14 giờ chiều nay 26.6, thí sinh sẽ có mặt tại phòng làm thủ tục dự thi, mang theo giấy báo thi, căn cước công dân để nghe phổ biến quy chế thi tốt nghiệp THPT.
Khi đến điểm thi, thí sinh sẽ được nhận thẻ dự thi. Thí sinh cần rà soát toàn bộ thông tin trên thẻ dự thi của mình, trong đó chú ý thông tin cá nhân và phần đăng ký môn thi, bài thi. Nếu phát hiện sai sót, thí sinh phải báo ngay với giáo viên để được điều chỉnh kịp thời, tránh việc đến ngày thi chính thức mới phát hiện ra, gây ảnh hưởng đến tâm lý làm bài.
Về băn khoăn thí sinh có thể dùng ứng dụng VNeID thay căn cước công dân trong quá trình làm thủ tục dự thi hay không, Bộ GD-ĐT khẳng định: thí sinh không được phép sử dụng căn cước công dân trên ứng dụng VNeID để làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Điều này cũng đã được nêu rõ trong quy chế và hướng dẫn thi. Cụ thể: "Thí sinh phải xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân đã sử dụng để đăng ký dự thi khi làm thủ tục dự thi".
Ứng dụng VNeID được cài đặt trên điện thoại, trong khi điện thoại là một trong các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi nên không thể dùng ứng dụng điện tử này để xác thực trong quá trình làm thủ tục dự thi.
Vật dụng bị cấm mang vào phòng thi
Ngày 27 và 28.6: thí sinh có mặt đúng giờ tại điểm thi để làm bài thi. Lưu ý, thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự buổi thi đó và các buổi thi còn lại.
Thi tốt nghiệp THPT 2024: thí sinh trổ tài đoán đề thi văn, thắp hương cầu may mắn
Khi đến điểm thi, thí sinh phải gửi các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi tại nơi quy định.
Các vật dụng được mang vào gồm: bút viết, thước kẻ, bút chì, tẩy chì, ê ke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ, atlat địa lý Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).
Các vật dụng cấm mang vào phòng thi gồm: giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.
Trường hợp thí sinh bị ốm đau hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước khi thi, cha mẹ học sinh báo ngay cho lãnh đạo nhà trường, nơi thí sinh học lớp 12 để được hướng dẫn đặc cách nếu đủ điều kiện theo quy định tại điều 37 Quy chế thi.
Sẵn sàng cho kỳ thi nhưng không chủ quan
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, khẳng định: "Tới thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được Bộ GD-ĐT, các bộ, ngành, địa phương thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng, sâu sát và toàn diện. Toàn quốc đã sẵn sàng để tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế".
Tuy nhiên, ông Thưởng lưu ý: "Với một kỳ thi trên diện rộng, vốn phức tạp và nhạy cảm như kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi mong các địa phương sẽ quán triệt quyết liệt tinh thần không lơ là, chủ quan. Chỉ dựa vào kinh nghiệm dễ gây chủ quan và dẫn tới sai sót. Tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các điều kiện, nội dung, nhiệm vụ và đặc biệt là có kịch bản dự phòng, để trong bất kỳ tình huống nào cũng không bị động".
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm nay là hơn 1.071.000, tăng hơn 45.000 thí sinh so với năm ngoái. Trong đó, số thí sinh tự do là 46.978, chiếm 4,38%.
Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi ngoại ngữ là 66.927, chiếm 6,25%; nhiều nhất là thí sinh của Hà Nội với 21.554 em, TP.HCM có 13.076 em.
Năm nay, chỉ 37% thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên, còn lại 63% chọn bài thi khoa học xã hội.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như giai đoạn 2020 - 2023. Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương.
Các hội đồng thi tổ chức coi thi trong các ngày 26 - 29.6; chấm thi từ ngày 29.6; công bố kết quả thi vào 8 giờ ngày 17.7, xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19.7.
Bình luận (0)