Bán lẻ xăng dầu kêu bị “bỏ rơi”

Nguyên Nga
Nguyên Nga
02/02/2023 04:25 GMT+7

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã "kiến nghị khẩn cấp" vì cho rằng dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu vẫn "bỏ rơi" doanh nghiệp bán lẻ, khiến họ bị chèn ép, đẩy thị trường bất ổn.

"Bỏ lơ" DN bán lẻ, ưu ái DN bán buôn

Ngày 1.2, nhóm đại diện cho các doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu từ nhiều địa phương cho biết, kiến nghị khẩn cấp của DN về việc "góp ý sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95, bảo đảm chuỗi cung ứng xăng dầu ổn định, hài hòa và công bằng lợi ích" sẽ gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, các bộ ngành liên quan và VCCI.

Theo các DN, các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến DN bán lẻ thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn… gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu. Thế nhưng dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu lại tiếp tục "bỏ quên" vai trò của DN bán lẻ - mắt xích cuối cùng, nhưng rất quan trọng trong chuỗi phân phối xăng dầu.

Bán lẻ xăng dầu kêu bị “bỏ rơi”  - Ảnh 1.

Chuyên gia đồng ý đề xuất đại lý bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn để chủ động nguồn cung

Ngọc Dương

Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công Tâm Tháp Mười, bức xúc: "DN bán lẻ chỉ được mua hàng từ một đầu mối, tên của DN đầu mối ghi rõ trong giấy đủ điều kiện kinh doanh của DN. Việc này đã tạo điều kiện cho thương nhân đầu mối có quyền đưa ra các yêu sách mang tính chèn ép đối với DN bán lẻ. Bên cạnh đó, một cửa hàng xăng có quá nhiều cơ quan quản lý, từ Sở Công thương, Sở KH-CN, QLTT, phòng cháy chữa cháy, công an, thuế… mà cơ quan nào cũng được thanh, kiểm tra bất cứ khi nào muốn. Kinh doanh lỗ cũng phải bán hàng, không bán là bị phạt, tước giấy phép kinh doanh nhưng chẳng biết kêu ai, kiện ai…".

"DN bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu. Thương nhân phân phối cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ, làm chủ chuỗi cung ứng, được hưởng quyền lợi về giá (định mức lợi nhuận), được lấy hàng ở nhiều nơi nhưng DN bán lẻ thì không. Họ chủ động được nguồn hàng khi tham gia thị trường và có thể cắt hết hoa hồng để bảo đảm phần lợi nhuận của mình. Khi giá tăng, nhà cung cấp có quyền từ chối không giao hàng, giữ lại để hưởng chênh lệch giá, các đại lý bán lẻ lại không thể lấy hàng từ nơi khác", thư kiến nghị nêu.

Càng cứng nhắc bao nhiêu về giá, càng khiến DN mất động lực cạnh tranh giảm chi phí trung gian, đẩy hết rủi ro cho nhà nước và người dùng gánh chịu. Theo tôi, nên xây dựng cơ chế giá điều hành, dựa trên cơ sở vừa có tính toán tự động và tham khảo từ các đầu mối sản xuất/phân phối.
TS Nguyễn Quốc Việt

Từ đó, các DN kiến nghị cần có mức chiết khấu cố định cho DN bán lẻ; DN bán lẻ có quyền lấy hàng từ 2 - 3 nguồn để triệt tiêu sự độc quyền và linh động trong nguồn hàng khi một nơi không thể cung ứng kịp thời, tránh đứt gãy nguồn cung; giảm bớt số thương nhân phân phối và cho phép DN bán lẻ trực tiếp lấy xăng dầu từ các đầu mối để giảm chi phí các tầng nấc trung gian, gây lỗ lã cho nhà bán lẻ, thiệt hại cho người tiêu dùng.

Số DN tham gia kiến nghị lần này theo nhóm đại diện khoảng 50% trong tổng số khoảng 17.000 cửa hàng trên toàn quốc. Ông Lê Văn Báu, chủ DN kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM, nhấn mạnh: "Các DN chỉ có 2 nguyện vọng chính đáng. Đó là quy định mức chiết khấu cố định 5% cho nhà bán lẻ, nhà bán buôn phải tuân thủ và một đại lý có thể mua hàng từ 2 nhà cung cấp trở lên để xóa bỏ sự kinh doanh độc quyền như hiện nay".

