Chiến sự Ukraine ngày 972: Mỹ sẽ cấp vốn cho Ukraine sản xuất tên lửa tầm xa?

Văn Khoa
Văn Khoa
23/10/2024 05:00 GMT+7

Nghị viện châu Âu ngày 22.10 thông qua khoản vay 35 tỉ euro (38 tỉ USD) được đảm bảo bằng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga cho Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga tối 22.10 tuyên bố trong vòng 24 giờ trước đó, lực lượng vũ trang Ukraine đã mất hơn 340 quân nhân và 13 xe bọc thép theo hướng tỉnh Kursk thuộc Nga, theo Hãng tin TASS. Bộ Quốc phòng Nga còn tuyên bố, tính tổng cộng, kể từ khi bắt đầu giao tranh ở Kursk ngày 6.8, Ukraine đã mất hơn 25.662 quân nhân.

Cũng theo Bộ Quốc phòng Nga, nhóm chiến đấu phía bắc của Nga đã đẩy lùi hai cuộc phản công của Ukraine về phía Zeleny Shlyakh và Nikolayevo-Daryino thuộc Kursk.

Điểm xung đột: Nga tiến quân nhanh nhất sau 2 năm, Israel phá boongke chứa hàng triệu USD tiền, vàng?

Bộ Quốc phòng Nga còn nói rằng các lực lượng không quân, pháo binh và tên lửa tiếp tục tấn công các nhóm quân và thiết bị của Ukraine ở tỉnh Kursk, cũng như lực lượng dự bị và các khu vực tập trung ở tỉnh Sumy của Ukraine, giáp với Kursk.

Trong khi đó, Tỉnh trưởng Vyacheslav Gladkov của tỉnh Belgorod thuộc Nga ngày 22.10 viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng lực lượng vũ trang Ukraine đã bắn khoảng 80 quả đạn và phóng 26 máy bay không người lái vào tỉnh này trong 24 giờ, khiến 8 dân thường bị thương, theo TASS.

Chiến sự Ukraine ngày 972: Mỹ sẽ cấp vốn cho Ukraine sản xuất tên lửa tầm xa?- Ảnh 1.

Hình ảnh được cho là lực lượng Nga trong một lần khai hỏa trong cuộc xung đột với Ukraine

Ảnh: Chụp màn hình TASS

Đến khuya 22.10 chưa có thông tin về phản ứng của Ukraine về các thông tin phía Nga đưa ra.

Xem thêm: Tấn công Kursk khiến Ukraine đối mặt thêm áp lực Nga tiến quân ở miền đông

Tổng thống Zelensky: Mỹ sẽ cấp 800 triệu USD để sản xuất vũ khí tầm xa

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 21.10 nói với các nhà báo rằng Mỹ đang có kế hoạch cung cấp cho Ukraine một gói viện trợ trị giá 700-800 triệu USD để sản xuất các vũ khí tầm xa trong nước, theo trang tin The Kyiv Independent.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công bố một gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu USD trong chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv hôm 21.10. Ngoài ra, cũng có thông báo rằng Washington đang chuẩn bị cung cấp 800 triệu USD để sản xuất máy bay không người lái của Ukraine.

Lầu Năm Góc khuyến khích Ukraine sử dụng UAV tự phát triển để đánh đất Nga, không cần tên lửa Mỹ

Vũ khí tầm xa nội địa là chìa khóa cho chiến lược quốc phòng của Ukraine, vì các đối tác phương Tây từ chối cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công sâu vào Nga bằng tên lửa do nước ngoài sản xuất, theo The Kyiv Independent.

Xem thêm: Liệu Mỹ có gửi tên lửa hành trình tầm xa cho Ukraine?

Tổng thống Ukraine nói về triển vọng đàm phán hòa bình với Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng triển vọng đàm phán hòa bình với Nga "phụ thuộc" vào kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng tới, theo AFP.

