Khó tìm ra một quốc gia nào khác trên thế giới mà cả hai lĩnh vực bóng đá, chính trị đều luôn sôi động, hấp dẫn, luôn là đề tài bình luận hằng ngày của mỗi người dân như Ý. Và ở Ý, khó tìm ra nhân vật nào thành công trong cả hai lĩnh vực quan trọng ấy như Silvio Berlusconi.
Berlusconi đưa AC Milan nổi đình nổi đám ở đấu trường châu Âu - Ảnh: AFP
|
Ông là người từng giữ ghế Thủ tướng Ý 3 lần (1994 - 1995, 2001 - 2006, 2008 - 2011) - thời gian kỷ lục kể từ sau đệ nhị thế chiến. Và ông làm chủ CLB AC Milan từ năm 1986. Ngoài Real Madrid vốn được FIFA công nhận là CLB số 1 thế giới trong thế kỷ 20, không có đội nào khác sánh nổi AC Milan về số lần đoạt Cúp C1/Champions League.
Điều đáng chú ý là trong 7 lần Milan lên ngôi vô địch châu Âu tầm CLB, có đến 5 lần diễn ra dưới thời Berlusconi. Nói cách khác, nếu chỉ tính từ khi Berlusconi xuất hiện thì chính AC Milan - chứ không phải bất cứ đội nào khác, kể cả Real Madrid - mới thật sự là CLB số 1 trong làng cầu châu Âu cũng như thế giới. Lạ lùng ở chỗ, rất ít người hiểu rõ Berlusconi là ai, từ đâu ra, giàu có như thế nào và bằng cách nào, khi nhân vật này bắt đầu nổi đình nổi đám từ giữa thập niên 1980.
AC Milan thì ai cũng biết. Nhưng đội bóng này đã suy yếu hẳn sau thời kỳ hoàng kim ở thập niên 1960. Từ năm 1969 đến 1987, Milan chỉ lên ngôi vô địch Serie A đúng 1 lần trong khi họ rớt hạng những 2 lần. Khi Berlusconi mua lại AC Milan vào năm 1986 thì Juventus đã đoạt scudetto đến 4 lần chỉ trong 6 mùa. Họ vừa đoạt Cúp C1 châu Âu năm 1985 và có Michel Platini 3 lần liên tiếp giữ Quả bóng vàng châu Âu. Đấy cũng là lúc thiên tài Diego Maradona chuẩn bị giúp đội bóng nhỏ Napoli làm nên cả một hiện tượng. Vậy mà rút cuộc, cả Juventus lẫn Napoli đều bị AC Milan lật đổ. Đấy có lẽ là giai đoạn hấp dẫn nhất trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại, trong cả làng cầu thế giới chứ không riêng gì Calcio.
Berlusconi không chỉ thành công rực rỡ trong quyết định mua lại một AC Milan đã chìm vào quên lãng. Đáng nói hơn, ông còn bất ngờ chỉ định Arrigo Sacchi giữ ghế HLV trưởng Milan vào năm 1987. Trước đó, Sacchi không hề khoác áo một đội chuyên nghiệp, cũng chưa bao giờ cầm quân trong làng bóng đỉnh cao. Lạ thay, ông đưa Milan lên ngôi vô địch Serie A ngay trong mùa bóng đầu tiên (1987 - 1988). Được trở lại trận địa C1 danh giá, Milan của
Sacchi lại ngay lập tức đăng quang, rồi lại bảo vệ thành công chiếc Cúp C1 ở mùa kế tiếp. Từ đó trở đi, Sacchi nghiễm nhiên trở thành tượng đài sừng sững trong làng huấn luyện. Milan cũng liên tục thành công, ở cả Serie A lẫn Cúp C1/Champions League. Vì sao Sacchi (coi như) không biết đá bóng nhưng lại huấn luyện cực kỳ xuất sắc? Câu trả lời: "Bạn không nhất thiết phải là một con ngựa trước khi trở thành nài ngựa". Sacchi đáp lời như vậy khi ông trả lời báo chí, nhưng trước đó Berlusconi đã nói như vậy khi thuyết phục Sacchi đến Milan làm việc!
Ngoài việc chỉ định Sacchi giữ ghế HLV trưởng, Berlusconi còn thành công vang dội trong bản hợp đồng mua về Milan một cầu thủ trẻ, chưa mấy nổi tiếng. Đó là Marco Van Basten. Rồi Milan dần dần gieo rắc kinh hoàng khắp mọi sân cỏ với bộ ba lừng danh Van Basten - Ruud Gullit - Frank Rijkaard (đều do Berlusconi mua về). Năm 1988, Milan trở thành CLB đầu tiên sở hữu cùng lúc ba quả bóng vàng - bạc - đồng trong giải thưởng cá nhân danh giá nhất châu Âu. Một chi tiết khác, cũng đáng nhắc lại: Milan chính là CLB gần đây nhất từng bảo vệ thành công danh hiệu vô địch trên đấu trường C1/Champions League.
Nếu trong bóng đá, Berlusconi thành công bằng con đường riêng kỳ lạ thì trên chính trường, ông càng xuất sắc trong việc biến bóng đá thành cỗ xe chính trị. Ông lập đảng phái với tên gọi rất lạ: Forza Italia (tạm dịch là "Italia, cố lên"!). Khi Milan thi đấu, các cổ động viên hô vang "Forza Milan". Khi ĐTQG thi đấu, các tifosi lại hô "Forza Italia". Thế là tên đảng của Berlusconi trở thành câu cửa miệng của hàng triệu "tín đồ". Không những vậy, đảng viên Forza Italia được phát mũ, cờ, áo, khăn choàng... gồm toàn hình ảnh AC Milan. Rồi các CLB "Forza Italia" mọc lên khắp nơi, có đến hàng ngàn chi nhánh. Chỉ vài tháng sau khi thành lập, đảng Forza Italia đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử 1994 tại Ý. Sự nghiệp chính trị của Berlusconi cũng bay bổng từ đó.
Vài năm gần đây, Milan đã sa sút hẳn. Một phần nguyên nhân thuộc về thời thế, khi bóng đá Ý nói chung đã suy yếu hẳn, không cạnh tranh nổi về mặt tài chính với Bundesliga, La Liga hoặc Premier League. Nhưng cũng vì Berlusconi đã gần 80 tuổi, chỉ còn giữ vai trò chủ tịch danh dự, nói chung là đã coi như khép lại sự nghiệp cả trong bóng đá lẫn chính trị.
Bình luận (0)