Sáng 10.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 4. Phiên họp thảo luận, cho ý kiến đối với 2 nội dung: lấy ý kiến nhân dân và hoàn thiện dự án luật Đất đai sửa đổi, trình Quốc hội và tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án luật Nhà ở sửa đổi.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược.
Theo đánh giá, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đã chủ động, tích cực rà soát các quy định của pháp luật, đề xuất, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, lấy ý kiến nhân dân theo quy định.
Những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền Chính phủ thì Chính phủ thực hiện, thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành thì các bộ, ngành thực hiện, những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Quốc hội.
Theo Thủ tướng, người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, do đó mọi chính sách phải hướng đến người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, người dân, doanh nghiệp tham gia đóng góp, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện các chính sách có liên quan tới quyền, lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.
Trước mắt, phải tập trung các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến, thông qua 18 dự án luật, pháp lệnh. Đây là khối lượng công việc lớn, việc chuẩn bị phải khẩn trương, kịp thời, bảo đảm tiến độ và nâng cao chất lượng.
Thủ tướng nhấn mạnh, dự án luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, thời gian ít, có tác động sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp, do đó phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, hoàn chỉnh và báo cáo Quốc hội. Dự án luật Nhà ở (sửa đổi) cũng rất cấp bách vì lĩnh vực bất động sản có nhiều vấn đề "nóng" phải giải quyết.
Thủ tướng yêu cầu trước khi trình và các luật có hiệu lực, nếu thấy các vấn đề nổi lên thì tiếp tục tập hợp, xử lý, đề xuất các cấp có thẩm quyền theo quy định để khẩn trương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung của các luật còn những điểm vướng mắc, phải tích cực rà soát, sửa đổi. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung, phải hết sức lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, những người hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm.
Đồng thời, phải làm tốt công tác truyền thông chính sách trước, trong và sau khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật với sự vào cuộc của các cơ quan soạn thảo và các cơ quan báo chí, truyền thông để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao.
Bình luận (0)