Giá xăng dầu có còn tăng, giảm trái chiều trong phiên điều hành chiều nay 21.2?

21/02/2023 08:44 GMT+7

Giá xăng dầu trong phiên điều hành ngày 21.2 được dự báo tiếp tục có sự tăng giảm trái chiều giữa giá xăng và giá dầu. Cụ thể, giá xăng có thể tăng nhẹ, còn giá dầu thậm chí giảm đến gần 1.000 đồng/lít.

Theo thông tin từ Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, thị trường xăng dầu thế giới từ ngày 13.2 đến 19.2 ghi nhận giá dầu  WTI lao dốc và đánh mất 4,22% giá trị xuống còn 76,55 USD/thùng. Dầu Brent giảm 3,86% xuống 82,67 USD/thùng. Các tín hiệu nguồn cung dầu trên thế giới được đảm bảo, trong khi nhu cầu chưa có sự khởi sắc đáng kể đã khiến giá dầu suy yếu trong tuần vừa qua.

Giá xăng dầu có còn tăng, giảm trái chiều trong phiên điều hành chiều nay 21.2 ? - Ảnh 1.

Giá xăng dầu được dự báo tiếp tục có sự tăng giảm trái chiều trong phiên điều hành chiều nay 21.2

THANH NIÊN

Các báo cáo tháng quan trọng từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đều cho thấy góc nhìn tích cực hơn về nguồn cung cầu dầu thô thế giới trong năm 2023. Đặc biệt, nguồn cung dầu có sự mở cửa trở lại từ phía Trung Quốc.

Theo báo cáo từ nhóm OPEC trong tháng 2, mức tiêu thụ dầu được nâng lên thêm 100.000 thùng/ngày so với báo cáo tháng 1. IEA cũng dự báo nhu cầu dầu tăng thêm 200.000 thùng/ngày, lên mức kỷ lục 101.9 triệu thùng/ngày. Trong đó, nhu cầu của Trung Quốc tăng 900.000 thùng/ngày so với một năm trước đó, chiếm 45% mức tăng trưởng chung.

Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 13.2, giá xăng E5 RON92 tăng 540 đồng/lít, giá bán lẻ ra thị trường được liên bộ Công thương - Tài chính công bố không cao hơn 22.869 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 620 đồng/lít, giá bán không cao hơn 23.767 đồng/lít.

Chiều 21.2: Giá xăng dầu đồng loạt giảm

Trái ngược với giá xăng, nhóm sản phẩm dầu ghi nhận giảm giá đồng loạt. Sản phẩm giảm sâu nhất là dầu hỏa giảm 982 đồng/lít, giá bán lẻ không cao hơn 21.594 đồng/lít. Giá dầu diezen giảm 962 đồng/lít, giá bán lẻ không cao hơn 21.562 đồng/lít. Dầu mazut giảm ít nhất với 298 đồng/lít, giá bán lẻ không cao hơn 13.636 đồng/lít.

Cũng trong kỳ điều hành ngày 13.2, xăng vẫn là mặt hàng đang được chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức cao. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 được chi 850 đồng/lít; xăng RON95 được chi 950 đồng/lít.

Trong khi đó, nhóm sản phẩm dầu lại bị trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức 200 đồng/lít đối với dầu mazut và dầu hỏa; dầu diezen bị trích quỹ 600 đồng/lít.

Tại hội nghị góp ý dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Bộ Công thương tổ chức ngày 14.2 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không đạt được mục tiêu bình ổn thậm chí gây bất ổn cho giá xăng dầu.

Theo một nghiên cứu của TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, quỹ có hướng trích lập khi kỳ điều hành trước giá thế giới giảm và ngược lại. Nhưng trên thực tế, vẫn có thời điểm liên Bộ Công thương - Tài chính thực hiện trích lập quỹ ngay cả khi giá xăng dầu tăng và chi quỹ khi giá giảm.

Cụ thể trong năm 2022, có thời điểm giá xăng lên đến 29.000 - 30.000 đồng/lít thì vẫn trích lập quỹ ở mức cao. Còn hiện nay, giá xăng thế giới giảm thì lại tiếp tục chi quỹ là không đảm bảo nguyên tắc bình ổn giá xăng dầu.

Theo khảo sát trong 3 năm gần đây, giá xăng E5RON92 có số lần chi quỹ nhiều hơn hẳn so với số lần trích lập, cụ thể có 46 lần chi quỹ, 35 lần trích lập. Dầu hỏa có 25 chi quỹ, 46 lần trích lập. Xăng RON95 có 36 lần chi quỹ và 41 lần trích lập. Dầu mazut có 22 lần chi quỹ, 50 lần trích lập.

TS Phạm Thế Anh nhận định, qua thống kê này cho thấy, vấn đề tái phân phối thu nhập trong sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang làm gia tăng bất bình đẳng, khi người sử dụng dầu đang phải "trợ giá" cho những người dùng xăng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.