Chiết khấu về 100 đồng/lít
Sáng 7.4, thông tin từ các doanh nghiệp (DN) xăng dầu, chiết khấu bán lẻ vẫn tiếp tục bị "bóp" dữ dội.
Cụ thể, tại khu vực miền Nam, chiết khấu các mặt hàng xăng dầu của các đầu mối Petrolimex, STS, Petec, Saigon Petro, Petimex, Mipec dao động từ 200 - 400 đồng/lít; khu vực miền Tây, chiết khấu của PVOil, Petimex, Petec, Petro Life, Nam Sông Hậu, Petrolimex từ 100 - 400 đồng/lít; khu vực miền Trung từ 100 - 250 đồng/lít; khu vực miền Bắc từ 0 - 350 đồng/lít. Tham khảo bảng chiết khấu cụ thể các vùng cho thấy mức chiết khấu phổ biến từ 50 - 200 đồng/lít, lấy hàng tại kho thuộc vùng 1. Với mức chi phí bán hàng thế này, DN bán lẻ cho biết không có lãi đã đành, còn lỗ các chi phí bán hàng, điện, lương nhân viên, lãi suất ngân hàng… mức lỗ khoảng 400 - 800 đồng/lít, tùy khu vực.
Bà Nguyễn Thị Sinh, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng Yên Bái, cho biết chiết khấu của Petrolimex tại kho Đức Giang (Hà Nội) hôm qua (7.4) cho thương nhân phân phối 100 đồng/lít, thêm cước vận chuyển 300 đồng/lít lên Yên Bái là thành 400 đồng. Công ty có 5 cửa hàng và 10 đại lý, nhưng càng bán càng "chết" vì các chi phí vận chuyển từ thành phố Yên Bái vào các vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại trong núi khó khăn tốn khoảng 300 đồng/lít thì không ai bù cả. Bên cạnh đó, các chi phí điện nước, bán hàng, lương nhân viên, khấu hao tài sản, lãi suất ngân hàng… khiến mỗi lít xăng dầu cửa hàng bán ra đang lỗ khoảng 600 - 800 đồng.
Bà Sinh nói: "Tình trạng chiết khấu phập phù kiểu này mới xảy ra từ hơn 1 năm qua, sau khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra. Giá xăng dầu thế giới trồi sụt, chính sách điều hành, công thức tính giá lỗi thời… đẩy khó khăn về hết cho nhà bán lẻ. Mấy ngày qua, chiết khấu tại vùng 1 từ 300 đồng, xuống 245 đồng, rồi 200 đồng và nay 100 đồng/lít. Trước đây, khi giá xăng dầu thế giới bị đẩy lên 147 - 149 USD/thùng, đầu mối vẫn chiết khấu cho thương nhân phân phối thấp nhất 600 - 700 đồng/lít, cộng thêm cước vận tải từ Hà Nội lên Yên Bái, vào vùng núi là 600 - 700 đồng/lít, tổng cộng cũng được 1.200 - 1.400 đồng/lít. Với mức này, phân phối chúng tôi chiết khấu lại cho bán lẻ cũng được 300 - 400 đồng, bao cước vận chuyển. Nay từ đầu nguồn chỉ cho 100 - 200 đồng, phân phối không thể trừ mà đưa về cho bán lẻ đủ 100 - 200 đồng, chấp nhận lỗ cước vận chuyển, còn bán lẻ lỗ chi phí bán hàng. Chiết khấu bao nhiêu DN đầu mối thông báo rõ ràng trong nhóm Zalo cho cả thương nhân phân phối và bán lẻ, nên không có chuyện phân phối "cắt" bớt chiết khấu hay định giá bán lẻ như nhiều người nhầm tưởng".
Tương tự, ông Nguyễn Đỗ Nghị, đại diện Công ty TNHH xây dựng và thương mại Duy Hồng tại tỉnh vùng núi phía bắc, cũng cho hay chiết khấu đưa về bản làng 50 đồng/lít, DN bán lẻ xăng dầu vùng xa đang lỗ gần 1.000 đồng/lít.
"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị quy định trong kinh doanh xăng dầu thế nào để bảo đảm đủ chi phí cho DN hoạt động. Tuy nhiên, dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu sau nhiều góp ý thì bản mới nhất cũng chẳng có gì tiến triển hơn so với quy định cũ. Không quy định chi phí bán hàng định mức cho bán lẻ, nên mới xảy ra tình trạng chiết khấu phập phù, không ổn định như hiện nay. Nếu nghị định kinh doanh xăng dầu không sửa đổi theo hướng công bằng, tình trạng chiết khấu 0 đồng hay vài chục đồng sẽ tiếp diễn và DN bán lẻ cứ thu không đủ bù chi kéo dài rất khó khăn cho DN", ông Nghị bức xúc.
