Có nên quy định mức chiết khấu bán lẻ xăng dầu?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
22/02/2023 06:16 GMT+7

Tranh cãi về chiết khấu xăng dầu cho doanh nghiệp bán lẻ vẫn đang nóng thị trường xăng dầu khi có quá nhiều ý kiến trái chiều.

Chiết khấu tăng, bán lẻ đã có lãi

Chiều qua 21.2, giá xăng dầu trong nước được liên Bộ Công thương - Tài chính công bố tại kỳ điều hành đồng loạt giảm nhẹ. Theo đó, giá xăng giảm 320 - 330 đồng/lít, dầu giảm 620 - 780 đồng/lít, tùy vùng. Trước kỳ điều hành, chiết khấu cho bán lẻ xăng dầu được các thương nhân phân phối thông báo tăng mỗi ngày. Cụ thể, tại một số tỉnh phía bắc như Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, chiết khấu cho dầu diesel quanh mức 1.900 - 2.200 đồng/lít, đến sáng qua (21.2) vọt lên 2.450 đồng/lít. Tương tự, chiết khấu cho xăng RON95 khoảng 1.500 đồng/lít, vọt lên 1.750 đồng/lít. Trong khi đó, chiết khấu dành cho đại lý bán lẻ thuộc hệ thống Petrolimex, PVOil… cũng dao động từ 350 - 550 đồng/lít; khu vực phía nam chiết khấu cho xăng từ 900 - 1.200 đồng/lít tùy địa phương.

Có nên quy định mức chiết khấu bán lẻ xăng dầu? - Ảnh 1.

Giá xăng dầu cần được điều hành giảm sự can thiệp của nhà nước

Đào Ngọc Thạch

Sau 15 giờ ngày 21.2, khi giá xăng dầu đã chính thức được điều chỉnh, thương nhân phân phối khu vực miền Nam thông báo mức chiết khấu mới với dầu diesel lấy hàng tại kho Cần Thơ là 1.100 đồng/lít, xăng 900 đồng/lít; tại kho Nhà Bè (TP.HCM) chiết khấu với dầu 1.450 đồng/lít và xăng 950 đồng/lít.

Theo các nhà bán lẻ, đây là mức chiết khấu "có lãi". Ông Đ.S.T, giám đốc một công ty bán lẻ xăng dầu vùng Đông Nam bộ, lý giải chiết khấu cho bán lẻ xăng dầu trong mấy ngày qua tăng do nguồn hàng dồi dào, đầu mối tăng chiết khấu để "xả hàng" trước kỳ điều chỉnh giá. Với mức chiết khấu về cho cửa hàng bán lẻ 1.000 - 1.100 đồng/lít, cửa hàng bán lẻ có thể lãi 200 - 300 đồng/lít. Mức chiết khấu càng cao, lãi càng cao. "Đó là mức lãi đối với doanh nghiệp (DN) có từ 5 - 6 cửa hàng bán lẻ, quản lý tốt.

DN càng lớn, doanh số cao, quản lý tốt, lãi sẽ cao hơn. Các đại lý nhỏ lẻ bán chỉ vài trăm khối mỗi ngày thì có thể lãi thấp hơn", ông T. nói. Tuy nhiên theo vị này, cách vận hành của thị trường hiện tại vẫn không bền, không ổn định. Hiện giá dầu thế giới giảm thì chiết khấu tăng nhưng đầu mối và thương nhân phân phối có thể tuyên bố hết hàng, hạ chiết khấu khi giá thế giới tăng trở lại. "Theo tôi, trong "gói" chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng để tính giá cơ sở, hiện Bộ Tài chính đang cho xăng RON95 lên 1.280 đồng/lít cộng thêm lợi nhuận định mức 300 đồng/lít nữa là 1.580 đồng/lít, khâu bán lẻ nên có quyền lợi trong "gói" chi phí này. Không cố định mức chiết khấu bao nhiêu phần trăm, nhưng tôi đề nghị nên có mức chi phí tối thiểu cho bán lẻ được quy định cụ thể vào nghị định nếu nhà nước còn quản lý giá xăng dầu", ông T. kiến nghị.

