Chính phủ đề xuất kéo dài chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 thêm 1 năm

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/10/2022 16:29 GMT+7

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho kéo dài các chính sách đặc thù, cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 thêm 1 năm, đến hết 31.12.2023.

Một số kit xét nghiệm, thuốc Covid-19 nguy cơ không sử dụng hết

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tại phiên họp

gia hân

Chiều 10.10, tiếp tục phiên họp 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30 năm 2021 về các chính sách đặc biệt, đặc thù, cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày báo cáo, nhấn mạnh Chính phủ, Thủ tướng đã chủ động, sáng tạo trong áp dụng linh hoạt biện pháp chống dịch tại Nghị quyết 30.

Đến nay, theo bà Lan, Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận công tác phòng, chống dịch còn tồn tại một số hạn chế, bất cập.

Đáng lưu ý, theo bà Lan, một số thuốc, vật tư, hoá chất, sinh phẩm mua từ ngân sách nhà nước và được viện trợ, tài trợ để phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 có nguy cơ không sử dụng hết trước hạn do hiện tại nhiều nơi gần như không còn bệnh nhân điều trị Covid-19. "Đặc biệt là sinh phẩm xét nghiệm Realtime RT- PCR do chiến lược xét nghiệm thay đổi, tình hình dịch đã được kiểm soát", bà Lan nêu.

Ngoài ra, theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, thu nhập, chế độ đãi ngộ, chính sách động viên khen thưởng với các cán bộ y tế chưa kịp thời. Có tình trạng viên chức, nhân viên y tế, nhất là các lực lượng phòng, chống dịch xin nghỉ việc, thôi việc do nhiều lý do.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thừa nhận có tâm lý lo ngại, sợ sai từ các vụ việc tiêu cực phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến trục lợi trong mua sắm trang thiết vị y tế gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện cho đến hết ngày 31.12.2022.

Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số biện pháp cho đến hết 31.12.2023 nhằm tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép trong trường hợp dịch bệnh bùng phát mà các chính sách, quy định hiện hành chưa kịp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật, theo quy định tại mục 3.3 Nghị quyết số 30.

Xem xét phân loại dịch Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đã giúp tháo gỡ nhiều rào cản pháp lý để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra

gia hân

Song cơ quan này cũng nhìn nhận việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện một số cơ chế chính sách còn chậm, gây lúng túng và làm ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai ở địa phương và một số cơ sở, làm giảm tính cấp bách, hiệu quả của chính sách.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong triển khai tiêm chủng vắc xin phòng dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, song Ủy ban Xã hội lưu ý Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ vắc xin Covid-19 nào sản xuất trong nước được cấp phép đăng ký, sử dụng.

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra việc mua sắm, quản lý, sử dụng Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 trong báo cáo của Chính phủ còn chưa cụ thể, một số thông tin về số lượng vắc xin đã mua, số lượng vắc xin đã tiêm, số lượng vắc xin bị hủy bỏ chưa được làm rõ dẫn đến khó đánh giá toàn diện kết quả hoạt động của quỹ này.

“Đặc biệt, đã xảy ra một số sai phạm nghiêm trọng trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, gây bức xúc trong dư luận, tác động tiêu cực nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội”, bà Nguyễn Thuý Anh nói và đề nghị cần báo cáo cụ thể về giải pháp xử lý số lượng vắc xin, thuốc, trang thiết bị, hóa chất còn dư khi dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát.

Ghi nhận 2 kiến nghị kéo dài thời gian tiếp tục thực hiện các chính sách đặc thù trong Nghị quyết 30 của Chính phủ, tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, Chính phủ cần có báo cáo đánh giá tổng quan, đánh giá tác động, cũng như danh mục cụ thể các nội dung cần làm cho thời gian tới phù hợp với thực tiễn hiện nay.

“Đặc biệt, theo một số thông tin, trong năm 2023 sẽ xuất hiện nguy cơ thiếu thuốc khi hơn 14.000 thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành, sẽ ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh nói chung, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của nguy cơ thiếu thuốc này và có tờ trình chính thức để Quốc hội xem xét, quyết định”, bà Thúy Anh nêu.

Ngoài ra, Ủy ban Xã hội kiến nghị Quốc hội quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc về thể chế liên quan tới đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, giá dịch vụ y tế và các nội dung khác thuộc lĩnh vực y tế.

Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng kiến nghị phân tích, đánh giá việc phân loại dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, kịp thời có hướng dẫn, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.