Khi được hỏi liệu có nghĩ rằng Moscow đã sẵn sàng đàm phán với Kyiv hay không, ông Zelensky trả lời với các nhà báo hôm 21.10: "Trước hết, điều đó phụ thuộc vào cuộc bầu cử ở Mỹ. Tôi nghĩ rằng họ sẽ theo dõi chính sách của Mỹ".

Ông Zelensky nói rằng dựa trên các cuộc trò chuyện với hai ứng viên tổng thống Mỹ, ông hy vọng Mỹ sẽ "thể hiện chính sách này rất nhanh chóng, sau cuộc bầu cử... họ sẽ không đợi đến tháng 1".

Ông Zelensky cho hay ông đã có các cuộc gặp "tốt" với cả ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên phía đảng Dân chủ, Phó tổng thống Kamala Harris.

EU, NATO cam kết ủng hộ Ukraine nhưng không tán thành 'kế hoạch chiến thắng'

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho hay ông tin rằng Đức "sợ" về cách Nga sẽ phản ứng nếu Ukraine được mời tham gia NATO.

Ông Zelensky đã kêu gọi một lời mời ngay lập tức để gia nhập NATO như một phần trong "kế hoạch chiến thắng" của ông, gây ra phản ứng dữ dội ở Moscow.

Tổng thống Zelensky cho biết thêm ông tin rằng Pháp và Anh ủng hộ ông, trong khi phản ứng của Đức và các nước NATO khác như Hungary và Slovakia cũng "phụ thuộc vào Mỹ".

Xem thêm: Giới tình báo Đức: Nga có thể đạt năng lực tấn công NATO vào năm 2030

EU cho Ukraine vay 35 tỉ euro

Nghị viện châu Âu ngày 22.10 đã bỏ phiếu thông qua khoản vay lên tới 35 tỉ euro (38 tỉ USD) được bảo đảm bằng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga cho Ukraine, theo AFP.

Khoản vay của Liên minh châu Âu (EU), được đa số các nhà lập pháp chấp thuận, là một phần của sáng kiến lớn hơn trị giá 50 tỉ USD mà các nước G7 (gồm Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Ý và Nhật Bản) đã nhất trí vào tháng 6.

Ủy viên tư pháp EU Didier Reynders cho hay các nước G7 dự kiến sẽ công bố các khoản đóng góp của họ tại một cuộc họp ở Washington D.C (Mỹ) vào ngày 25.10.

Các quan chức EU cho hay quy mô khoản vay của liên minh này lên tới 35 tỉ euro, nhưng có thể giảm tùy thuộc vào số tiền mà các nước khác đưa ra.

Đáp lại, đại diện thường trực của Nga tại EU Kirill Logvinov ngày 22.10 đã cáo buộc EU phạm tội kinh tế trên quy mô toàn cầu bằng cách sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho Ukraine, theo Hãng tin TASS.

EU đã đóng băng khoảng 235 tỉ USD tiền quỹ của ngân hàng trung ương Nga kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022.

Kế hoạch của G7 là tận dụng lãi suất kiếm được từ các tài sản bị đóng băng của Nga để chuyển thêm tiền cho Ukraine và sẽ thay thế cho chương trình hiện tại của EU mà đã chuyển 1,7 tỉ USD cho Kyiv vào tháng 7.

Ngoài ra, chính phủ Anh ngày 22.10 thông báo rằng London sẽ cung cấp cho Kyiv khoản vay trị giá 2,26 tỉ bảng (2,9 tỉ USD) được bảo đảm bằng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga, theo The Kyiv Independent.

Kyiv đang rất cần tiền để hỗ trợ nền kinh tế, trang bị cho quân đội và duy trì hoạt động của lưới điện trong mùa đông này sau các cuộc ném bom dữ dội của lực lượng Nga, theo AFP.

Xem thêm: Lệnh cấm của EU và việc áp trần giá dầu khiến Nga tổn thất bao nhiêu?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.