Trước đó, hàng trăm DN bán lẻ xăng dầu đã đồng loạt gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các ban ngành, đề xuất có quy định chiết khấu tối thiểu 5 - 6% trong giá bán để đơn vị bán lẻ - mắt xích quan trọng trong chuỗi phân phối đưa xăng dầu đến tay người tiêu dùng - được ổn định tài chính, kinh doanh. UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ Tài chính, VCCI cũng đồng quan điểm nên bổ sung tỷ lệ phần trăm chiết khấu trên mỗi lít xăng dầu cho các DN bán lẻ. VCCI đề xuất 2 phương án điều hành giá là trong trường hợp nhà nước không can thiệp vào giá, để cung - cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Ngược lại, phải có quy định về chiết khấu.

Nên giảm can thiệp của nhà nước

Ngược lại, góp ý sửa đổi Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu mới đây, Bộ KH-ĐT đề nghị không quy định mức chiết khấu tối thiểu cho DN bán lẻ để đảm bảo quyền tự quyết và điều chỉnh linh hoạt. "Việc này nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với cung - cầu xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, giảm sự can thiệp của nhà nước vào hoạt động kinh doanh của DN", Bộ KH-ĐT nêu quan điểm. Ngoài ra, bộ này cho rằng thị trường xăng dầu có nhiều biến động trong năm qua do chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu. Từ đó, bộ này kiến nghị tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở, nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế phát sinh của DN kinh doanh xăng dầu.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng về bản chất, đề xuất một mức chiết khấu cố định là "chia nhỏ" các cấu phần định mức tính giá bán lẻ, trong đó có định mức chi phí kinh doanh và lợi nhuận và chia theo cả 3 khâu từ đầu mối, phân phối đến bán lẻ. Về nguyên tắc thì có thể đưa ra các định mức này, nhưng về bản chất sẽ làm cứng nhắc hơn trong hoạt động điều tiết thị trường xăng dầu. "Suy cho cùng, đẩy mọi chi phí và kể cả rủi ro cho nhà nước và người tiêu dùng phải chịu. Trong thực tế, mâu thuẫn về giá hiện nay là giữa nhóm DN đầu mối, phân phối với bán lẻ. Thế nên, không giải quyết được mâu thuẫn này, nguy cơ đứt gãy, bất ổn cho thị trường vẫn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào khi thị trường thế giới biến động", TS Việt nhấn mạnh và đề xuất giá xăng dầu nên được xây dựng trên cơ chế giá cơ sở vừa có tính toán tự động và tham khảo từ các đầu mối sản xuất/phân phối. Từ đó, cho phép giá bán lẻ được cộng trừ dao động trong khoảng bao nhiêu phần trăm...

"Nhóm DN vẫn có vị thế độc quyền, bao sân từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến phân phối, bán lẻ, cùng hệ thống cửa hàng nhượng quyền... vẫn có xu thế muốn duy trì với sự "bảo đảm" của cơ quan nhà nước nhằm tạo vị thế lấn át và cho rằng trong dài hạn giá xăng dầu sẽ về ổn định trở lại thì họ sẽ vẫn có lợi. Trong khi một số nhà phân phối nhỏ lẻ, và đặc biệt các DN có một vài cửa hàng bán lẻ thôi sẽ mong muốn có sự thay đổi hẳn cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện nay, do họ đã chịu quá nhiều thiệt hại bởi sự cứng nhắc trong cơ chế kinh doanh xăng dầu vừa rồi", ông Việt phân tích.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nói thẳng: Trong kinh doanh có lúc lãi, lúc lỗ. Hiện tại, diễn biến của thị trường cho thấy hoạt động kinh doanh xăng dầu có lãi và hầu như những vấn đề DN kêu ca là câu chuyện của năm trước. Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu nên đề cập về mức thù lao tối thiểu cho bán lẻ xăng dầu để DN hoạt động ổn định, song song về quy định chi phí kinh doanh. Điều này là cần thiết và trong bối cảnh ta chưa có thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường đúng nghĩa. Nhưng chiết khấu bao nhiêu thể hiện trong hợp đồng mua bán giữa đầu mối và thương nhân phân phối với bán lẻ, không thể đưa vào tỷ lệ phần trăm trong nghị định.

Nếu cố định mức chiết khấu, vô hình trung chúng ta đang muốn nền kinh tế quay lại thời bao cấp. Nền kinh tế thị trường không có cố định cho mức lãi để giảm nỗ lực cạnh tranh, tính linh hoạt của DN trong kinh doanh. Sửa đổi nghị định theo hướng công bằng trong kinh doanh, giải pháp cố định lợi nhuận hoàn toàn không phải là cách lâu dài và công bằng.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.