“Né” trường nổi bật
Chia sẻ về kinh nghiệm chọn trường du học, Hoàng Lê Hưng, sinh viên Trường Hamilton College, chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là chọn đúng trường mình có khả năng được tiếp nhận vào học. Điều này phụ thuộc rất lớn vào tỷ lệ đầu vào của trường đó”. Hưng dẫn chứng, chẳng hạn tỷ lệ đầu vào của Trường Hamilton College là 27,4%, có nghĩa cứ 100 người nộp đơn thì có khoảng 20 đến 30 người được nhận vào trường. Nhìn vào tỷ lệ này, có thể đánh giá sơ bộ về khả năng mình có thể được nhận hay không. Cũng theo Hưng, thông tin này để tham khảo chứ không quyết định tất cả. Chẳng hạn tỷ lệ đầu vào của Trường ĐH Harvard chỉ có 6%, nhưng người nộp đơn vẫn có thể cân nhắc nếu bản thân có bài luận đặc biệt.
|
Nguyễn Phan Đài Trang, sinh viên Trường Wellesley College, nhấn mạnh: “Khi nộp đơn, vấn đề trợ giúp tài chính của trường cũng rất quan trọng. Những trường cấp học bổng càng giá trị thì đầu vào càng khó. Mẹo ở đây là nên chọn những trường có càng ít học sinh Việt Nam du học thì cơ hội nhận được học bổng càng cao. Bởi lẽ, các trường ở Mỹ rất chú trọng sự đa dạng sinh viên các nước, và dành tỷ lệ nhất định cho sinh viên các khu vực”.
Đài Trang nói thêm: “Cũng có thể chọn những trường có thứ tự xếp hạng thấp hơn, ít được biết đến hơn. Chính điều này càng giúp giảm bớt sự cạnh tranh trong quá trình nộp đơn. Thực tế, thay vì nộp vào những trường tốp đầu thì có thể chọn các trường ở thứ hạng 40 đến 70 tại Mỹ không phải quá tệ. Do vậy, việc chọn trường xin học và đặc biệt xin học bổng cần phải có chiến thuật thông minh”.
Viết bài luận bằng những câu chuyện thực
Kinh nghiệm thực tế trong việc viết bài luận cũng được các du học sinh chia sẻ. Theo các du học sinh của VietAbroader, bài luận không có mẫu chung thống nhất mà đòi hỏi sự sáng tạo ở mỗi người. Từ những yếu tố cá nhân, người viết có thể gây ấn tượng đến người đọc bằng nhiều cách khác nhau.
Nguyễn Vũ Phúc Thụ, sinh viên Trường Duke University, nói: “Mình thấy rằng nhiều học sinh sử dụng quá nhiều từ ngữ khó, trong khi bản thân các bạn cũng không hiểu rõ nghĩa của từ khiến bài viết trở nên sáo rỗng, khó hiểu. Hơn nữa, bài luận nhập học không phải là bài thi viết như TOEFL hay IELTS”. Theo Phúc Thụ, bài luận phải sáng tạo, thể hiện quan điểm bản thân chứ không phải để chứng minh một điều gì cả. Để có thể viết một bài luận hay, việc đầu tiên nên làm chính là luyện tiếng Anh thật tốt, mở rộng vốn từ cũng như thường xuyên đọc sách để có thể mở rộng cấu trúc viết văn và ngữ pháp, nên luyện viết nhiều, coi việc viết như một thói quen để rèn luyện kỹ năng.
Chế Nguyên Ngọc Hạ, sinh viên Trường Boston College, nhấn mạnh: “Hãy thể hiện, đừng nói - là điều mà ban tuyển sinh các trường vô cùng chú trọng. Tuy nhiên, các học sinh thường có xu hướng làm ngược lại. Họ chỉ đưa ra lời lẽ để chứng minh bản thân chứ không nêu ra những ví dụ, dẫn chứng của bản thân mang tính thuyết phục”. Theo Ngọc Hạ, bài luận hay sẽ được tạo nên từ những câu chuyện có thật trong cuộc sống. Để chuẩn bị cho bài luận, học sinh nên có một quyển sổ ghi lại những ý tưởng, đến lúc nộp hồ sơ thì có thể xem lại và chọn chủ đề hay nhất, cảm động nhất và yêu thích nhất.
Hà Ánh - Từ Thanh Hiền
>> Hướng đi tiết kiệm cho du học tự túc
>> Nhà vô địch cờ chớp du học
>> Học bổng du học Ấn Độ
>> Nhật Bản tìm cách thu hút du học sinh Việt Nam
>> Các chương trình hội thảo du học Mỹ
>> Hỗ trợ 90% học phí du học Singapore
Bình luận (0)