Số tiền mỗi người ít nhất chi cho những dịch vụ mà mình không hề hay biết hằng tháng trên 100.000 đồng...
Chiêu trò “bẫy” dịch vụ
Không chỉ sử dụng các hình thức quảng cáo mập mờ thông qua tin nhắn rác để khách hàng bị trừ tiền, gần đây các nhà mạng lại có thêm một số hình thức tinh vi hơn khiến nhiều người dù rất tự tin về bản lĩnh, kinh nghiệm sử dụng điện thoại vẫn không thể nào thoát bẫy. Anh Minh Xuân, ngụ tại Q.Thủ Đức, TP.HCM kể, mới đây anh vừa thấy một tin nóng với tiêu đề “Đứt hệ thống điện trên cầu 300 người chết ở Campuchia” trên tường Facebook của một người bạn, anh nhấp vào link để xem thì thấy đường link dẫn vào trang gì đó của Vinaphone. Anh vội vàng thoát ra ngay vì biết “dính chưởng lừa đảo”.
|
Thế nhưng cũng ngay lúc đó điện thoại anh có tin nhắn báo đến có nội dung “Chúc mừng quý khách đã đăng ký thành công và được miễn phí ngày đầu trải nghiệm gói NS2, dịch vụ YouTV qua hệ thống quảng cáo Mobile Ads của Vinaphone. Sau khi hết thời hạn miễn cước, Vinaphone tính cước 4.000 đồng/ngày và dịch vụ sẽ được tự động gia hạn...”. Anh Minh Xuân bức xúc, với kiểu chèn “bẫy dịch vụ” dưới hình thức các tin nhắn mang nội dung thời sự thì người dùng sẽ không thể nào tránh được.
Mới xuất hiện gần đây là dịch vụ thông báo tự ý tăng định mức sử dụng các dịch vụ của khách hàng. Chị Chuyên, khách hàng của MobiFone tại TP.HCM bỗng dưng nhận được tin nhắn thông báo tăng hạn mức ứng trước cho dịch vụ gọi trong nước từ 3 triệu đồng lên 10 triệu đồng, dịch vụ thoại và nhắn tin quốc tế lên 5 triệu đồng, dịch vụ dữ liệu chuyển vùng quốc tế tăng lên 5 triệu đồng...
Tin nhắn này cũng nêu rõ nếu khách hàng có yêu cầu thay đổi thì nhắn tin đăng ký lại. Không thể chấp nhận việc này, chị Chuyên gọi tổng đài và yêu cầu không cần tăng vì không có nhu cầu. Nhưng chị phải gọi đến lần thứ 3 với những lời lẽ gay gắt hơn, thậm chí yêu cầu gặp ngay cấp quản lý thì mới được giải quyết. “Theo thông báo đó thì nhà mạng tự động nâng hạn mức rồi khách hàng không chịu thì phải nhắn tin hạ hạn mức xuống. Có ai vô lý và vô duyên như vậy không? Rõ ràng đây là cách ép buộc khách hàng trắng trợn”, chị Chuyên tức giận kể lại.
Cô Ánh, một khách hàng ngụ tại Q.7, TP.HCM lại rơi vào cảnh ngộ oái oăm khi thường xuyên nhận được các tin nhắn mang nội dung tư vấn về giới tính, nghệ thuật “yêu” như thế nào hay chuyện lứa đôi hết sức nhảm nhí. Cô nghĩ đó là tin nhắn rác nên cũng bỏ qua. Thế nhưng, vì đã về hưu, sử dụng điện thoại không nhiều nhưng tài khoản luôn hết tiền rất nhanh. Gần đây khi kiểm tra cô Ánh mới biết là điện thoại có dịch vụ 2Funny, trong đó có mục Adam và Eva và vẫn bị trừ tiền hằng tuần... “Có thể họ thừa biết khách hàng ít khi bỏ số điện thoại đang dùng nên dù sao cũng phải cắn răng chấp nhận”, cô Ánh nói.
Tắt máy vẫn bị tính cước
Cay đắng hơn là trường hợp của chị Võ Như tại Q.3, TP.HCM khi hủy dịch vụ, thậm chí máy hỏng, tắt cả tháng nhưng vẫn bị trừ tiền triệu cho dịch vụ 3G của MobiFone. Chị Võ Như kể, trong tháng 8, MobiFone thông báo cước phí đột nhiên tăng vọt lên 1,2 triệu đồng, cao gấp nhiều lần mấy tháng trước nên đã gọi điện hỏi và được nhân viên nhà mạng này trả lời, do sử dụng dịch vụ 3G. Chị Như chất vấn, đã hủy mọi gói cước 3G trước đó tại sao vẫn bị tính tiền, nhân viên này giải thích, kể cả không đăng ký gói cước nhưng cứ mở chế độ 3G là bị tính tiền theo dung lượng sử dụng. Dù ấm ức nhưng chị Như vẫn chấp nhận trả tiền. Cẩn thận hơn, qua tháng 9, chị tắt luôn chế độ 3G trên máy, chiếc điện thoại bị hư, sập nguồn nằm một chỗ, chỉ thỉnh thoảng chị mở ra khi cần lấy số điện thoại nào đó trong danh bạ. Thế nhưng không ngờ cước tháng 8 của chị còn cao hơn tháng trước đó, lên 1,25 triệu đồng.
