Thăng trầm phận chiếu
Theo bà Nguyễn Thị Nhanh, Chủ tịch UBND H.Lấp Vò, gần đây có nghiên cứu cho biết nghề dệt chiếu ở Định Yên hình thành khoảng 200 năm trước. Đến nay, dù đối mặt không ít khó khăn, nhưng làng nghề vẫn đứng vững và từng bước phát triển.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, gia đình có 4 đời làm nghề dệt chiếu ở Định Yên, cho hay trước đây, để làm ra một chiếc chiếu rất kỳ công. Lác thu hoạch phải chẻ bằng tay rồi đem phơi 2 - 3 nắng cho khô, có màu trắng xanh, sáng đẹp, dùng để dệt chiếu trắng. Nếu không trúng nắng hoặc do lác xấu thì cọng lác có màu vàng sẫm, dùng nhuộm màu dệt chiếu bông. Màu nhuộm lác phải lấy lá rừng ngâm, ủ rồi pha chế thành các loại màu theo nhu cầu. Để có sợi trân dệt chiếu, phải trồng bố, se trân. Công đoạn dệt bằng tay, nếu chăm chỉ thì 2 người dệt tối đa 5 - 6 chiếc/ngày. Ngày nay các công đoạn đều dùng máy nên đỡ vất vả hơn.
Chiếu Định Yên làm ra bền, đẹp, phong phú mẫu mã nên thị trường ưa chuộng. Gia đình khá giả thì đến làng sắm chiếu bông được in hoặc dùng kỹ thuật dệt "lãy" hình hoa văn, câu chúc khéo léo hoặc mua chiếu vảy ốc được dệt dày, bền chắc; chiếu con cờ được sắp xếp dệt có hình ô vuông như bàn cờ. Sang hơn là chiếu cỗ khổ 0,5 - 1,5 m dùng trải trên bàn thờ hay đặt giữa bộ ván ngựa để dọn cỗ (bày mâm) cúng kiến ông bà, tổ tiên trong ngày giỗ tết… Còn nhà bình dân thì mua chiếu trắng trơn thông dụng dùng để nằm.
Nhờ chất lượng cao, giá cả vừa phải, vào những năm 1954 về trước, ghe thương hồ đến mua chiếu Định Yên mang đi bán khắp vùng ĐBSCL và sang tận Campuchia. Thế nhưng, hưng thịnh nhất của làng nghề có lẽ đến đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ngoài cung cấp thị trường nội địa, chiếu Định Yên còn xuất sang các nước Đông Âu. Thời đó, xã Định Yên có trên 40 tổ hợp hoặc hợp tác xã, cơ sở sản xuất chiếu để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng ngàn người. Đến nay, vẫn còn truyền tụng câu ca dao "Định Yên có vựa chiếu to/Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm".
Sự trầm lắng lớn nhất của người làm chiếu tại đây là cuối thập niên 1980. Sau khi các nước Đông Âu biến động thì thị trường xuất khẩu chiếu vào các nước này không còn. Nhiều tổ hợp tác, cơ sở sản xuất chiếu cũng không còn. Sau đó, chiếu tre, chiếu nhựa và nệm được nhiều người sử dụng thì người dệt chiếu Định Yên đối mặt khó khăn.
Đến năm 2003, để khôi phục, vực dậy làng nghề, UBND tỉnh Đồng Tháp có quyết định công nhận làng nghề truyền thống dệt chiếu trên 4 ấp của xã Định Yên để hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị; cho vay vốn sản xuất… giúp nghề có cơ hội "phục hưng" trở lại. Năm 2008, máy dệt được đưa về làng nghề, chỉ cần 1 người đứng máy có thể dệt được 10 - 12 chiếc chiếu/ngày, gấp đôi so với sản lượng của 2 người dệt thủ công.
Nếu như năm 2006 toàn làng nghề chỉ sản xuất được khoảng 800.000 chiếc chiếu thì sau khi có máy dệt, đến năm 2011, sản lượng chiếu của làng nghề hơn 1,3 triệu sản phẩm. Hiện, làng nghề có trên 800 hộ dệt chiếu bằng máy, mỗi năm sản xuất gần 10 triệu chiếc các loại cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Campuchia.
Hằng năm, cứ vào 27, 28 tháng chạp âm lịch, các khung dệt chiếu ở Định Yên được thu dọn gọn gàng, lau chùi sạch sẽ, thợ chiếu nghỉ ăn tết. Ra giêng, khoảng mùng 7, mùng 8 tết thì cúng ra nghề, hoạt động trở lại.
Phục dựng "chợ ma"
Làng nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 9.2013. Trước đây, làng chiếu Định Yên được biết đến nhiều nhất là chợ chiếu, còn được gọi là "chợ ma", do chợ chỉ nhóm họp vào ban đêm, kéo dài khoảng 2 tiếng là tan chợ.
Thời điểm bắt đầu nhóm chợ không ổn định, đêm hôm sau sớm hơn 1 giờ so với đêm trước, cứ thế dịch chuyển dần, nhưng sớm nhất cũng chỉ giới hạn từ 21 giờ cho đến trễ nhất là 4 giờ sáng hôm sau.
Tuy là chợ, nhưng chợ chiếu không giống bất kỳ loại chợ nào. Mỗi tối khi chợ chiếu nhóm họp, người mua kẻ bán tấp nập, nhưng không có quầy, sạp kinh doanh cố định. Người bán vác chiếu đi lại ngang dọc chợ chào hàng, khi mỏi mệt thì đứng lại, dựng chiếu trước mặt. Người mua sẽ chọn một nơi trong khu chợ, ngồi chờ để chọn và ngã giá mua hàng. Chiếu đã được mua bán xong thì đặt nằm xuống đất. Những thương lái lớn mua số lượng hàng trăm đôi chiếu khi chọn mua chiếu xong, chuyển hàng xuống ghe dưới bến, nếu chưa đủ số lượng cần thiết thì chờ phiên chợ sau mua tiếp.
Theo những cụ cao niên, vì ban ngày họ bận dệt chiếu, thương lái cũng phải đi mua bán chiếu, do đó việc họp chợ mua bán chiếu chỉ diễn ra vào ban đêm. Khoảng 20 năm nay, do hệ thống giao thông phát triển, các phương tiện chuyên chở có thể đi sâu vào thôn xóm mua chiếu trực tiếp tại các hộ sản xuất tiện lợi, nhanh chóng ở mọi thời điểm không cần phải đợi đến phiên họp chợ đêm. Từ đó, chợ chiếu đêm Định Yên dần dần bị mai một và bỏ hẳn phiên "chợ ma".
Sau thời gian nghiên cứu, từ tháng 9.2023 đến nay, UBND H.Lấp Vò đã dàn dựng và tái hiện lại không gian "chợ ma" Định Yên để phục vụ khách du lịch vào dịp cuối tuần. Qua đó nhằm quảng bá những giá trị truyền thống, nét văn hóa đặc sắc của địa phương. (còn tiếp)
Bình luận (0)