EU áp lệnh cấm vận mới nhằm vào Nga
Liên minh châu Âu (EU) ngày 24.6 đã thông qua gói cấm vận thứ 14 nhằm vào Nga. Lệnh cấm mang mục đích giảm doanh thu của Moscow từ việc xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), thông qua việc cấm vận chuyển hàng hóa ra khỏi các cảng của EU và thêm điều khoản cho phép Thụy Điển và Phần Lan hủy bỏ một số hợp đồng giao dịch LNG, Reuters đưa tin.
Lệnh cấm vận sẽ có hiệu lực sau giai đoạn chuyển giao kéo dài 9 tháng. Động thái trên cũng cấm các khoản đầu tư mới để hoàn thành các dự án LNG đang được xây dựng ở Nga.
Giới chuyên gia về khí đốt cho rằng lệnh cấm của EU sẽ không mang nhiều tác động, do EU vẫn đang nhập khí đốt của Moscow, trong khi vận chuyển LNG của Nga đến châu Á thông qua các cảng biển ở EU chỉ chiếm 10%. Một quan chức EU cho hay Moscow có thể chỉ tổn thất vài triệu euro, thay vì hàng tỉ euro.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cảnh báo Mỹ về nguy cơ leo thang tại Ukraine
Hiện một số nước Trung Âu vẫn nhận khí đốt của Nga thông qua các đường ống chảy xuyên qua Ukraine. EU vào năm 2022 đã cấm nhập khẩu dầu từ Nga, với một số miễn trừ hạn chế. Ngoài ra, khối này trong ngày 24.6 cũng thêm 116 cá nhân và thực thể vào danh sách cấm vận.
EU huy động tài sản Nga, vượt quyền Hungary
Cùng ngày 24.6, EU đã nhất trí dùng 1,4 tỉ euro (1,5 tỉ USD) lợi nhuận từ tài sản Nga bị đóng băng để hỗ trợ Ukraine. Động thái này đã bị Hungary - một thành viên EU có quan hệ ôn hòa với Moscow, phủ quyết - song liên minh đã có giải pháp được cho là "lách luật".
Thông thường, các quyết sách đối ngoại của khối phải cần tất cả thành viên đồng thuận. Tuy nhiên, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, nói với tờ Financial Times ngày 24.6 rằng Hungary đã bỏ phiếu trắng một thỏa thuận trước đó liên quan đến việc sử dụng tài sản Nga, do vậy Budapest “không nhất thiết phải tham gia vào quá trình ra quyết định”.
Việc trên mạng xã hội Facebook, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nêu rõ: “Đây là lằn ranh đỏ và trước đây chưa từng xảy ra trường hợp vi phạm đáng tiếc các quy định của EU”.
Các nguồn thạo tin cho biết Budapest đã không thật sự cương quyết phản đối nội dung pháp lý được đưa ra trong cuộc họp ngoại trưởng EU ngày 24.6. Song, một số quan chức tiết lộ có những thành viên EU lo ngại trường hợp này sẽ tạo tiền lệ và lỗ hổng pháp lý rằng liên minh có thể lách luật nếu xuất hiện kịch bản có quốc gia phủ quyết một chính sách.
Báo Anh hé lộ nhân vật quyền lực đứng sau tổng thống Ukraine
Nga tập kích nhà kho ở Odessa, gây hỏa hoạn diện rộng
Giới chức Ukraine ngày 24.6 cho hay một tên lửa hành trình của Nga đã bắn trúng nhà kho ở thành phố cảng Odessa, khiến 4 người bị thương và gây vụ hỏa hoạn lớn. Không quân Ukraine thông tin quân đội Nga đã phóng 2 tên lửa hành trình và một quả bị đánh chặn.
AFP dẫn lời Thống đốc Odessa Oleg Kiper cho hay đám cháy đã lan ra khu vực rộng hơn 3.000 m2 và lực lượng khẩn cấp đã được điều động để khống chế ngọn lửa.
Ngoài ra, ở vùng Kherson, khu vực mà mỗi bên đang kiểm soát một phần lãnh thổ, giới chức nơi này cho hay lực lượng Nga đã tấn công bằng bom dẫn đường vào những nơi do Ukraine kiểm soát.
Kyiv Independent ngày 24.6 đưa tin tên lửa của Nga đã phóng tới thành phố Pokrovsk ở tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine, khiến 4 người thiệt mạng và 34 người bị thương. Thống đốc Donetsk Vadym Filashkin cho hay quân đội Nga đã sử dụng 2 tên lửa đạn đạo Iskander-M. Vụ tấn công đã phá hủy một ngôi nhà, khiến 16 ngôi nhà khác bị hư hại. Nga chưa bình luận về thông tin này.
Theo AFP, Kyiv thừa nhận lực lượng Nga đã đạt bước tiến ở vùng Donetsk, nơi quân đội Ukraine bị áp đảo về vũ khí và quân số, đang phải chật vật để giữ phòng tuyến.
Ukraine khoe chiến tích bắt giữ xe tăng “nhà kho” đầu tiên của Nga
Nga triệu đại sứ Mỹ sau vụ Ukraine tập kích Crimea
Bộ Ngoại giao Nga ngày 24.6 cho hay đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Moscow Lynne Tracy liên quan đến vụ tấn công của Ukraine nhằm vào thành phố Sevastopol ở bán đảo Crimea.
Moscow cáo buộc Washington chịu trách nhiệm khi Kyiv dùng tên lửa ATACMS do Mỹ viện trợ để tấn công Crimea. Lãnh đạo Sevastopol Mikhail Razvozhayev cho biết Ukraine đã tấn công thành phố bằng 5 quả tên lửa ATACMS vào hôm 23.6. 4 quả tên lửa đã bị đánh chặn, trong khi quả còn lại bắn trúng thành phố, khiến 4 người thiệt mạng và hơn 150 người bị thương.
Hãng TASS dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Moscow chắc chắn sẽ có những biện pháp phản ứng, song không nêu cụ thể. Điện Kremlin cũng chỉ trích trực tiếp Mỹ liên quan đến vụ tấn công Crimea.
Theo Reuters, Mỹ và Nga thời gian qua đã có những mâu thuẫn liên quan đến xung đột tại Ukraine, song động thái chỉ trích trực tiếp là một bước tiến xa hơn trong căng thẳng giữa Moscow với Washington và phương Tây nói chung.
Tổng thống Zelensky ra chỉ thị cho tân lãnh đạo cơ quan an ninh
Reuters đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 24.6 đã giới thiệu tân lãnh đạo Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), đại tá Oleksiy Morozov, đến các nhân viên cơ quan trên. Ông Zelensky nêu rõ nhiệm vụ dành cho lãnh đạo SBU là loại bỏ những người gây ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị chuyên bảo vệ những quan chức chính phủ.
Hồi tháng 5, SBU đã bắt giữ hai thành viên của cơ quan này, nghi làm gián điệp lập mưu ám sát Tổng thống Zelensky và các quan chức cấp cao Ukraine. Những người bị bắt khai rằng đã hợp tác với Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) và tuồn thông tin mật. Moscow không bình luận về thông tin. Hai ngày sau vụ việc, ông Zelensky đã cách chức cựu lãnh đạo SBU Serhiy Rud, người tiền nhiệm của ông Morozov.
Tổng thống Ukraine yêu cầu ông Morozov đảm bảo SBU sẽ chỉ tuyển mộ những người coi tương lai của họ gắn liền với Ukraine, đồng thời loại những ai ưu tiên lợi ích của bản thân thay vì đất nước.
Bình luận (0)