Chiến tranh thương mại không phải mối lo duy nhất của kinh tế Trung Quốc
01/08/2018 21:00 GMT+7
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dường như đang trong tình trạng tệ hơn so với những gì thể hiện ra bên ngoài, thậm chí ngay cả trước khi bị tác động bởi cuộc xung đột thương mại với Mỹ.
Tự động phát
Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra tỷ lệ tăng trưởng điều chỉnh theo lạm phát quốc gia trong nửa đầu năm 2018 là 6,8%, thấp hơn so với mức 6,9% trong cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, một bài đánh giá dữ liệu kinh tế địa phương do South China Morning Post thực hiện đã phát hiện ra dấu hiệu về đà suy giảm lớn của nền kinh tế Trung Quốc, với một số lĩnh vực bị trì trệ hoặc thậm chí thu hẹp lại.
Đây là tình huống quản lý đầy thách thức đối với Trung Quốc và khiến nước này dễ bị tổn thương khi đối mặt với tình hình căng thẳng thương mại leo thang với phía Mỹ. Theo dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 31.7, chỉ số quản lý thu mua sản xuất chính thức của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng, xuống còn 51,2% trong tháng 7.2018.
Chính phủ Trung Quốc mới đây đã công bố một loạt biện pháp để kích thích tăng trưởng kinh tế.
“Tác động của chiến tranh thương mại đối với nền kinh tế Trung Quốc là tiêu cực, và lãnh đạo Trung Quốc tại cuộc họp Bộ Chính trị có thể thảo luận về việc chi tiêu tài chính nhiều hơn và đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn”, Iris Pang, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại ING Wholesale Banking, nói.
[VIDEO] Tổng thống Trump muốn mạnh tay hơn nữa với hàng nhập từ Trung Quốc
|
Độ tin cậy về dữ liệu kinh tế của các tỉnh của Trung Quốc từ lâu đã là một nghi vấn. Các con số GDP kết hợp từ cấp tỉnh thường cho ra tổng lớn hơn số liệu quốc gia. Số liệu tăng trưởng được điều chỉnh theo lạm phát trong 6 tháng đầu năm nay từ 29 tỉnh cho thấy chỉ có 15 tỉnh đạt kết quả tốt hơn mức trung bình của cả nước, giảm so với 21 tỉnh trong cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số lượng các tỉnh dưới mức trung bình toàn quốc tăng từ 7 lên 12 ở cùng giai đoạn.
Mặc dù số liệu GDP cấp tỉnh của Trung Quốc thường kém tin cậy hơn so với dữ liệu của cả nước, nhưng cũng phần nào cho thấy bức tranh tổng quát về cách nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hoạt động. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tuần trước đã quyết định áp dụng “chính sách tài khóa chủ động hơn” và đẩy nhanh việc nâng cao chi tiêu 1.350 tỉ nhân dân tệ cho các dự án cơ sở hạ tầng của địa phương. Biện pháp này là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn nhằm “xử lý tình trạng thiếu chắc chắn từ môi trường bên ngoài”, và giữ cho tăng trưởng kinh tế đi đúng hướng.
Hiện các nhà phân tích đang theo dõi xem Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ xử lý với chương trình giải quyết nợ quốc gia như thế nào, đặc biệt khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang phải đối mặt với không ít mối đe dọa.
“Chính phủ Trung Quốc rõ ràng đã chuyển sang lập trường chính sách dễ thở hơn từ đầu tháng 7.2018. Tuy nhiên, sự thay đổi này vẫn còn rất khiêm tốn so với các chu kỳ nới lỏng trước đó. Sự khác biệt quan trọng nhất là các nhà hoạch định chính sách vẫn đang cố gắng thúc đẩy cải cách, mặc dù họ nhận ra quá trình này cần phải chậm lại và ít nghiêm ngặt hơn”, Michelle Lam, nhà kinh tế học của công ty dịch vụ tài chính Société Générale tại Hồng Kông, lưu ý.
Bình luận (0)