Bloomberg hôm 20.5 đăng bài viết nhận định tình hình căng thẳng công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc của nhà báo Tim Culpan. Ông Culpan cho rằng đây là thời điểm mà Huawei Technologies dự phòng từ lâu.
Cuối tuần trước, nhiều nhà sản xuất chip trong đó có Qualcomm, Xilinx và Broadcom thông báo với nhân viên rằng họ sẽ không cung ứng cho Huawei cho đến khi có thông báo mới. Các hãng trên cần chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump làm rõ việc liệu họ có thể giao hàng cho Huawei hay không.
Cách đây không lâu, chuyện tương tự cũng xảy ra với ZTE. Công ty này bị Mỹ cấm mua sản phẩm “made in the USA” sau khi vi phạm lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Iran, Triều Tiên. Nhân viên nhiều hãng khi đó cũng được yêu cầu tạm dừng giao hàng để giới lãnh đạo doanh nghiệp tìm hiểu kỹ quy định. Chính quyền Mỹ sau đó áp lệnh cấm lên ZTE, làm tê liệt hoạt động của hãng này trước khi gỡ bỏ nó nhờ vụ dàn xếp làm công ty Trung Quốc tốn hàng tỉ USD.
Khả năng bị chính quyền Mỹ cắt nguồn cung ứng linh kiện chính xác là những gì mà giới lãnh đạo Huawei dự phòng trong gần một năm qua. Huawei đã dự trữ ít nhất ba tháng nguồn cung linh kiện. Đây không phải mức trữ lớn, nhưng cho thấy sự nghiêm túc trong việc chuẩn bị của hãng có trụ sở ở Thâm Quyến.
|
Một số người kỳ vọng rằng sự leo thang mới nhất chỉ là một phần trong cuộc chiến thương mại mà Mỹ theo đuổi, có thể được giải quyết trong các cuộc đàm phán lớn hơn. Tuy nhiên, Huawei lẫn giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc đều không ngây thơ đến mức nói thẳng ra như thế. Với họ, ngay cả lệnh cấm nhẹ nhất cũng là bằng chứng cho thấy rằng Trung Quốc rõ ràng không thể dựa vào người ngoài.
Từ bây giờ, thế giới có thể chứng kiến Trung Quốc tăng gấp đôi nỗ lực tung hệ điều hành smartphone “cây nhà lá vườn”, thiết kế chip riêng, phát triển công nghệ chất bán dẫn (bao gồm cả nhiều công cụ thiết kế và thiết bị sản xuất) và thực hiện tiêu chuẩn công nghệ của mình. Nỗ lực chỉ có thể đẩy nhanh quá trình tạo bức màn sắt kỹ thuật số, ngăn cách thế giới thành hai bán cầu công nghệ khác hẳn nhau.
Hẳn nhiên con đường đi đến tham vọng trên sẽ không dễ dàng. Hãy gọi phiên bản Android đầu tiên của Trung Quốc là Chandroid. Chandroid sẽ chẳng lập tức sánh được với Android chính hiệu của Google. Các chip “made in China” có thể kém hơn so với chip mà Qualcomm, Xilinx cung cấp. Song không như trước đây, khi nỗ lực công nghệ chẳng thành thì Trung Quốc vẫn còn lựa chọn thay thế là dùng hàng phương Tây, giờ đây thất bại không còn là lựa chọn trong mắt giới lãnh đạo quốc gia Đông Á.
|
Trong tương lai, Bắc Kinh có khả năng bơm thêm trợ cấp để đảm bảo ngành công nghiệp không đi lùi, và nhiều tiền có thể bị lãng phí. Tiền không giải quyết được mọi vấn đề. Song theo thời gian, tài trợ từ chính phủ Trung Quốc có thể giúp được những cái tên địa phương khá hơn, nếu không muốn nói là có ngày sánh được với công nghệ Mỹ.
Cùng lúc, Mỹ không có vẻ gì là sẽ hỗ trợ về mặt chính trị hay trợ cấp cho giới doanh nghiệp như Trung Quốc. Dù Mỹ đã có ưu thế khi dẫn đầu toàn cầu về công nghệ nói chung, vị trí số một mảng mạng 5G di động hiện tại của Huawei vẫn là lời nhắc nhở rằng Mỹ có thể sẽ không mãi dẫn đầu.
Nhà báo Tim Culpan cho rằng chiến tranh lạnh trong làng công nghệ vừa khởi động. Bên thắng cuộc không phải là bên với nhiều “chiến binh” giỏi nhất, mà là bên có khả năng chịu đựng nỗi đau thua lỗ kéo dài hơn.
Bình luận (0)