Chiến sự Ukraine ngày 840: Ukraine tuyên bố tập kích S-400 tại Crimea, Nga bác bỏ

Bảo Hoàng
Bảo Hoàng
13/06/2024 03:50 GMT+7

Quân đội Ukraine ngày 12.6 nói đã phá hủy khí tài của 3 tổ hợp phòng không S-300 và S-400 được Nga đặt tại bán đảo Crimea, song giới chức khu vực phủ nhận thông tin này.

Kỳ vọng của Ukraine tại hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ

Hàng chục lãnh đạo thế giới và các tổ chức quốc tế sẽ tập trung tại Thụy Sĩ vào cuối tuần này để thảo luận kế hoạch hòa bình tại Ukraine. Kyiv muốn xây dựng đồng thuận về giải pháp cho xung đột mà không cần đến sự tham gia của Moscow, song cũng muốn kêu gọi ủng hộ tại những vấn đề cụ thể.

Hãng AFP ngày 12.6 đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong một buổi phỏng vấn hồi tháng 5, đã đề cập 3 mối quan tâm chính sẽ được thảo luận tại hội nghị, như một phần trong kế hoạch 10 điểm của ông nhằm chấm dứt xung đột.

Điểm xung đột: Nga tập trận hạt nhân, đưa chiến hạm, tàu ngầm đến sát Mỹ

Trước tiên, ông Zelensky muốn hàng ngàn trẻ em trở lại Ukraine sau khi bị ép đến những lãnh thổ do Nga kiểm soát. Kế đến, ông muốn đảm bảo an ninh năng lượng và hạt nhân, sau khi quân đội Nga tập kích các cơ sở năng lực và giao tranh gần nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia. Cuối cùng, nhà lãnh đạo Ukraine muốn nước này có thể xuất khẩu ngũ cốc an toàn qua biển Đen.

Chiến sự Ukraine ngày 840: Ukraine tuyên bố tập kích S-400 tại Crimea, Nga bác bỏ- Ảnh 1.

Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 11.6 gặp các binh sĩ Ukraine tham gia huấn luyện tại Đức

REUTERS

Nga không tham dự hội nghị ở Thụy Sĩ. Điện Kremlin cho hay việc thảo luận phương án hòa bình mà không có Moscow, bên trực tiếp tham gia xung đột, là điều vô nghĩa.

Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis cho rằng Nga nên được tham gia thảo luận một số điểm. Ông Andriy Yermak, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine Zelensky, gợi ý rằng các đại diện của Nga có thể tham gia vào hội nghị lần hai, sau khi cuộc họp tuần này mang lại một số kết quả cụ thể, theo Kyiv Independent.

“Tại thượng đỉnh lần hai, chúng tôi sẽ làm việc với tất cả các bên muốn tham gia. Chúng tôi đang xem xét khả năng mời đại diện Nga trong hội nghị lần hai và cùng trình bày kế hoạch chung”, ông Yermak nói.

Nga dọa tấn công F-16 và căn cứ ngoài Ukraine

Ukraine nói tập kích 3 tổ hợp phòng không Nga tại Crimea

Quân đội Ukraine ngày 12.6 cho hay đã bắn trúng một hệ thống phòng không S-300 và 2 hệ thống S-400 tại làng Belbek và thành phố Sevastopol ở bán đảo Crimea. Kyiv cho hay vụ tấn công đã phá hủy 2 radar của tổ hợp phòng không Nga, radar còn lại đang chờ xác minh, Reuters đưa tin.

Trong khi đó, Thống đốc Sevastopol do Nga bổ nhiệm nói phòng không đã đánh chặn các tên lửa trong đêm và không có thiệt hại nào được ghi nhận.

Quân đội Ukraine nói đây là vụ tấn công Crimea thứ hai trong tuần này, sau đợt tập kích ngày 10.6. Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ năm 2014 và hiện coi đây là phần lãnh thổ không thể tách rời. Ukraine khẳng định sẽ đẩy lùi lực lượng Nga khỏi Crimea và các vùng lãnh thổ khác ở nước này mà Moscow đang kiểm soát.

