Yar ở miền đông, nơi đang bị lực lượng Nga bao vây và tấn công dữ dội.

Theo nhà lãnh đạo, ông đã nói chuyện với các binh sĩ thuộc lữ đoàn cơ giới số 41 và khen thưởng họ. Ông Zelensky cũng cho biết ông đã đến thăm một trung đội y tế của lính dù và kiểm tra việc xây dựng công sự, Reuters đưa tin.

Không rõ sở chỉ huy nói trên gần Chasiv Yar đến mức nào. Thành phố có vị trí chiến lược, nằm trên vùng đất cao, có thể trở thành địa điểm diễn ra trận đánh quan trọng giữa Nga và Ukraine trong những tuần tới.

Tại sao Nga tập trung vào thị trấn Chasiv Yar của Ukraine?

Video về chuyến đi được ông Zelensky chia sẻ cho thấy biển báo chỉ dẫn lối vào thành phố Sloviansk, cách Chasiv Yar khoảng 30 km. Sloviansk gần đây đã chứng kiến những nỗ lực tiến quân mạnh mẽ của Nga.

Lời cảnh báo từ giám đốc CIA

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns hôm 18.4 cho biết Ukraine có thể thua trong xung đột với Nga vào cuối năm nay nếu không có thêm viện trợ từ Mỹ.

Phát biểu của ông Burns là một trong những cảnh báo thẳng thừng nhất từ trước đến nay của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về những rủi ro ở Ukraine, giữa lúc quốc hội ở Washington DC tranh luận về một gói viện trợ mới cho Kyiv.

Khi được hỏi về bình luận của ông Burn, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder ngày 18.4 cho biết Mỹ đang tập trung vào việc cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ mà Kyiv cần.

Ông Trump khiến EU khó chịu

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng sự tồn vong của Ukraine là điều quan trọng đối với Mỹ nhưng cũng đặt câu hỏi vì sao châu Âu không cung cấp viện trợ cho Kyiv nhiều như Washington.

"Vì sao châu Âu lại không trao thêm tiền để giúp Ukraine? Vì sao Mỹ chi vào chiến tranh Ukraine nhiều hơn châu Âu đến 100 tỉ USD", ông Trump chất vấn trên mạng xã hội Truth Social hôm 18.4.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 19.4 đã lên tiếng đáp trả cựu tổng thống Mỹ. Hãy phát biểu đúng sự thật. Các con số đã tự nói lên điều đó. Đóng góp của EU cho Ukraine: 143 tỉ euro (150 tỉ USD)", ông Michel viết trên mạng xã hội X, theo AFP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.