Chiến tranh lạnh công nghệ Mỹ - Trung Quốc sắp lan rộng?

Thu Thảo
Thu Thảo
27/05/2019 20:30 GMT+7

Theo nhà báo Tim Culpan của Bloomberg, chiến tranh lạnh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sắp lan rộng. Thực tế này buộc giới lãnh đạo các nước phải đưa ra một số quyết định khó khăn.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cô lập Huawei Technologies bằng lệnh cấm, nhiều doanh nghiệp toàn cầu “mắc kẹt” trong sự chia rẽ Mỹ - Trung.
Google của Alphabet cho biết họ ngừng một số quan hệ kinh doanh với Huawei, gồm cả việc hạn chế hãng Trung Quốc tiếp cận với hệ điều hành di động Android. Các công ty Nhật Bản, Đài Loan và Anh cũng lần lượt tạm dừng đơn đặt hàng thiết bị di động mới từ Huawei. Microsoft loại sản phẩm Huawei ra khỏi danh mục Azure Stack, trong khi ARM Holdings cho biết sẽ tuân thủ lệnh cấm của Mỹ, tạm ngừng cung ứng một số tài sản trí tuệ được dùng trong chất bán dẫn.
Với không ít nước trên thế giới, mọi quyết định đầu tư, kinh doanh trong mảng công nghệ giờ đây đều có thể trở thành quyết định chính trị.
Công nghệ của Mỹ đi đầu thế giới và sẽ tiếp tục như thế trong một thời gian nữa. Trong khi đó, Trung Quốc cho thấy sự sẵn sàng tham gia, giúp đỡ các nước đang phát triển theo cách mà Mỹ từng làm. Xây dựng hoặc trợ cấp các mạng truyền thông cố định và di động có thể sẽ tiếp tục được tiến hành. Công việc có thể do Huawei và ZTE thực hiện, nhưng tài trợ thì trực tiếp hoặc gián tiếp đến từ Bắc Kinh.
Không chỉ mạng lưới công nghệ cao là có liên quan. Nhiều nước đang phát triển muốn có các cảng, sân bay hiệu quả cũng như phương tiện chạy bằng điện tiết kiệm năng lượng, ít ô nhiễm. Mỹ và các đồng minh có thể cung ứng những thứ này. Nhật Bản, châu Âu và Canada có đủ công nghệ và kỹ năng để giúp. Song Trung Quốc thì ngoài khả năng cung ứng còn sẵn sàng cung cấp các khoản vay hấp dẫn kèm một số điều kiện "dễ dàng" khác.
 
Song nếu các nước đồng ý lắp đặt mạng lưới và cơ sở hạ tầng Trung Quốc, họ có khả năng bị chặn khỏi các sản phẩm Mỹ vì lý do an ninh quốc gia Mỹ. Philippines là quốc gia phải thực hiện lựa chọn khó khăn. Nước này có quan hệ chặt chẽ với Mỹ từ lâu. Tuy nhiên, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có lại có thỏa thuận để China Telecom xây dựng mạng điện thoại di động tại Philippines. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho hay: “Đề nghị đối tác chiến lược của Trung Quốc hấp dẫn hơn một chút so với đề nghị từ Mỹ”.
Những quyết định mà Philippines phải đưa ra cũng là điều mà nhiều nước khác trên thế giới cân nhắc. Họ sẽ không vội vàng. Quyết định có thể được thực hiện trong các phòng họp của giới chính trị, của nội các, tại các đại sứ quán nước ngoài và bị tác động bởi các nhà vận động hành lang của chính phủ lẫn phi chính phủ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.