Chiến sự Ukraine ngày 840: Ukraine tuyên bố tập kích S-400 tại Crimea, Nga bác bỏ- Ảnh 2.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga

TASS

Cùng ngày 12.6, Bộ Năng lượng Ukraine cho hay nước này dự kiến nhập khẩu lượng điện trong ngày lớn nhất từ trước đến nay, sau khi Nga tập kích hạ tầng năng lượng. Bộ này cho hay Ukraine nhập hơn 29.700 MWh điện trong ngày, vượt qua kỷ lục 28.000 MWh hồi đầu tháng.

Trong khi đó, quân đội Ukraine cho hay lực lượng Nga tập kích tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Ukraine, gây hỏa hoạn tại một cơ sở công nghiệp ở tỉnh Kiev và làm hư hại một số ngôi nhà. Phòng không Ukraine tuyên bố bắn hạ toàn bộ UAV và 5 trên 6 tên lửa.

Các mảnh vỡ rơi xuống một cơ sở công nghiệp ở tỉnh Kiev và gây hỏa hoạn. Giới chức địa phương điều hơn 30 thiết bị và 105 nhân sự tới khống chế ngọn lửa.

NATO hủy kế hoạch quỹ viện trợ quân sự 5 năm cho Ukraine?

Phương Tây công bố nhiều gói viện trợ cho Ukraine

Các quan chức Mỹ ngày 11.6 cho biết Washington sẽ chuyển giao hệ thống phòng không Patriot thứ hai cho Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt kế hoạch này. Trước đó, Lầu Năm Góc đã chuyển cho Kyiv số lượng tên lửa không xác định dành cho hệ thống này, theo Đài ABC News.

Tổng thống Zelensky hồi cuối tháng 5 kêu gọi được nhận thêm hệ thống Patriot, lập luận rằng chúng sẽ giúp Kyiv đẩy lùi các đợt tấn công của Nga, mà ông Zelensky nói Moscow thả 3.000 quả bom tại Ukraine mỗi tháng.

Chiến sự Ukraine ngày 840: Ukraine tuyên bố tập kích S-400 tại Crimea, Nga bác bỏ- Ảnh 3.

Binh sĩ đứng trước hệ thống phòng không Patriot tại Đức ngày 11.6

REUTERS

Tại hội nghị thảo luận về kế hoạch phục hồi Ukraine, được diễn ra ở Đức ngày 11 và 12.6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tiết lộ Kyiv vào tháng 7 sẽ nhận 1,6 tỉ USD từ tài sản Nga bị đóng băng. Giới chức Đức thông báo sẽ gửi hệ thống Patriot thứ 3 cho Kyiv, 100 tên lửa dùng cho Patriot, tên lửa phòng không IRIS-T và pháo phòng không tự hành Gepard.

Trong khi đó, Hà Lan thông báo sẽ cung cấp gói viện trợ 64 triệu USD nhằm thúc đẩy việc mua sắm và sản xuất các loại vũ khí không người lái trên không và trên biển. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren nói thêm sẽ chuyển tiêm kích F-16 cho Ukraine vào hè năm nay, sau khi Đan Mạch có động thái tương tự. Ý đã phê duyệt khoản hỗ trợ 150 triệu USD nâng cấp hạ tầng Ukraine và chuyển giao hệ thống phòng không SAMP/T.

Mỹ mở rộng biện pháp trừng phạt Nga

Mỹ áp lệnh cấm vận mới nhằm hạn chế Nga

Bộ Tài chính Mỹ ngày 12.6 thông báo cấm vận 300 cá nhân và thực thể, nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận của Moscow với các sản phẩm và dịch vụ cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất quân sự cho cuộc chiến ở Ukraine, theo Reuters.

Lệnh cấm vận mới nhằm vào các công ty và tổ chức bên thứ ba, bao gồm hàng chục nhà cung cấp thiết bị điện tử ở Trung Quốc, cũng như các công ty ở Trung Đông, Châu Phi, Châu Âu và Caribe.

Các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại Nga vẫn có cách giao dịch với nhiều bên để mua sắm chất bán dẫn tiên tiến, thiết bị quang học, phần mềm và các sản phẩm khác để sản xuất vũ khí, bất chấp các lệnh cấm vận trước đó.

Sau lệnh cấm vận của Mỹ, Sàn giao dịch Moscow thông báo sẽ dừng giao dịch bằng USD và euro. Cơ quan này thông tin thêm các công ty và cá nhân vẫn có thể mua bán USD và đồng euro thông qua các ngân hàng Nga, đồng thời hai loại ngoại tệ này trong tài khoản của người dân vẫn an toàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.