Nga liên tục giành lợi thế
Các nhà phân tích DeepState ngày 14.10 đưa tin trên Telegram rằng lực lượng Nga đã tiến gần đến 6 khu định cư ở tỉnh Donetsk (miền đông Ukraine). "Đối phương tiến gần Kalinovka, Chasov Yar, Grigoryevka, Ugledar, Olgovka và Kremnevoye (vùng Kursk của Nga), ở Tsukurino cũng như Zolotoy Niva", theo DeepState.
Con đường chết chóc của chiến xa Ukraine ở vùng Kursk
Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Nga ngày 14.10 tuyên bố họ đã giành quyền kiểm soát làng Levadne ở Zaporizhzhia. Tuyên bố được đưa ra sau khi Kyiv cảnh báo về khả năng Nga sẽ tăng cường tấn công tỉnh Zaporizhzhia, bên cạnh các hoạt động ở Donbas.
Tuy nhiên, chia sẻ với tờ The Kyiv Independent, phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ miền nam Ukraine Vladyslav Voloshyn đã bác bỏ thông tin về việc Nga phát động một cuộc tấn công lớn vào khu vực này. Theo ông, Nga chỉ đang tiến hành các cuộc tấn công trên bộ tại địa phương.
Ông Voloshyn cho biết tình hình "đang khá cơ động" và mỗi bên có thể giành lại thế chủ động. Làng Levadne là một khu định cư nhỏ ở vùng Zaporizhzhia của Ukraine, phía tây nam vùng Donetsk. Trong những tuần gần đây, quân đội Nga đã tăng cường hoạt động ở Zaporizhzhia, theo Reuters.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW-Mỹ) nhận định quân đội Nga nối lại các hoạt động tấn công ở ranh giới Donetsk - Zaporizhzhia và đạt được một số thành công về mặt chiến thuật. Tuy nhiên, những nỗ lực này bị hạn chế, chỉ mang lại một số thành công chiến thuật nhỏ.
Liên quan tình hình tỉnh Kursk (Nga), thanh tra viên Nga Tatyana Moskalkova ngày 14.10 cho biết khoảng 112.337 cư dân thuộc Kursk phải sơ tán khẩn do xung đột. Ông Moskalkova cho biết con số này bao gồm 12.328 người được đưa đến các nơi trú ẩn tạm thời trên khắp nước Nga và khoảng 100.000 người khác đang sống với người thân và bạn bè.
Những mẫu phát triển UAV kỳ lạ trong cuộc xung đột Ukraine
Trước đó, Ukraine cho hay họ sẽ tuân thủ luật nhân đạo quốc tế trong cách ứng xử với thường dân Nga ở tỉnh Kursk, đồng thời mời Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) "tham gia các nỗ lực nhân đạo". Điện Kremlin đã gọi các động thái này là "khiêu khích".
NATO tập trận, Nga phản ứng
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 14.10 khởi động tập trận hạt nhân Steadfast Noon với sự tham gia của hàng chục máy bay bay qua miền nam châu Âu. Tập trận diễn ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất rằng Moscow sẽ thay đổi học thuyết hạt nhân.
Các quan chức NATO cho biết máy bay chiến đấu F-35A và máy bay ném bom B-52 sẽ nằm trong số khoảng 60 máy bay từ 13 quốc gia tham gia cuộc tập trận do Bỉ và Hà Lan đăng cai.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết trong tuyên bố của NATO rằng cuộc tập trận là một cuộc thử nghiệm quan trọng về khả năng răn đe hạt nhân của liên minh, đồng thời gửi thông điệp tới các đối thủ rằng NATO sẽ bảo vệ tất cả các đồng minh.
Phản ứng trước cuộc tập trận hạt nhân Steadfast Noon, Điện Kremlin ngày 14.10 cho biết cuộc tập trận hạt nhân thường niên của NATO có sự tham gia của máy bay quân sự có khả năng mang vũ khí hạt nhân đang làm gia tăng căng thẳng trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Cựu Tổng tham mưu trưởng Ba Lan dọa tấn công thành phố Nga
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu: "Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, thì các cuộc tập trận như vậy chắc chắn sẽ không dẫn đến điều gì khác ngoài việc leo thang căng thẳng hơn nữa". Ông Peskov cũng bác bỏ tuyên bố của người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài Đức Bruno Kahl. Trước đó, ông Kahl nói rằng Nga sẽ tấn công lãnh thổ các quốc gia NATO chậm nhất là vào cuối thập niên này.
"Nga chưa bao giờ chuyển hướng cơ sở hạ tầng quân sự của mình sang NATO, mà luôn luôn ngược lại. Do đó, việc đánh giá lực lượng vũ trang Nga gây nguy hiểm cho bất kỳ quốc gia nào là hoàn toàn sai, phi logic và quan trọng nhất là mâu thuẫn với toàn bộ tiến trình lịch sử đã dẫn đến cuộc đối đầu mà hiện nay chúng ta đang cùng nhau trải qua", ông Peskov khẳng định.
Ukraine giục Brazil bắt ông Putin
Tổng công tố Ukraine ngày 14.10 cho hay có tin tình báo rằng Tổng thống Putin có thể tới Brazil dự hội nghị G20 tháng tới, đồng thời kêu gọi nước này thực thi lệnh bắt của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Tổng công tố Ukraine Andriy Kostin ngày 14.10 nói với Reuters: "Tôi đã nhận được thông tin tình báo rằng Tổng thống Nga Putin có thể dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil vào tháng 11. Tôi muốn nhắc lại rằng chính quyền Brazil với tư cách quốc gia thành viên của Quy chế Rome có nghĩa vụ phải bắt ông Putin nếu ông ấy tới nước này".
Ông Kostin bày tỏ hy vọng Brazil, một quốc gia thành viên ICC, sẽ thực thi lệnh bắt theo lệnh của tòa để tái khẳng định vị thế của mình là một nền dân chủ và một quốc gia tuân thủ pháp luật.
Điện Kremlin nói gì sau thông tin mới hé lộ về quan hệ Putin-Trump?
Theo hai quan chức chính phủ Brazil, nước này đã gửi cho Tổng thống Putin lời mời tham dự cuộc họp G20 ngày 18 - 19.11 tại Rio de Janeiro, nhưng chưa nhận được phản hồi nào về kế hoạch của lãnh đạo Nga.
Trước đó, ICC hồi tháng 3.2023 phát lệnh bắt ông Putin và ủy viên của tổng thống phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova. ICC cáo buộc ông Putin và bà Lvova-Belova có vai trò quyết định trong chương trình "vận chuyển trái phép" trẻ em từ Ukraine sang Nga và coi đây là "tội ác chiến tranh".
Nga không phải thành viên ICC và đã bác cáo buộc của cơ quan này. Moscow cũng phát lệnh bắt giữ chủ tịch cùng một số thẩm phán của ICC để đáp trả.
Bình luận (0)