Sớm sửa nghị định để minh bạch hơn
Năm 2022, khi chiết khấu bán lẻ bị "bóp" về 0 đồng kéo dài, các DN đầu mối cho rằng, do chi phí đưa xăng dầu về nước không được tính đủ, khiến đầu mối lỗ, không thể có chi phí bán hàng về cho bán lẻ. Sau đó, chi phí đưa xăng dầu về nước được Bộ Tài chính cho điều chỉnh tăng, giá xăng dầu tạm ổn định một thời gian. Nay, trước tình trạng giá dầu thế giới tăng mạnh liên tục trong 2 tuần qua, hiện tượng "bóp" chiết khấu quay trở lại.
Theo lý giải của lãnh đạo DN xăng dầu, dự trữ xăng dầu của đầu mối 20 ngày, tức là họ mua khi giá chưa điều chỉnh, nhưng trong nửa tháng qua, giá dầu thế giới tăng, vừa rồi liên Bộ cho điều chỉnh tăng giá bán lẻ, nhưng mức tăng chưa sát với giá thế giới, nên đầu mối chọn giải pháp hạ chiết khấu cho bán lẻ để nguồn cung giới hạn. Ở đây, cơ quan quản lý quyết định giá bán theo công thức tính đã lạc hậu, đầu mối với quyền đưa ra giá bán lẻ phải bảo vệ quyền lợi cho mình bằng cách giảm chiết khấu. Như vậy, mọi khó khăn đổ về bán lẻ chịu.
Quan sát thị trường cho thấy phần thiệt thường rơi vào khâu bán cuối cùng khi giá thế giới biến động tăng. Trong 10 ngày qua, giá thế giới tăng liên tục, nhưng các hợp đồng mua của đầu mối thường theo kỳ hạn trước mấy tháng. Thế nên, không thể nói giá kỳ này tăng cao quá "bóp" chiết khấu được. Như vậy, nghị định sửa đổi cần mở rộng cho DN bán lẻ lấy hàng từ nhiều nguồn, giá bao gồm có chi phí được hưởng trong đó, còn chiết khấu lời lãi tự 2 bên quyết định.
TS Đinh Trọng Thịnh
Bà Nguyễn Thị Rim, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giang Chấn Hưng, nói thẳng: "Khi thị trường biến động, chúng tôi không cần có lãi, chỉ cần đủ chi phí để vận hành vì đang bán theo giá được quy định. Song chính sách hiện nay đang cho phép DN đầu mối vừa được định giá bán buôn cho mình lại vừa định giá bán lẻ cho DN khác trên cơ sở giá điều hành. Chính sách như hiện nay thì thế nào đầu mối cũng có lãi. Chúng tôi cần định rõ các khoản chi phí định mức trong kinh doanh xăng dầu chia về cho 3 phân khúc: đầu mối, phân phối và bán lẻ. Hiện nay, chi phí này (khoảng 1.100 đồng/lít - NV), nhưng DN bán lẻ không hề thấy. Bán lẻ hay bán sỉ thì đều là DN, được thành lập theo luật pháp. Nhưng chính sách điều hành giá xăng dầu đang thiên vị cho bán buôn và bỏ rơi bán lẻ. Chúng tôi bắt đầu chuỗi ngày lỗ lã triền miên… bởi chính sách điều hành đã quá nhiều bất cập, chậm được sửa đổi và những kêu gọi than vãn của DN bán lẻ ít được quan tâm".
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, nhận xét: Thị trường xăng dầu chỉ ổn định khi quyền lợi giữa các bên được bảo đảm, nói đúng hơn là công bằng, minh bạch. DN bán lẻ có lý khi yêu cầu có phần trong chi phí bán hàng được nhà nước quy định. Cái này phải rõ ràng hơn và hiểu đó không phải là lợi nhuận mà là chi phí và quyền lợi của DN xăng dầu khi nhà nước còn quản lý giá xăng dầu. Vì thế, nghị định kinh doanh xăng dầu sửa đổi phải thay đổi mạnh mẽ và hướng đến thị trường xăng dầu tự do hơn. Lúc đó, tình trạng "chập chờn" của chiết khấu, hay nói đúng hơn là chi phí bán hàng của DN bán lẻ được ổn định. Thị trường xăng dầu nên sắp xếp lại, hướng đến giảm bớt khâu trung gian không cần thiết, theo cách làm khá hiệu quả của Trung Quốc hiện nay.
Bình luận (0)