Cẩn trọng và công bằng

Chia sẻ về các kiến nghị của DN, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, nói ông đã phản đối nhiều lần về quy định DN bán lẻ chỉ được nhập hàng từ một nhà phân phối xăng dầu. Bỏ quy định này là tạo thế cân bằng giữa trung gian phân phối với bán lẻ, cũng như giảm bớt chênh lệch vị thế giữa nhóm đang thống lĩnh thị trường với nhóm thiểu số hơn. Nếu lấy lý do lo ngại nguồn cung cấp không xác định được thì cần có phương án giám sát online, lưu giữ mẫu sau mỗi lần tiếp nhận, tương tự như việc các nhà hàng phải lưu mẫu nguyên liệu đầu vào. Giám sát online có cảm biến đo lượng xăng đổ vào bồn cũng giúp quản lý cung - cầu tại một khu vực đến toàn quốc, qua đó quản luôn nạn xăng dầu lậu, nếu có. Hơn nữa, ngay từ đầu năm, Bộ Công thương cũng đã khẳng định việc số hóa quản lý hệ thống phân phối xăng dầu thì việc quản lý này không khó.

Báo cáo tài chính quý 4/2022 của 2 “ông lớn” ngành xăng dầu là Petrolimex và PVOil đều ghi nhận doanh thu khủng, lợi nhuận tăng, tồn kho tăng mạnh. Lợi nhuận ròng của Petrolimex trong quý 4/2022 tăng gấp đôi so cùng kỳ, lên 1.400 tỉ đồng; PVOil lợi nhuận ròng quý 4 cũng tăng gần 16% so với cùng kỳ, đạt gần 295 tỉ đồng. Đáng lưu ý, tổng lượng tồn kho của hai nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước là Petrolimex và PVOil đã tăng trở lại lên mức trên 20.000 tỉ đồng vào cuối năm 2022. Con số này tăng khoảng 2.000 tỉ so với cuối quý 3/2022 và thấp hơn mức kỷ lục hơn 29.400 tỉ đồng ghi nhận cuối quý 1/2022.

Bên cạnh đó, theo ông Việt, các DN nhà nước có nhiệm vụ chính trị và bình ổn thì chỉ cần các cửa hàng trực thuộc DN đầu mối là được, tại sao DN đầu mối nhà nước lại kinh doanh thêm nhượng quyền thương mại. Nên hạn chế hình thức nhượng quyền thương mại tạo thêm tầng nấc trong kinh doanh.

Riêng kiến nghị đưa định mức lợi nhuận là đi ngược với chủ trương tự do thị trường nên cần có những nghiên cứu cụ thể hơn cả về khía cạnh chính sách và ứng dụng công nghệ. "Càng cứng nhắc bao nhiêu về giá, càng khiến DN mất động lực cạnh tranh giảm chi phí trung gian, đẩy hết rủi ro cho nhà nước và người dùng gánh chịu. Theo tôi, nên xây dựng cơ chế giá điều hành, dựa trên cơ sở vừa có tính toán tự động và tham khảo từ các đầu mối sản xuất/phân phối. Từ đó, cho phép giá bán lẻ dao động trong khoảng cộng trừ bao nhiêu phần trăm. Kết hợp với cơ chế cạnh tranh là cho cửa hàng bán lẻ được chọn nhiều nhà cung cấp, từ đó sẽ có mức giá bán thực tế. Như cách các hãng ô tô, xe máy công bố giá, các đại lý, cửa hàng bán lẻ có chính sách giá cụ thể của riêng họ…", TS Nguyễn Quốc Việt nêu quan điểm.

Nhìn từ việc DN đầu mối lãi khủng vừa được công bố trong khi DN bán lẻ than lỗ và đóng cửa, theo ông Nguyễn Quốc Việt, đã cho thấy thực tế thị trường xăng dầu đang có bất cập. Vì không thể có một mặt hàng mà bán buôn lãi khủng, bán lẻ lại lỗ đến mức đóng cửa, bán cửa hàng, ngưng kinh doanh được.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Giá (Bộ Tài chính), thì cho rằng trước những bất ổn của thị trường xăng dầu cần một tổng chỉ huy quyết sách ngay các giải pháp, sửa đổi Nghị định 95 một cách thận trọng và công tâm mới mong bình ổn thị trường. Cụ thể, nên cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu, không chỉ "chăm chăm" vào những thị trường có thuế suất ưu đãi để chủ động nguồn cung. Các chi phí liên quan kinh doanh xăng dầu đã lỗi thời, phải thay đổi để bảo đảm lợi ích hài hòa. Trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh thì các đầu mối, thương nhân phân phối phải phân chia chi phí khoản định mức cho từng khâu, tránh tình trạng chèn ép nhau trong thỏa thuận phân chia chi phí, từ đó chấm dứt tình trạng chiết khấu 0 đồng.

"Thậm chí cơ quan nhà nước có thể hướng dẫn tỷ lệ tối thiểu cho từng khâu trong tổng số chi phí kinh doanh định mức", ông Thỏa đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.