(TNO) Những ngày tháng 7, cả Quảng Trị như đang sống lại quá khứ hào hùng và bi tráng của những năm tháng chiến tranh khi có hàng ngàn cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ từ mọi miền tổ quốc tìm về đây để thắp nén hương cho đồng đội, cho con, cho chồng, cho bố...
>> Thành cổ Quảng Trị lung linh ngọn nến tri ân
>> Thành lập Hội Chiến sĩ thành cổ Quảng Trị năm 1972
Thành Cổ Quảng Trị, tất nhiên là một điểm đến đầy linh thiêng và không thể thiếu trong hành trình “về miền tâm linh” Quảng Trị. Và sông Thạch Hãn, nơi được xem là “dòng sông nghĩa trang” duy nhất của cả nước cũng như chảy nhẹ nhàng hơn, vỗ về những cảm xúc của những người đang sống và người đã khuất.
|
Khoảng gần 20 năm trở lại đây, trên dòng sông thiêng này, để tỏ lòng tri ân đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, người ta đã kết hoa thành những bè lớn và cho trôi trên sóng nước.
Nhiều cựu chiến binh vẫn kháo nhau rằng “cha đẻ” của ý tưởng ấy cũng từng là một người lính, tên Lê Bá Dương. Qua nhiều năm, việc thả hoa đã trở thành điều gì đó hết sức thân thuộc khi mọi người ra sông Thạch Hãn.
Thậm chí, để tiện cho việc này, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng hai bến thả hoa bề thế ở hai bờ bắc nam. Nói vậy để biết rằng, không gian văn hóa và tâm linh ở đôi bờ Thạch Hãn là rất đặc biệt, không thể nói hết bằng câu chữ...
Chiều 25.7, PV Thanh Niên Online có mặt tại bến thả hoa bờ bắc sông Thạch Hãn và bắt gặp những cựu binh già (thuộc trung đoàn 27, Sư 320) đang tỉ mẫn kết những vòng hoa đỏ chót lên những tấm phao hình vuông và hình tròn. Chen lẫn đâu đó là cựu chiến binh, nhà báo Lê Bá Dương... Vẫn mũ tai bèo, vẫn bộ quần áo màu xanh chớm bạc, ông cũng như bao đồng đội, lặng thầm làm việc dù không kèn không trống.
“Để làm gì hả cậu, tôi và những anh em ở đây năm nào mà chả vài ba lần tới Quảng Trị, vài ba lần thả hoa trên dòng sông này. Đồng đội tôi nằm đây, chúng tôi đến với đồng đội, vậy là đủ rồi...”, ông xúc động nói.
Khi hoa vừa kết xong cũng vừa lúc đoàn tri ân của Hội Cựu chiến binh và Phòng Kiểm tra thuế số 2 (Cục Thuế TP.HCM) đến, họ đã “hẹn hò” nhau từ trước và cùng bước xuống mép nước Thạch Hãn. Với vai trò “chủ lễ”, Lê Bá Dương khấn nguyện rồi đại diện cho mọi người trong đoàn nói lên tiếng lòng của những những cựu binh dành cho đồng đội: Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm.
Có thể bài thơ này ông đã đọc lui đọc tới cả ngàn lần rồi nhưng trong buổi chiều hôm ấy Lê Bá Dương vẫn khóc, khóc đến nhòe cả kính... Xúc động càng nhân lên khi có một cô gái trẻ bước lên phía trước và cất tiếng hát. Cũng là một bài hát gắn với sông Thạch Hãn, rằng: “Thạch Hãn, Thạch Hãn ơi! có một thời khói lửa nơi đây, các anh nằm xuống môi vẫn nở nụ cười , các anh nằm xuống môi vẫn nở nụ cười; máu anh đổ bồi đắp phù sa, máu anh đổ bồi đắp phù sa; hát dòng sông, hát bài ca chiến thắng”. Có lẽ cô đã không được đi qua chiến tranh nhưng những rung động trong tâm hồn cô chuyển qua từng giai điệu là rất thật...
Điệu hát kết thúc, chẳng ai bảo ai, mọi người nhẹ nhàng nâng từng vòng hoa rồi thả xuống dòng nước mát. Hoa trôi đi rất nhanh, “như thể có người kéo đi vậy”.
Chiều tháng 7, bên dòng Thạch Hãn, còn dáng hình những cựu chiến binh già đứng trầm ngâm ngóng những bè hoa trôi trôi xa, trôi xa mãi...
|
Bài, ảnh: Nguyễn Phúc
Bình luận (0)