|
Quá bức xúc, chị đã nhiều lần gọi điện trao đổi, thậm chí cãi nhau với nhân viên dịch vụ của MobiFone nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận đóng gần 2,5 triệu đồng tiền cước 2 tháng qua cho yên thân. “Chồng tôi thấy tôi quá bức xúc nên bảo thôi đừng cãi cọ với họ nữa, đăng ký gói 70.000 đồng/tháng cho yên thân. Thế là tôi đành đăng ký gói này, nói chung là chạy trời không khỏi 3G, không muốn sử dụng cũng không được nữa” - chị Như nói và giải thích, không thể không đóng 2 tháng cước trên trời này vì họ sẽ cắt số. Số này công ty chị Như đứng tên nên chị sợ bị cắt luôn các số còn lại của công ty vì thiếu nợ nên dù biết vô lý nhưng cũng phải móc hầu bao đóng tiền cho nhà mạng.
Đồng cảnh ngộ, anh Lê Trường tại Q.10, TP.HCM cho biết đã sử dụng nhà mạng MobiFone hơn 10 năm. Anh đăng ký sử dụng gói 3G cước 70.000 đồng/tháng cho điện thoại. Khi chiếc điện thoại này bị hư anh nhắn tin hủy gói cước 3G và gửi tổng đài và ung dung nghĩ rằng gói cước đã được hủy. Nhưng đến cuối tháng, anh vẫn bị trừ tiền và câu trả lời anh nhận được khi liên hệ với tổng đài của MobiFone là “anh đăng ký hủy nhưng bên MobiFone chưa xác nhận nên chưa hủy”. “Tôi “bó tay” với kiểu cung cấp dịch vụ như vậy” - anh Trường chán nản nói.
Khởi kiện nhà mạng
Sau khi đọc cách hướng dẫn kiểm tra về các dịch vụ của nhà mạng, anh Nguyễn Trung Hiếu, một khách hàng tại Đà Nẵng chưng hửng khi biết mình đang sử dụng dịch vụ XEMBONGDA. Anh gọi đến tổng đài thì nhân viên bảo rằng, ngày xyz... đã đăng ký dịch vụ này, anh phải soạn cú pháp để tự hủy. Anh Hiếu cho biết, chưa từng đăng ký bất kỳ dịch vụ nào ngoài thoại và nhắn tin bình thường của MobiFone. “Tôi đã sử dụng mạng này từ những ngày đầu nó có mặt ở VN, đến nay đã mấy mươi năm, còn được cấp cả thẻ vàng khách hàng thân thiết. Vậy mà vẫn không thoát trò cài đặt “ăn chặn” phí này. Tôi không tự hủy mà nhà mạng phải làm. Hóa đơn kỳ này có trừ phí dịch vụ nói trên, tôi sẽ kiện MobiFone tới nơi tới chốn”.
|
Khách hàng Nguyễn Văn Hải cũng khẳng định vừa kiểm tra điện thoại trả sau và thấy mỗi tháng mình trả hết 77.000 đồng oan uổng cho các dịch vụ MobiTV và xem phim online của nhà mạng Viettel. Hỏi nhân viên tổng đài cũng không biết bị trừ tiền từ khi nào. “Mình sử dụng số điện thoại này của Viettel 10 năm rồi, 10 năm bị trừ tiền như vậy. Mình chắc chắn sẽ kiện ra tòa để đòi tiền lại”.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng: “Cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc nhanh chóng, phải xử phạt thật nặng các nhà mạng vì đó chính là hành vi lừa đảo khách hàng. Các hiệp hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng phải chủ động tập hợp khách hàng để khởi kiện các nhà mạng, đòi lại quyền lợi”.
Luật sư Võ Văn Trà, Giám đốc Công ty luật Việt Nhật nhấn mạnh rằng bản chất việc gửi tin nhắn quảng cáo chào mời dịch vụ của các nhà mạng đến khách hàng là một giao dịch dân sự. Vì vậy, buộc phải tuân thủ các nguyên tắc về giao dịch dân sự mà trong đó, nguyên tắc quan trọng nhất là tự nguyện, bình đẳng. Do đó nếu khách hàng không đồng ý thì giao dịch đương nhiên là vô hiệu. Luật sư Trà cũng cho biết không chỉ riêng ông mà giới luật sư cũng sẵn sàng tư vấn hỗ trợ pháp lý khi khách hàng có nhu cầu muốn khởi kiện khi quyền lợi của mình bị thiệt hại.
Cách tự kiểm tra
Gọi số tổng đài kiểm tra hoặc qua tin nhắn của các nhà mạng như sau:
Viettel: gọi 18008198 hoặc soạn tin nhắn với cú pháp TC gửi 1228.
MobiFone: gọi 18001090 hoặc soạn tin nhắn với cú pháp là KT gửi 994.
Vinaphone: gọi 9191 hoặc soạn tin nhắn với cú pháp là TK gửi 123.
|
Bình luận (0)